"Nữ sinh 30,5 điểm muốn cống hiến, đâu cứ phải vào công an"

18/08/2016 15:13:00

"Như Quỳnh nên tự cởi nút thắt cho mình và cho chính người cha đang dằn vặt, đau khổ của em", một độc giả viết về trường hợp nữ sinh 30,5 điểm trượt trường công an vì lý lịch.

 

"Như Quỳnh nên tự cởi nút thắt cho mình và cho chính người cha đang dằn vặt, đau khổ của em", một độc giả viết về trường hợp nữ sinh 30,5 điểm trượt trường công an vì lý lịch.

Cụ thể ông Nguyễn Văn Thuận (xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) - bố của Quỳnh - từng mua một khẩu súng C.K.C khi mới 25 tuổi, chưa lập gia đình, bị xử án tù treo 12 tháng. Nhiều năm sau, cô con gái Nguyễn Như Quỳnh được sinh ra, thi vào đại học, với số điểm 30,5. Nữ sinh không được xét tuyển vào Học viện An ninh Nhân dân vì không đáp ứng được tiêu chuẩn chính trị.

Lý lịch vào trường công an là quan trọng nhất

Trong thư cầu xét gửi Chủ tịch nước và Bộ trưởng Công an, Như Quỳnh viết: "Mỗi khi nhìn đến tờ giấy chứng nhận kết quả thi cháu lại rớt nước mắt, không biết cách nào để biến ước mơ lớn nhất cuộc đời thành hiện thực".

Như Quỳnh và các trường hợp khác viết tâm thư “cầu cứu” vào trường công an đã tạo ra hai luồng dư luận. Một số người cho rằng, việc xét tiêu chuẩn chính trị, gia cảnh làm mất cơ hội của nhiều thí sinh, trong khi quy định "cha làm con chịu" đã lỗi thời.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, lý lịch vào trường công an là quan trọng nhất. Chiến sĩ công an Phùng Cao Sơn (đang làm việc tại Hải Phòng) bày tỏ quan điểm: Ngành công an hoàn toàn khác biệt so với các ngành nghề khác. Một khi được tuyển sinh vào các trường công an, thí sinh sẽ được tuyển dụng, có công việc ổn định sau khi ra trường. Ngành công an có nhiều quy định đặc thù và ai cũng phải thực hiện.

'Nu sinh 30,5 diem muon cong hien, dau cu phai vao cong an' hinh anh 1
Chiến sĩ công an Phùng Cao Sơn: Ngành công an có nhiều quy định đặc thù và ai cũng phải thực hiện. Ảnh: NVCC.

“Lý lịch để vào ngành công an là yếu tố quan trọng hàng đầu. Nó là điều cốt yếu để phục vụ tốt nhất cho Đảng, Nhà nước và nhân dân. Nhiều người không hiểu rõ vấn đề này nên mới có cái nhìn tiêu cực và khắt khe”, Phùng Cao Sơn nói.

Là người học tập, công tác trong ngành, Sơn chia sẻ: Ngành công an khắt khe từ khâu tuyển chọn, học tập và làm việc. Chỉ có đam mê không đủ để thành công, thay vào đó là sự rèn luyện, cố gắng từng ngày.

Phùng Cao Sơn gửi lời khuyên những bạn trẻ từng có mong muốn vào ngành: “Nếu thực sự đáp ứng được yêu cầu của ngành, bạn hãy theo đuổi, đừng từ bỏ. Còn nếu không, bạn hãy chọn một ngành nghề thích hợp. Mãi chạy theo những thứ xa vời, bản thân bạn sẽ hối hận”.

Hãy chơi đúng luật, không nên tạo tiền lệ tâm thư

Trong đơn cầu xét, thí sinh Như Quỳnh viết: “Cháu vẫn hy vọng vì cháu được biết năm 2015, vẫn có những trường hợp được đặc cách. Như anh Nguyễn Đức Ngà (xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, Nghệ An), kết quả thi được 29 điểm, bố từng có án tích. Chị Bùi Kiều Nhi (xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình), đạt 29 điểm, cũng có bố từng bị án treo”.

Ngoài Như Quỳnh, năm nay, thí sinh Tô Thị Đệ (Lạng Sơn) cũng gửi thư đến Bộ trưởng Công an và Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị. Trước đây, ông nội của Đệ từng theo Pháp trong thời kỳ kháng chiến.

Như vậy, trong hai mùa tuyển sinh 2015 và 2016, liên tiếp những tâm thư xuất hiện. Nếu năm 2015, thí sinh nhận được thông báo không đủ tiêu chuẩn sau thời gian đăng ký nguyện vọng 1, thì trong năm 2016, Bộ Công An đã quy định rất rõ: Công an địa phương sẽ thẩm tra lý lịch, đủ điều kiện mới nhận đăng ký xét tuyển và trả lời trước 10/8 (ngày 12/8 kết thúc đợt 1 đăng ký xét tuyển - PV).

Như vậy, mặc dù biết rõ không đủ tiêu chuẩn chính trị sau khi đã có điểm thi, Quỳnh vẫn cố gắng xin xét duyệt bằng cách gửi tâm thư. Nữ sinh tâm sự, mong muốn vào trường công an của em quá lớn. 

