Từ cô gái hay khóc nhè khi luyện tập vất vả, nhớ nhà, Mỹ Châu trở thành nữ sinh cứng cỏi, trưởng thành hơn rất nhiều sau 2 năm là thủ khoa Học viện Cảnh sát Nhân dân.
Cách đây 2 năm, Đinh Thị Mỹ Châu - cô gái nhỏ nhắn sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Hà Tĩnh - đã vượt qua hàng nghìn thí sinh để được vinh danh là thủ khoa khối C, Học viện Cảnh sát Nhân dân.
Đạt 27,8 điểm, Mỹ Châu tự hào khi trở thành tân binh lớp B16 - Kỹ thuật Hình sự chất lượng cao, điều mà cô bạn chưa từng nghĩ đến trước đó.
Từ cô bé hay khóc vì lạ lẫm với môi trường huấn luyện đặc biệt, Mỹ Châu trở thành nữ học viên mạnh mẽ, rắn rỏi. Cô bảo đó không chỉ là những điều người ngoài nhận xét mà bản thân Châu cũng cảm nhận được.
Từng chịu áp lực lớn với ngôi vị thủ khoa
Khi bước vào năm thứ ba, được học tập và rèn luyện trong môi trường kỷ cương, Mỹ Châu vẫn không quên những ngày đầu vào trường đầy bỡ ngỡ. Nữ thủ khoa đầu vào năm 2015 của Học viện Cảnh sát Nhân dân tâm sự cô từng gặp không ít áp lực vì 2 chữ thủ khoa.
“Đi đến đâu, ai cũng chỉ và nói ‘thủ khoa kìa’. Mình vui nhưng cũng có chút e dè”, Mỹ Châu kể lại.
Nữ cảnh sát tương lai tự nhận bản thân không có gì nổi bật và danh hiệu này đến với mình cũng một phần là may mắn.
Mỹ Châu tự hào trở thành sinh viên Học viện Cảnh sát Nhân dân |
Danh hiệu thủ khoa cũng gây cho Mỹ Châu áp lực vô hình khác về thành tích học tập, nhất là khi ở lớp chất lượng cao, các bạn có thành tích học tập “khủng”.
“Mỗi khi có câu hỏi gì khó thuộc lĩnh vực khối C, các bạn đều nói thủ khoa đâu rồi, trả lời đi kìa… làm mình thấy có chút áp lực, chỉ lo lắng bản thân không làm được”, Châu tâm sự.
Châu nhớ lại một lần giảng viên đưa ra câu hỏi lịch sử và mời sinh viên trả lời. Cô đương nhiên là cái tên được nhắc đến. Lần đó, Châu đã không thành công.
Nữ sinh nhớ lại khi ấy, cô cảm thấy khá ngại ngùng và ngay sau đó dành thời gian tìm hiểu về kiến thức mình còn thiếu sót. “Kiến thức vô biên, không ai có thể trả lời hết tất cả câu hỏi. Bạn chỉ cần cố gắng tìm hiểu và học hỏi, tích lũy là được”, cô bạn bày tỏ suy nghĩ.
Những áp lực khiến nữ sinh đạt kết quả không tốt trong năm học đầu tiên và chỉ đạt loại khá, trong khi hầu hết sinh viên đều đạt loại giỏi.
Nghĩ lại quãng thời gian gặp khó khăn ấy, đến giờ, Châu vẫn không thể quên và coi đó là “bài học xương máu” để rút kinh nghiệm cho bản thân sau này.
Trưởng thành hơn sau 2 năm
Cô bạn sinh viên năm nhất đen nhẻm, hay khóc nhè vì nhớ nhà ngày nào giờ đây đã mang phong thái của nữ cảnh sát tương lai. Châu kể cuộc sống của cô thay đổi khá nhiều trong khoảng thời gian 2 năm học tập trong môi trường này.
Mỹ Châu không chỉ học tập tốt mà còn tích cực tham gia vào nhiều câu lạc bộ của trường, lớp |
Từ học sinh THPT được gia đình bao bọc, hiện tại, Mỹ Châu đã là cô gái biết tự lập, tự lo cho bản thân và có thể hòa nhịp với cách sống chung của “đại gia đình” Học viện Cảnh sát Nhân dân.
