Trong lễ tuyên dương học sinh THPT giành thành tích cao tại Olympic quốc tế và khu vực 2018 do Bộ Giáo dục và Đào tạo và tổ chức tối qua, cô gái nổi bật nhất chính là Nguyễn Phương Thảo - người giành Huy chương Vàng Olympic Quốc tế môn Sinh học và cũng là người phá kỷ lục mấy chục năm tham gia Olympic Quốc tế của Việt Nam, trở thành thí sinh có điểm thi cao nhất thế giới!
NGUYỄN PHƯƠNG THẢO (2000)
- Huy chương Vàng Olympic Sinh học Quốc tế năm 2018. Là thí sinh đạt điểm số cao nhất thế giới
- Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước
- Huy chương Bạc Olympic Sinh học Quốc tế năm 2017
- Thủ khoa đầu vào của lớp 10 chuyên Sinh Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên
- Giải Nhì học sinh giỏi Quốc gia môn Sinh học năm 2017
Nguyễn Phương Thảo sinh năm 2000, là cựu học sinh lớp 12 chuyên Sinh, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội hiện đang là sinh viên năm Nhất hệ Cử nhân Tài năng Sinh học của trường Đại học Khoa học Tự nhiên.
Trong năm 2017, Phương Thảo là thí sinh nhỏ tuổi nhất trong đoàn thi Olympic quốc tế các môn khoa học tự nhiên của Việt Nam và là cô gái duy nhất giành Huy chương Bạc Olympic Quốc tế môn Sinh học.
Năm 2018, Phương Thảo đã đạt tổng số 98,13/100 điểm, vượt qua 261 thí sinh và trở thành người chiến thắng với số điểm cao nhất thế giới trong 71 nước dự thi. Đây là thành tích cao nhất của Việt Nam trong suốt hàng chục năm chinh chiến trên đấu trường Olympic Quốc tế.
Với thành tích xuất sắc Phương Thảo được Chủ tích nước trao Huân chương Lao động hạng Ba cùng với Phạm Đức Anh, người đạt Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế 2017 và 2018.
Ba lô đến trường nặng 8kg, chỉ toàn là sách vở
Phương Thảo đam mê môn Sinh học từ nhỏ. Lớp 9, Thảo giành giải Nhất môn Sinh học cấp thành phố và xuất sắc trở thành thủ khoa đầu vào của lớp chuyên Sinh trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN. Năm lớp 11, Phương Thảo đạt giải Nhì học sinh giỏi Quốc gia và được chọn vào đội tuyển Olympic Sinh học quốc tế và giành Huy chương Bạc.
Thảo nói rằng: "Từ bé mình đã mê xem chương trình thế giới động vật, xem sự sinh tồn của động vật trong thế giới tự nhiên huyền bí ấy đã khơi gợi cho mình sự tìm tòi và nhất định phải nghiên cứu để lý giải được điều đó."
Ở trường, Thảo lúc nào cũng là 1 cô gái nổi bật vì chiếc balô nặng đến 8kg chỉ toàn là sách vở, nó như một chiếc thư viện di động, phục vụ cho việc học mọi lúc và mọi nơi. Trong 2 lần đi thi Olympic Quốc tế, gần một nửa hành lý của Thảo cũng chỉ có sách vở.
Tham gia Olympic Sinh học Quốc tế năm 2018, Phương Thảo đã vạch định chiến lược riêng mang tên “cuộc chinh chiến đổi màu huy chương”, và nhận về kết quả vô cùng xứng đáng, xác lập kỷ lục thế giới, đưa môn Sinh học của Việt Nam lên đỉnh cao mới.
Chia sẻ lại cảm xúc tuyệt vời khi BTC cuộc thi Olympic Sinh học Quốc tế hô vang: Thí sinh Phương Thảo đến từ Việt Nam là người có số điểm cao nhất kì thi năm 2018, Thảo cho biết, lúc đó cả đoàn rất vui sướng, nhảy lên ôm chầm lấy nhau, vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Toàn thể hội trường cũng đứng lên vỗ tay không ngớt chúc mừng đoàn Việt Nam.
Đề thi các môn Olympic Quốc tế năm nay đều có tính phân loại rất cao, độ khó cũng tăng, cả phần thực hành và lý thuyết. Phần chấm điểm cũng khắt khe hơn rất nhiều. Một bài lý thuyết gồm 50 câu, mỗi câu có 4 ý yêu cầu chọn trắc nghiệm đúng sai. Bình thường, nếu đúng 4 ý sẽ được trọn 1 điểm; 3 ý là 0,6 điểm; 2 ý là 0,2 và đúng 1 ý thì không được điểm. Tuy nhiên, theo quy định của năm nay, đúng 4 ý được trọn 1 điểm; 3 ý được 0,5; đúng 2 ý hay 1 ý đều là 0 điểm. Điều này khiến việc kiếm điểm trở nên khó khăn hơn.
