Nữ sinh dân tộc Tày: Từ giải Nhất Quốc gia đến ước mơ travel blogger

23/01/2021 11:00:00

Sinh ra và lớn lên giữa đại ngàn nắng gió Tây Nguyên, nữ sinh dân tộc Tày nuôi ước mơ trở thành một travel blogger (người chuyên viết nhật ký du lịch trên mạng) để giới thiệu quê hương đến bạn bè năm châu.

Đam mê văn học từ tình yêu của mẹ

Kết thúc kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia THPT năm học 2020-2021, nữ sinh Đinh Thị Minh Phương, lớp 12VS (Văn - Sử), trường THPT chuyên Nguyễn Du (Đắk Lắk) đã xuất sắc trở thành một trong ba thí sinh đoạt giải Nhất môn Ngữ văn, với số điểm 16/20. Thành tích của Minh Phương đã ghi dấu mốc lần đầu tiên tỉnh Đắk Lắk có giải Nhất môn Ngữ văn.

Trở lại những giờ học trên lớp, cô học trò nhỏ vẫn đang miệt mài ôn tập cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2021 và tích cực tham gia các hoạt động của trường. Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất nghèo khó Krông Năng (Đắk Lắk), nữ sinh dân tộc Tày trong mắt thầy cô và bạn bè không chỉ thông minh, chăm chỉ, sáng tạo mà còn sống rất tình cảm.

Nói về học trò “cưng”, cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh (giáo viên môn Ngữ văn của Phương) chia sẻ: “Tôi bắt đầu nhận lớp chuyên Văn - Sử khi các em vừa hoàn thành chương trình lớp 10. Ấn tượng của tôi ngay từ khi tiếp xúc với Minh Phương là một cô bé thông minh, luôn có những ý tưởng khác biệt, mới mẻ, phù hợp với thời đại. Không chỉ vậy, cô bé còn sống rất tình cảm, luôn là người chủ động dung hòa các mâu thuẫn của bạn bè”.

Nữ sinh dân tộc Tày: Từ giải Nhất Quốc gia đến ước mơ travel blogger
Minh Phương trong một giờ học trên lớp. (Ảnh: NVCC).

Nhắc đến niềm đam mê với môn Ngữ văn, Minh Phương khẽ mỉm cười: “Mẹ em cũng là giáo viên dạy Ngữ văn ở một trường THCS tại huyện Krông Năng, nên đã nuôi dưỡng tình yêu văn học cho em từ khi còn nhỏ, qua những bài thơ và vè. Mẹ có rất nhiều sách, mỗi ngày, em đọc một cuốn sách và cảm thấy yêu thích văn học một cách rất tự nhiên. Em còn nhớ, bài học đầu tiên có tên “Cây dây leo”, em đã đọc từ hồi học mẫu giáo, khi mới biết đọc. Đến khi lớn dần, em lại được những thầy cô tâm huyết, giàu đam mê truyền lửa, nên tình yêu ấy ngày càng được bồi đắp”.

Khiêm tốn tự nhận mình chưa đủ kinh nghiệm và kiến thức để chia sẻ những bí quyết học Văn, cô học trò nhỏ chia sẻ những thói quen: “Em chỉ có ba thói quen. Ngay từ điểm xuất phát, em rèn cho bản thân không đọc nhiều văn mẫu, bởi em muốn trở thành chính mình, văn của mình sẽ không “mang hình hài” hay “nhang nhác” văn phong của người khác. Bên cạnh đó, em duy trì thói quen đọc sách mỗi ngày, đọc đi đọc lại những cuốn sách hay để hiểu sâu sắc hơn. Và cuối cùng, là duy trì thói quen viết, không chỉ luyện viết những bài văn với bố cục “đóng đinh”, em còn viết cả nhật ký, tản mạn và bình luận phim ảnh…”.

Những thói quen góp phần bồi đắp nên những mảng kiến thức phong phú trong cô học trò bé nhỏ ấy đã xuất hiện trong lịch sinh hoạt thường ngày từ lúc nào không hay. Đam mê Ngữ văn là vậy, nhưng Minh Phương cũng tiết lộ: “Năm nay, chúng em không chỉ tập trung cho kỳ thi học sinh giỏi mà còn dành thời gian ôn tập cho kỳ thi THPT Quốc gia 2021. Đã là học sinh lớp 12 thì ai cũng bận rộn hơn. Nhưng với em, riêng môn Ngữ văn, em không học theo một quy trình nào mà đơn giản chỉ là, khi nào thấy mình đầy cảm hứng thì sẽ học”.