Châu nhớ lại thời gian đầu khi mới nhập học, mọi thứ với cô bạn xa quê lần đầu ra thành phố rất lạ lẫm. Việc mặc quân phục, điểm danh, ăn cơm, ở cùng với 9 bạn nữ khác, trực gác, học võ và điều lệnh… đều khiến nữ sinh bất ngờ. Không ít lần cô bạn bật khóc vì quá vất vả và nhớ nhà.
“Lúc đấy, mình ngơ ngác lắm và có cảm giác rất khó hòa nhập với mọi người xung quanh. 6 tháng học điều lệnh giữa trời mưa, nắng khiến mình đôi lúc thấy nản lòng. Nhưng giờ nhìn lại, đó lại là quãng thời gian giúp bản thân rắn rỏi hơn bao giờ hết”, Mỹ Châu tâm sự.
Khi được hỏi điều mình thay đổi nhiều nhất từ khi bước vào môi trường cảnh sát, cô bạn đến từ Hà Tĩnh không ngần ngại nói rằng bản thân cô trưởng thành hơn nhiều, tác phong có kỷ luật hơn, biết quý mến đồng chí, đồng đội và tìm cho bản thân một phương pháp học tập phù hợp.
Sau những giờ rèn luyện, cuối tuần, Châu thường đi thăm thú Hà Nội với những người bạn.
Muốn lặp lại danh hiệu thủ khoa
Nếu áp lực từ năm thứ nhất khiến Châu không đạt danh hiệu học viên giỏi, nữ sinh đã đạt được thành tích đó vào năm thứ hai.
Hiện tại, khi đã là sinh viên năm ba, Châu không lơ là học tập, thường xuyên tham gia các hoạt động tập thể của trường, lớp. Cô bạn chia sẻ có nhiều kinh nghiệm và phương pháp học tập hơn.
Đến giờ, nhiều người trong trường vẫn gọi cô với cái tên “thủ khoa khối C” nhưng điều đó không còn là áp lực với Châu nữa. Nó lại là nguồn động viên lớn giúp cô bạn phấn đấu để xứng đáng với tên gọi này.
Cô bạn mong muốn có thể trở thành thủ khoa đầu ra nhưng không quá đặt nặng vấn đề này. |
Bên cạnh việc luôn giữ vững thành tích học tập, Mỹ Châu còn là thành viên của Tiên phong cảnh sát trẻ - câu lạc bộ thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động tập thể cho sinh viên trong trường và nhận được nhiều khen ngợi.
Cô bạn cũng bày tỏ mong muốn được lặp lại 2 chữ “thủ khoa” một lần nữa khi ra trường nhưng không quá đặt nặng vấn đề đó. Châu quan niệm học là để biết, để làm và để thấy bản thân nỗ lực như thế nào, còn điểm số không phải tất cả. “Quan trọng là sau 4 năm, mình học được gì và có được những gì để sau này có thể công tác hiệu quả”.
Sau những năm học tập tại Học viện Cảnh sát Nhân dân, Mỹ Châu thêm yêu mái trường này. Đó không còn là hình ảnh cô bạn mộng mơ trong phim Chạm tay vào nỗi nhớ mà đã trở thành cuộc sống gắn liền 9X mỗi ngày.
“Đó không chỉ là khuôn viên rộng lớn với một hệ thống cơ sở vật chất ấn tượng mà là cuộc sống, tình cảm đồng chí, đồng đội, là tình thầy trò và tình yêu nghề với mình”, nữ sinh viên nói.
Cô bạn cũng bật mí con gái trường cảnh sát không cứng nhắc như mọi người vẫn nghĩ. Cứng cỏi, khỏe mạnh, bản lĩnh là những nét đẹp riêng của nữ quân nhân mà không phải bạn nữ nào cũng có. Nếu cho Mỹ Châu chọn lại, cô bạn vẫn luôn có ý nghĩ Học viện Cảnh sát Nhân dân luôn là “lựa chọn đầu tiên và duy nhất của mình”.
Cô bạn xinh xắn trong bộ quân phục cảnh sát |
Theo Hàn Triệt (Tri Thức Trực Tuyến)