Thảo đã chia sẻ rằng phương pháp học của mình là tự đặt ra áp lực cho bản thân để có thêm động lực cố gắng. Vì khi càng áp lực, Thảo càng nỗ lực, càng quyết tâm hơn.
Thảo cũng hình thành cho mình thói quen “phản xạ đề 5 giây”: Sau 5 giây khi đọc đề xong, toàn bộ kiến thức chuẩn xác liên quan đến câu hỏi sẽ hiện lên trong đầu, phải thật nhanh chóng ghi chép chúng ra giấy để tránh nhầm lẫn.
"Có tài năng nhưng không bền bỉ, không nỗ lực thì chẳng thế nào tỏa sáng"
Thảo chia sẻ: "Niềm đam mê Sinh học đến với em từ nhỏ, nó cứ tác động và thấm dần vào người. Người có ảnh hưởng lớn nhất có lẽ bà nội của em, một người rất yêu thích môn Sinh học. Thời trước, bà không có điều kiện để tiếp tục theo đuổi giấc mơ học hành nên bây giờ em sẽ thay bà hoàn thành giấc mơ ấy."
Bố em làm tài xế, mẹ là y tá, hoàn cảnh gia đình không quá khá giả nhưng bố mẹ luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất. Bố mẹ luôn dạy cho Thảo tư duy phải sống tiết kiệm, những buổi đi học mình phải học sao để lấy lại đủ kiến thức, xứng đáng với số tiền mình bỏ ra.
"Mọi người hay nói là con gái học giỏi quá khó kiếm chồng hay người yêu nhưng em nghĩ, một cô gái cố gắng để giỏi hơn, để hoàn thiện bản thân hơn, đó là một điều cực kỳ tốt. Thời buổi này, nam hay nữ đều có thể có thể chủ động tìm kiếm nguồn tri thức cho riêng mình. Con gái càng thông minh, càng ấn tượng thì cơ hội tìm một người hoàn hảo với mình càng dễ dàng" - Thảo tâm sự.
Không phải là người chỉ biết có học và nghiên cứu, Thảo tham gia khá nhiều hoạt động xã hội và rất thích đánh guitar, đó là hình thức giải trí, xả stress của cô bạn sau những thời gian ôn thi, học tập căng thẳng.
Từ năm lớp 10, Phương Thảo đã luôn mong muốn chinh phục đấu trường Olympic Quốc tế, đó như là 1 giấc mơ, 1 đích đến mà Thảo luôn ấp ủ, luôn đau đáu và thúc giục bản thân phải thực hiện. Tuy đã được đỉnh cao này nhưng Thảo vẫn muốn tiếp tục theo đuổi đam mê Sinh học. Cô bạn sẽ theo học ngành Y Sinh, nơi mà Sinh học được áp dụng thực tiễn vào Y học, đưa những cái mình nghiên cứu cứu chữa cho bệnh nhân. Ước mơ của Thảo là trở nhà một nhà khoa học.
Nói về việc học môn Sinh khó và thường bị nhiều bạn né tránh, Thảo cho biết: "Mình học khá tốt và tiếp thu, ghi nhớ rất nhanh ở dạng sơ đồ, hình ảnh. Trong môn Sinh có rất nhiều thông tin bằng chữ khiến nhiều người sợ nên mình nghĩ nên chuyển thành sơ đồ, hình ảnh để dễ hiểu hơn."
Người quan trọng và ảnh hưởng nhiều nhất đến với Thảo chính là cô Đỗ Thị Thu Huyền - chủ nhiệm môn Sinh học ở trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội, người luôn ở bên giúp đỡ, động viên Thảo những lúc khó khăn nhất: "Cô không phải là người nói những lời ngọt ngào, cô luôn động viên mình bằng những lời rất nghiêm khắc, những câu khẳng định: Cô không thích ai vừa vấp ngã đã dừng lại! Em không tiếp tục cố gắng thì sẽ có những người khác cố gắng hơn em."
Giấc mơ Olympic Quốc tế là một giấc mơ dài và gian nan, trong quá trình dài ôn luyện, không thiếu những lúc chán nản, khi đó Thảo chọn cách ngồi ngẫm lại lý do mà cô bạn theo đuổi con đường này. Niềm đam mê là thứ giữ Thảo lại sau những vấp ngã, chán chường.
Cô bạn cho biết: "Không có ai ôn 1, 2 tháng mà giành được Huy chương cả. Tất cả đều phải chuẩn bị nghiêm túc ngay từ đầu. Phải thực sự có đam mê và một sự quyết tâm bền bỉ theo đuổi, vì không nỗ lực thì cho dù có tài năng cũng chẳng thể tỏa sáng được."
Thảo vẫn đang tiếp tục con đường nghiên cứu Y sinh của mình ở Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội và có thể sẽ săn học bổng và lên đường du học.
Theo Khánh Quân (Trí Thức Trẻ)