Quyết định từ bỏ công việc ổn định
Cố Thiểu Cường sinh năm 1980 tại Trịnh Châu (Trung Quốc), tốt nghiệp chuyên ngành Tâm lý học của một trường sư phạm vào năm 2004. Đến năm 2014, cô bắt đầu công tác tại trường Trung học Thực nghiệm tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) – một trong những ngôi trường trọng điểm ở địa phương, nơi nhiều người mơ ước được vào làm việc.
Với nhiều người, công việc biên chế đồng nghĩa với sự ổn định và bảo đảm, nhưng với Cố Thiểu Cường, nó là vòng lặp của sự đơn điệu và mệt mỏi.
Bên trong “thành trì” giáo dục đó, cô ngày ngày quay cuồng với đủ loại công việc không tên như giảng dạy, xử lý hành chính, phát giấy báo trúng tuyển rồi lại tổ chức huấn luyện quân sự cho học sinh… Sự đơn điệu lặp đi lặp lại khiến cô rơi vào trạng thái kiệt quệ và mất phương hướng trong nghề nghiệp.
Trong một tiết dạy tâm lý, khi yêu cầu học sinh lớp 7 viết thư cho chính mình của 2 năm sau, cô vô thức nghĩ đến chính mình sau 20 năm nữa. Cô đã 35 tuổi, 20 năm nữa sẽ là 55 tuổi, bước vào độ tuổi nghỉ hưu. Suy nghĩ ấy khiến cô nhận ra rằng cuộc sống ổn định nhưng đơn điệu này không phải điều cô thật sự mong muốn.
Chỉ trong vòng 20 phút sau giờ dạy, cô đã quyết định nghỉ việc. Lá đơn xin nghỉ việc của cô chỉ vẻn vẹn bấy nhiêu chữ: “Thế giới rộng lớn như vậy, tôi muốn đi xem thử.”
Nghỉ việc không phải là hành động bốc đồng
Nếu hiểu rõ hơn về con người Cố Thiểu Cường, có lẽ không ai nói cô nghỉ việc vì bốc đồng.
Trong khi các đồng nghiệp nữ đắm chìm vào chuyện nội trợ, cô lại luôn tìm kiếm điều gì đó khiến mình thực sự đam mê. Là người yêu thích nhạc của ca sĩ Vương Phi vô cùng nổi tiếng, cô đã đến hát tại quán bar suốt ba tháng, mỗi đêm từ 8 giờ đến nửa đêm. Là fan của Kinh kịch – một thể loại kịch của Trung Quốc, cô từng cùng mẹ và chị gái bay từ Trịnh Châu đến Bắc Kinh chỉ để xem một vở diễn.
Khi bạn bè dành dụm tiền để mua nhà, mua xe, cô lại chọn cách “Tiết kiệm trong học kỳ, tiêu hết vào kỳ nghỉ.” Tinh thần tự do và sự giáo dục tôn trọng cá tính từ gia đình đã giúp cô dễ dàng buông bỏ công việc để ra đi, mang theo số tiền tiết kiệm vẻn vẹn 11.000 NDT (khoảng 38 triệu đồng) bắt đầu hành trình khám phá thế giới.
Từ Đôn Hoàng, Thành Đô, Trùng Khánh đến Hàng Châu, Thiệu Hưng, Ô Trấn, Nam Tầm… cô không chỉ đi du lịch đơn thuần mà còn sống và hòa mình vào đời sống bản địa, cảm nhận hơi thở riêng của từng nơi.
Ba tháng sau, cô bị cuốn hút bởi cổ trấn Nhai Tử dưới chân núi Thanh Thành (tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc), quyết định ở lại đó sinh sống. Sáu tháng sau, cô kết hôn với người chồng quen ở Vân Nam, cùng nhau mở một homestay. Một năm sau, bé gái đầu lòng của cô chào đời.
“Giấc mộng xa xỉ” hóa “đời thường thực tế”
Nếu “thế giới rộng lớn” là lí tưởng lãng mạn, thì việc điều hành một homestay lại là hồi chuông thức tỉnh về đời sống thực tế. Hằng ngày, cô phải làm đủ thứ việc lặt vặt: cọ toilet, giặt và thay ga giường. Những sự cố bất ngờ như mất điện, khách gây rối… đều do cô trực tiếp giải quyết.
Khi chị gái muốn gửi cho cô một chiếc khăn lụa, Cố Thiểu Cường đã từ chối: “Tay em thô quá rồi, cầm vào là xước hết khăn.”
Dù vậy, homestay giúp cô có sự tự do hiếm có. Những lúc bận, cô làm hết mình để kiếm sống; khi rảnh, cô tập viết thư pháp, chơi cổ cầm, đưa con đi trải nghiệm khắp nơi. Gần như toàn bộ Trung Quốc đều in dấu chân hai mẹ con.
Thời kỳ dịch bệnh, kinh doanh homestay gặp khó khăn. Cô nhanh chóng thay đổi công việc, bắt đầu livestream, tư vấn tâm lý trực tuyến để duy trì thu nhập. Năm 2021, mẹ cô đổ bệnh, cô đưa mẹ và con gái quay về Trịnh Châu. Hiện nay, cô hoạt động tích cực trên mạng xã hội, làm tư vấn tâm lý và giáo dục gia đình, thậm chí còn tham gia biểu diễn hài độc thoại.
Từ Trịnh Châu bước ra rồi lại quay về Trịnh Châu, nhiều người tưởng cô trở về vạch xuất phát. Nhưng liệu cô thực sự trắng tay như lời đàm tiếu?
Tiếc nuối nhưng không hối hận
Mười năm trước, cô từng được ngợi ca là biểu tượng của tự do, dám sống cho chính mình. Nhưng mười năm sau, khi cô kết hôn, sinh con, điều hành homestay và quay về quê nhà, dư luận bắt đầu quay lưng. Nhiều người xem cô là minh chứng cho thất bại của “giấc mơ viển vông”. Tin đồn ly hôn, phá sản, nợ nần lên tới 600.000 NDT (khoảng 2,1 tỷ đồng) lan truyền chóng mặt.
Trước làn sóng tiêu cực, Cố Thiểu Cường lên tiếng: “Tôi không thảm như mọi người nghĩ. Tôi không ly hôn, homestay vẫn hoạt động, cũng không nợ tiền.”
Trả lời câu hỏi quan trọng nhất: “Cô có hối hận không?”, cô đáp dứt khoát: “Có tiếc nuối, nhưng tuyệt đối không hối hận.”
Nhưng kể cả khi cô thất bại thì sao, sự thất bại không đồng nghĩa với việc con người không nên bức ra khỏi vùng an toàn để theo đuổi lí tưởng. Chúng ta thường thích đưa ra kết luận từ thất bại của người khác, như thể chỉ cần tránh những “lỗi sai” đó thì cuộc sống sẽ an toàn. Nhưng cuộc sống đâu phải bài thi trắc nghiệm chỉ có đúng – sai. Kết quả không phải là thứ quan trọng duy nhất, trải nghiệm, sự trưởng thành, những cảm xúc ta kinh qua mới thực sự tạo nên chiều sâu cho cuộc sống.
Cuộc sống không có đúng sai tuyệt đối – chỉ có trải nghiệm. Trải nghiệm không phân cao thấp, không cần so đo thành bại. Không phải ai cũng thành công rực rỡ, nhưng ai dám sống đúng với chính mình, dám lựa chọn và chịu trách nhiệm cho lựa chọn đó, đều xứng đáng được trân trọng.
Theo Khánh Ngọc (Nguoiduatin.vn)