Tại Viện Sức khỏe Tâm thần, BV Bạch Mai, các bác sĩ cho biết cũng đã từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc hội chứng tự hủy hoại bản thân với những biểu hiện: tự cào cấu, nhổ tóc, thậm chí tự cứa vào cổ tay...
Đặc biệt có trường hợp nữ sinh dùng dao lam tự cứa tay 16 vết vì không được đi du học. Bệnh nhân kể, mỗi lần cứa tay như vậy mà không thấy đau, ngược lại còn thấy trong lòng nhẹ nhàng hơn. Các bác sĩ cảnh báo, trong bối cảnh áp lực cuộc sống như hiện nay, đây là vấn đề rất đáng quan ngại.
Về nguyên nhân gây ra các hành vi tự "hành xác" bản thân, theo TS.BS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị rối loạn liên quan stress, Viện Sức khỏe Tâm thần, BV Bạch Mai, đa số các hành vi tự ngược đãi bản thân là liên quan đến stress. Stress mạnh hoặc không mạnh nhưng trường diễn nên người bệnh thường trong trạng thái ức chế tâm lý kéo dài mà không được giải tỏa sẽ có xu thế muốn loại trừ.
"Lẽ ra, bệnh nhân loại trừ stress thì bệnh nhân lại quay 180 độ để loại trừ bản thân mình, ngoài mục đích loại trừ còn có mục đích gây sự chú ý của những người xung quanh.
Hoặc chỉ đơn giản là các vấn đề stress thường gặp như vấn đề đời sống, xã hội hoặc sự bất mãn bản thân, mâu thuẫn giữa mong muốn và được đáp ứng của cá nhân"- TS. Tâm cho biết.
Khác với trầm cảm thường diễn ra trong thời gian dài và có xu hướng tăng nặng thì hội chứng tự ngược đãi bản thân thường không ổn định, có lúc tăng lúc lại giảm. Bệnh nhân tự làm “đau” về cả thể chất và/hoặc tinh thần với mục đích loại trừ bản thân hay loại trừ những bất toại…
Nếu một ai đó dùng dao lam, mảnh sành, sứ tự rạch vào da thịt cho chảy máu, giật tóc, tát vào má mình để được thỏa mãn là một trong nhiều biểu hiện của hội chứng ngược đãi bản thân.
Hoặc một người nào đó tự đặt ra những hình phạt không phù hợp cho mình… đó đều là các hành vi tự ngược đãi bản thân - các bác sĩ cho biết.
Cách nào nhận biết người tự ngược đãi bản thân
Các chuyên gia tâm thần cảnh báo, dấu hiệu hay gặp nhất ở người có hành vi ngược đãi bản thân là hành vi tự gây đau như cắt tay, cắt cổ tay với những nhát sắc, nông đủ gây rỉ máu nhưng không gây tổn hại đến tính mạng, bệnh nhân có thể cắt ở nhiều vị trí khác. Có bệnh nhân lại có các hành vi lao đầu vào tường, tự đánh, tát; nhổ tóc, cấu rách da; hành hạ bản thân bằng nhịn ăn....
Ngoài tự gây đau về thể xác, người tự ngược đãi bản thân còn tự gây tổn hại về tinh thần. Họ tự ngược đãi về tinh thần đưa mình vào nhiều hoàn cảnh cấm đoán, để chịu khổ sở. Điều đáng chú ý là sau mỗi lần làm tổn hại bản thân bệnh nhân thấy tâm trạng thoải mái hơn, nên có xu thế tái diễn hành động để giải phóng sự ức chế.
Người bệnh thường có cảm giác buồn, chán nản; mệt mỏi; dễ cáu giận; rối loạn giấc ngủ. Cảm xúc ức chế hầu như chiếm hết thời gian của bệnh, đôi khi có thể kèm trạng thái lo âu.
Các triệu chứng cơ thể như: Tim không đều, nhanh, hoặc đánh trống ngực, cảm thấy căng tức ở bầu ngực trái, tăng huyết áp. Run, mỏi đầu gối,bức rức, căng cơ, cảm giác liệt, đau ở khớp, tay và chân, cảm giác kiến bò và tê. Tăng thông khí, cảm thấy thở khó và nông, sợ chết ngạt. Có cục ở họng, và khó nuốt, buồn nôn, đau dạ dày, tiêu chảy. Vã mồ hôi, đồng tử giãn, tiểu nhiều lần. Chóng mặt, cảm giác ruồi bay trước mắt, nhìn khó, nhìn đôi, đau đầu, mất ngủ, tập trung kém, mệt, yếu...
Bên cạnh đó, hành vi tự ngược đãi bản thân cũng hay gặp ở những người có nét nhân cách dễ bị tổn thương, và phô trương như: nhân cách nghệ sỹ yếu. Người cầu toàn hay đòi hỏi. Nét nhân cách phô trương. Những người hay lo lắng cũng là những đối tượng dễ có hành vi tự ngược đãi bản thân.
Để điều trị và phòng ngừa Hội chứng tự ngược đãi bản thân, các bác sĩ khuyến cáo, mỗi người cần xây dựng, bồi dưỡng và có một lối sống tích cực. Khi có những buồn phiền, khúc mắc có thể chia sẻ với người thân, bạn bè và gia đình. Người thân và bạn bè là một trong những yếu tố hàng đầu trong việc chữa trị cho bệnh nhân khỏi hội chứng tự ngược đãi bản thân.
Theo Lê Nguyên (Sức Khỏe & Đời Sống)