“Là một bạn trẻ trong xã hội hiện nay, em cũng thường xuyên tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội Facebook hay Instagram… để cập nhật, chắt lọc và có thêm những kiến thức thực tế từ cuộc sống. Đó là một “ưu thế” trước những đề nghị luận xã hội. Ngay trong đề thi học sinh giỏi Quốc gia vừa rồi, em đã vận dụng tối đa những kiến thức để bày tỏ quan điểm, liên hệ đến dịch Covid-19 và thiên tai trong năm qua” - nữ sinh hào hứng bật mí.

Bước đệm cho ước mơ trở thành travel blogger

Hồi tưởng về ngày đầu bắt nhịp với cuộc sống trong ký túc xá trường THPT chuyên Nguyễn Du, Minh Phương vẫn còn nhớ những bỡ ngỡ khi phải học cách sống tự lập xa gia đình. “Thật may mắn, nhận được sự chia sẻ và quan tâm của thầy cô, bạn bè, em đã nhanh chóng gạt bỏ được nỗi nhớ nhà và chuyên tâm học tập” - nữ sinh vui vẻ nói.

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh cũng chia sẻ: “Trong cuộc sống cũng có những biến cố, nhất là với những nữ sinh ở độ tuổi tâm sinh lý có nhiều biến động. Chính vì thế, thay vì luôn là một người thầy, tôi thường đóng vai là người chị, người bạn để đồng hành và tâm sự với cô bé”.

Nữ sinh dân tộc Tày: Từ giải Nhất Quốc gia đến ước mơ travel blogger - 1
Cô giáo Bích Hạnh cùng học trò trong đội tuyển học sinh giỏi môn Ngữ văn. (Ảnh: NVCC).

Nữ sinh 17 tuổi chia sẻ, khi nhận được tin mình giành giải Nhất môn Ngữ văn trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia THPT, người có nhiều cảm xúc nhất không phải là bản thân mà chính là mẹ. “Năm lớp 11, em cũng đã tham gia đội tuyển học sinh giỏi Ngữ văn, nhưng không đạt thành tích. Khi đó, em đã từng có một khoảng thời gian cảm thấy rất suy sụp, luôn buồn bã và muốn bỏ cuộc. Thật may mắn, mẹ đã luôn quan tâm và dành những lời động viên tích cực, khiến em có thêm niềm tin vào bản thân. Nhờ có mẹ, em đã cố gắng tìm lại động lực và quyết định không dừng chân trước kỳ thi năm nay” - Minh Phương không giấu nổi niềm xúc động.

Với cô học trò ấy, giải Nhất môn Ngữ văn trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia THPT không chỉ là kết quả tốt ở hiện tại, mà còn là một bước đệm cho tương lai. Cô gái sinh ra giữa đại ngàn nắng gió Tây Nguyên luôn ấp ủ ước mơ trở thành một travel blogger, chuyên chia sẻ về những chuyến đi trên mạng xã hội, góp phần lan tỏa những hình ảnh đẹp của quê hương đến bạn bè quốc tế.

“Cách viết văn của Phương từ trước đến nay trong quá trình học cũng rất sáng tạo, em có tinh thần tự học cao, đọc nhiều sách báo nên có tư duy và kiến thức rộng hơn nhiều bạn học đồng trang lứa. Niềm vui của Minh Phương cũng là niềm tự hào của nhà trường và tỉnh Đắk Lắk, lần đầu tiên có giải Nhất ở môn Ngữ văn” - thầy Nguyễn Đăng Bồng - Hiệu trưởng trường THPT chuyên Nguyễn Du bày tỏ.

Truyền cảm hứng học văn cho em gái

Minh Phương tâm sự: “Mỗi khi ở nhà, em thường đưa những cuốn sách hay cho em gái đọc. Sau đó, hai chị em cũng thảo luận về những cuốn sách hoặc phim, bài hát… Đó có lẽ là sở thích chung của cả hai chị em, cũng là một trong những thói quen giúp bồi dưỡng niềm đam mê văn học. Em cũng muốn nhắn nhủ đến các bạn học sinh yêu Văn, hãy luôn cố gắng không mệt mỏi và luôn tin tưởng vào bản thân để chinh phục những thử thách”.

Theo Cẩm Mịch (Nguoiduatin.vn)