Nhiều ý kiến cho rằng, không nên động viên và ủng hộ những bức tâm thư. Bởi điểm đầu vào các trường công an rất cao, có ngành lấy đến 29,75 điểm, việc tạo cơ hộ cho thí sinh không đủ tiêu chuẩn đồng nghĩa với việc làm mất cơ hội người khác. 

"Viết tâm thư tạo tiền lệ xấu khi người dân cứ gặp khó khăn là gửi thư đến lãnh đạo. Trong khi đó, quy định và luật pháp đều đã rõ. Thí sinh muốn thi vào trường công an thì điều đầu tiên phải tìm hiểu rõ ràng về quy định và chịu trách nhiệm với những gì mình kê khai. Nếu không làm được điều này, thí sinh không đủ điều kiện tối thiểu vào trường", bạn đọc Hân Lê viết.

Tuy nhiên, cũng có luồng ý kiến cho rằng, viết tâm thư là quyền của mỗi người dân. Lãnh đạo cũng nên đọc để biết được nguyện vọng của họ.

Thí sinh 30,5 điểm nên tự cởi nút thắt

Chia sẻ với báo chí, Như Quỳnh cho biết, trong thời gian ôn thi lại đại học, nữ sinh luôn nghĩ bố đã được xóa án tích nên có cơ hội dự tuyển vào khối ngành đặc thù này.

Theo quy chế kỳ thi THPT quốc gia, bắt đầu từ ngày 15/8, thí sinh đã trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc đợt 1, nộp giấy chứng nhận kết quả thi (bản gốc) về trường để khẳng định việc nhập học đến hết ngày 19/8.

Năm nay, thí sinh có thể đăng ký vào hai trường, mỗi trường hai ngành khác nhau. Vì vậy, đến thời điểm hiện tại, với số điểm 30,5, Quỳnh hoàn toàn có thể nộp hồ sơ nguyện vọng 1 vào bất cứ trường nào em mong muốn.

Ngoài nguyện vọng đầu tiên, Quỳnh có thể nộp các nguyện vọng bổ sung đợt 1 và đợt 2 (hạn cuối 21/9).

Với những cơ hội đó, nhiều độc giả cho rằng, Quỳnh nên tự cởi nút thắt cho mình và cho chính người cha đang dằn vặt, đau khổ của em. Dù ước mơ và hoài bão của tuổi trẻ là thứ mãnh liệt nhất, không dễ dàng từ bỏ.

Chính vì còn nhiều cơ hội nên nhiều người nhắn nhủ đến nữ sinh hãy cố gắng suy nghĩ tích cực, nhanh chóng tìm cho mình con đường mới. “Ngay lúc này, Quỳnh cần yên tĩnh để lấy lại cân bằng và lựa chọn cho mình một hướng đi”, bạn Như Nguyễn động viên.

Con đường Quỳnh lựa chọn tiếp theo tuy không đẹp như mộng tưởng, có thể không xuất phát từ ước mơ thuở nhỏ, nhưng nếu chưa bước tiếp thì làm sao biết được sẽ ra sao. Đó là chia sẻ của nhiều độc giả.

Qua câu chuyện của Như Quỳnh, nhiều ý kiến bày tỏ, cuộc sống có rất nhiều công việc để tạo nên sự thành đạt và cống hiến cho đất nước. Như Quỳnh là cô bé tài giỏi, có ước mơ trở thành người có ích, vì vậy, dù ở lĩnh vực nào giữ được điều này em cũng sẽ thành công. Đâu phải chỉ vào ngành công an?

Trong đợt xét tuyển vào đại học năm 2016, bốn thí sinh đạt điểm cao nhưng vẫn trượt trường công an vì lý lịch.

Đó là em Nguyễn Như Quỳnh, Tô Thị Đệ (Lạng Sơn), Trần Hương Ly (Nghệ An) và Nguyễn Đắc Minh (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

 

Liên quan chủ đề này, nhà báo, đại tá Nguyễn Tuấn, Báo Công An Nhân Dân, đã viết thư đăng trên Facebook cá nhân như một lời tâm sự gửi  tới các thí sinh. Bức thư nhận được gần 6.000 lượt like cùng hàng nghìn chia sẻ, hàng trăm bình luận.

"Với cháu Quỳnh, tôi chỉ muốn nói với cháu rằng, bao nhiêu năm nay, tuyển chọn vào ngành công an luôn có những điều kiện khắt khe nhất định. Trong gần chục tiêu chuẩn bắt buộc thì tiêu chuẩn về chính trị là quan trọng nhất. Thậm chí, có người khi đã vào ngành công an nhưng qua thẩm tra xác minh lý lịch thấy không đủ điều kiện hoặc tự họ vi phạm những quy định của ngành vẫn buộc họ phải rời quân ngũ.

Bất cứ một cuộc chơi nào cũng có luật của nó và người nào muốn tham gia đều phải có nghĩa vụ tuân thủ. Còn khi đã không đủ điều kiện tham gia thì đứng sang một bên nhường lối cho người khác. Chuyện đó là đương nhiên mà cháu", trích bài viết của đại tá Nguyễn Tuấn.

Theo Quyên Quyên (Zing.vn)

Nổi bật