Nữ CSGT "lém lỉnh" và những lần khóc thầm khi màn đêm buông xuống

05/02/2016 20:32:02

Với cô nữ thiếu úy CSGT nhỏ nhắn, xinh xắn Tạ Thị Lụa, học và công tác trong ngành CSGT cũng là cái duyên.

Với cô nữ thiếu úy CSGT nhỏ nhắn, xinh xắn Tạ Thị Lụa, học và công tác trong ngành CSGT cũng là cái duyên.

Không chỉ ở cơ quan mà cả trong cuộc sống đời thường, Thiếu úy Tạ Thị Lụa (Đội CSGT số 5 – Phòng CSGT TP. Hà Nội) được mọi người gọi bằng biệt danh “Lụa Lém Lỉnh” bởi nụ cười dường như không bao giờ tắt nơi cô gái sinh năm 1992 ấy.

Gặp Lụa đứng chỉ huy giao thông tại chốt Nguyễn Sơn – Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội), không ai nghĩ, Lụa cũng có không ít lần phải khóc thầm một mình khi màn đêm gõ cửa.

Quê gốc ở Hưng Yên, gia đình sinh sống tại Hà Tĩnh, đi sơ tuyển ở Sơn La, giờ làm việc tại Hà Nội và nhà chỉ có bác rể làm trong lực lượng, Lụa cười bảo với chúng tôi, mình 1 chốn 4 quê nên để về quê ăn Tết, Lụa phải mất cả 1 đêm đi xe khách.

Với cô nữ thiếu úy CSGT nhỏ nhắn, xinh xắn ấy, học và công tác trong ngành CSGT cũng là cái duyên.

Trước khi vào ngành, Lụa xem trên vô tuyến, đặc biệt bộ phim Cảnh sát Hình sự với hình ảnh các chiến sĩ cảnh sát mạnh mẽ, kiên cường, Lụa thích được làm điều tra.

“Lúc ấy mẹ cũng bảo mình, con gái làm điều tra sẽ vất vả. Hơn nữa, sau này còn cuộc sống gia đình, phải chăm lo cho con cái.

Ngày còn là học sinh, mình cũng nhẹ cân lắm. Bác rể thì khuyên mình nên vào ngành lực lượng vũ trang để rèn luyện thêm về sức khỏe cho có bài bản. Và mình đã nghe lời bác.

Lụa chuẩn bị tư trang trước giờ vào làm nhiệm vụ
Thời gian đầu được phân vào học CSGT, mình cũng ko biết nữ CSGT sẽ làm những gì. Từ lâu mình luôn nghĩ CSGT chỉ có nam giới, còn nữ chỉ làm hành chính.

Nhưng khi học mình dần đam mê với công việc này. Sau này có chủ trương nữ CSGT đứng bục chỉ huy, điều tiết giao thông, công việc có vất vả hơn chút. Cũng đã có lúc Lụa khóc và nghĩ không biết mình có hoàn thành được công việc cấp trên giao phó hay không”, thiếu úy Lụa trải lòng.

Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, những nữ CSGT như Lụa đã được cọ xát, trải nghiệm với nghề qua những lần đi tăng cường, cả vào dịp Tết.

Chia sẻ về những ngày ấy, thiếu úy Tạ Thị Lụa cho biết, có đi thực tế mới thấy khác so với những gì mình được học.

Đó cũng là những khó khăn ban đầu khi Lụa tiếp xúc với công việc. Trong trường chỉ là lý thuyết ra ngoài phải thực hành tiếp xúc với dân, lúc đầu Lụa cũng ngại không biết nói sao để “dân hiểu” vì dân nhiều người vi phạm nhưng vẫn cố cho mình đúng.

“Đứng ngoài đường điều tiết giao thông và làm hành chính là hai công việc khác nhau. Một việc là hoạt động nhiều về chân tay, tiếp xúc với khói bụi, một việc là về trí óc, tiếp xúc trực tiếp với dân.

Thời tiết khắc nghiệt nhiều khi mình cũng thấy vất vả. Giờ người ta lên đèn mình vẫn đứng chỉ đường. Những hôm trời lạnh phải vùng dậy khỏi chăn lúc 5h – 6h sáng nghĩ tủi thân”, Lụa cười.

“Đi dân nhớ, ở dân thương”

Nói về những cái tết xa gia đình, Lụa cho biết, chưa năm nào Lụa phải đón tết xa nhà nhưng thường về rất muộn vì năm nào cũng phải tăng cường. Tết Bính Thân là cái Tết đầu tiên cô thiếu úy ấy đi làm tại đội và có lẽ là cái tết đầu tiên Lụa về nhà muộn nhất.

Trong suốt thời gian đứng trên bục chỉ huy tại ngã tư Nguyễn Sơn – Nguyễn Văn Cừ, Lụa đã gặp không ít niềm vui khiến cô gái Lém Lỉnh ấy không bao giờ quên.

“Nhiều khi người dân đi qua huýt sáo hoặc trêu, mình quay ra nhìn họ lại cười. Trước đây mình để tóc dài, khi cắt ngắn đi và đứng trên bục chỉ huy, có người đi qua gọi to hỏi “Mới cắt tóc à em?” trong khi người nhà gặp mình chưa chắc đã nhận ra mình cắt tóc. Đó là niềm vui, niềm an ủi cho những CSGT như mình vì hình ảnh mình ít nhiều cũng đẹp trong mắt người dân”, Lụa chia sẻ.

Thiếu úy Tạ Thị Lụa đứng điều tiết giao thông


Trước câu hỏi hiện tại hình ảnh CSGT gặp nhiều chỉ trích từ dư luận xã hội, Lụa có thông điệp gì muốn gửi gắm, Lụa thở dài nói:

“Mình chỉ mong mọi người thấu hiểu cho CSGT vì những gì họ nhìn thấy chỉ là 1 phần góc tối của CSGT.

Ví dụ, khi một cán bộ bên mình bị tai nạn do phương tiện giao thông đâm phải khiến anh bị thương, nhiều kênh thông tin đại chúng đăng tin nhưng nhiều người lại bình luận với những câu như “đáng đời”. Đọc những bình luận ấy mình cảm thấy bất bình.

Mọi người không hiểu được đó là nỗi đau của những người thân trong gia đình nên họ vô tình cười đùa trên nỗi đau của người khác.

Mỗi ngành nghề có đặc thù riêng, để đưa ra nhận xét về ngành nghề nào cũng phải nhìn rõ mọi khía cạnh chứ không phải ai cũng giống nhau, không thể vì 1 người mà đánh đồng tất cả”.

Nhắc tới câu chuyện của CSGT bị xe đâm tử vong tại đèo Pha Đin trong khi làm nhiệm vụ, thiếu úy Tạ Thị chia sẻ: "Lúc nghe tin, em rất thương anh ấy. Em cũng chia sẻ với mọi người rằng, anh ấy vừa đặt cho bố cái thắt lưng mà chưa kịp tặng.

Bất kì ai gặp hoàn cảnh có người thân của mình bị tai nạn như thế cũng đau lòng lắm..."

Lụa không thần tượng ai. Với Lụa, mỗi người đi trước đều là tấm gương để cô học hỏi.

Và ước mơ của nữ thiếu úy CSGT ấy chỉ mong làm được tốt công việc mình đang theo đuổi, sao cho dân thấu hiểu được nỗi khổ của những chiến sĩ khoác trên mình màu áo vàng.

Theo Nguyễn Huệ (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật