Hai nữ sinh lớp 11 trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng đã sáng chế chiếc đồng hồ thông minh giúp người câm điếc giao tiếp.
Từ thực tế ấy, Trang Ngân và Nguyễn Hiền Thảo Chi (lớp 11 chuyên Anh) đã tạo ra chiếc đồng hồ đa năng có tên "Mind Hand". Nó không chỉ hỗ trợ trong giao tiếp, mà còn giúp người câm điếc nâng cao chất lượng cuộc sống hàng ngày.
Đồng hồ thông minh giúp người câm điếc nói chuyện: Trần Thị Trang Ngân và Nguyễn Hiền Thảo Chi đã sáng chế chiếc đồng hồ đa năng có tên gọi "Mind Hand". |
Hai nữ sinh lớp 11 cho biết thiết bị được tích hợp kỹ thuật xử lý hình ảnh và âm thanh. Chiếc đồng hồ sẽ liên kết với điện thoại thông minh để chuyển đổi ngôn ngữ ký hiệu của người câm điếc thành giọng nói và giọng nói thành chữ viết.
"Mind Hand" gồm có 3 chức năng: Hiển thị giờ, báo rung khi có tiếng ồn xung quanh (tiếng trẻ con khóc, còi, báo cháy...), hiển thị chữ viết được chuyển hóa từ giọng nói. Nhờ đó, người câm điếc có thể thoải mái giao tiếp. Sản phẩm này trông không khác chiếc đồng hồ thông thường.
"Chúng em thấy rằng nếu người câm điếc đeo găng tay hỗ trợ, họ sẽ cảm thấy khác biệt trong giao tiếp với xung quanh. Vậy nên, chúng em tạo ra thiết bị thật nhỏ gọn để họ hòa nhập hơn và không bị người khác nhìn bằng ánh mắt phân biệt", Trang Ngân chia sẻ.
Trang Ngân (phải) và Thảo Chi giới thiệu chiếc đồng hồ thông minh sau nhiều lần nâng cấp. Ảnh cắt từ clip. |
Chiếc đồng hồ lúc đầu khá cồng kềnh và chỉ có 2 mạch điện. Sau vài lần nâng cấp, sản phẩm trông nhỏ gọn, xinh xắn và có 3 mạch điện.
Nói đến công nghệ một cách say mê, không ai nghĩ rằng Trang Ngân và Thảo Chi đều không học chuyên về kỹ thuật. Một người học chuyên Anh, bạn còn lại chuyên Toán. Hai nữ sinh phải tự mày mò và học trên mạng rất nhiều.
"Ở trường, chúng em mới chỉ học ngôn ngữ Pascal và lập trình C. Chúng em đã phải học thêm qua các trang mạng", Thảo Chi nói.
Sản phẩm nhỏ gọn nhận được sự ngưỡng mộ của sinh viên ngành lập trình. Ảnh cắt từ clip. |
"Mind Hand" vượt xa nhiều sáng chế tương tự ở thời điểm hiện tại nhờ được lập trình với hàng trăm câu thoại bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt.
Hai nữ sinh bày tỏ trong tương lai, họ sẽ phát triển nội dung của ứng dụng với những chủ đề chuyên sâu hơn, mở rộng ra nhiều ngôn ngữ để giúp người câm điếc không chỉ giao tiếp với bạn bè trong nước, mà cả với bạn bè quốc tế.
Theo Vũ Loan (VTV.vn)