4 năm đi học, dù khiếp đảm với những lần làm khóa luận, sợ hãi với những đêm làm luận án, căng thẳng với thi, kiểm tra liên miên thì vẫn chưa đủ ám ảnh bằng việc... đi thực tập! Đây là khoảng thời gian để bạn bắt đầu có những trải nghiệm của một người đi làm trước khi tốt nghiệp, là cơ hội để bạn tích lũy cho bản thân kiến thức thực tế ngoài những gì mà sách vở, thầy cô giảng dạy.
Ngoại trừ các công ty thực sự xem thực tập sinh là một phần của mình và có đãi ngộ như các nhân viên bình thường, thì không hiếm nơi xem việc thuê thực tập là để tiết kiệm chi phí lao động. Họ thuê vào với mức lương thấp nhưng có quá nhiều đòi hỏi và giao cho khối lượng công việc mà đếm mãi không xuể.
1. Hãy xem công ty như trường học, đừng đòi hỏi... lương!
Năm đó là năm cuối đại học, tôi xin thực tập tại một công ty quảng cáo nhỏ. Đây là công ty mà một đàn chị khóa trên của tôi đang làm việc, và nhờ một người bạn mà tôi được giới thiệu cho công việc này. Suốt 3 năm qua, tôi quần quật với đủ thứ công việc tay chân như phát tờ rơi, phục vụ quán ăn, làm PG,... dù có chút đỉnh tiền nhưng tôi nhận ra mình chẳng có kỹ năng nghề nghiệp nào cả. Thế nên, tôi hy vọng đây là lúc tôi chứng tỏ thực lực của mình và học hỏi thêm nhiều điều trước khi ra trường.
Dù người giới thiệu việc làm cho tôi nói rằng công ty rất gần trường, nhưng quãng đường cũng ngót tầm 8 cây. Đến nơi, tôi hơi bất ngờ vì công ty không giống như tôi tưởng tượng. Cả thảy chỉ có 5 nhân sự mà trong đó tôi nhận ra có tới 4 người là đồng môn với mình. Họ đều là những đứa con của những gia đình có điều kiện nên tự bỏ vốn ra khởi nghiệp.
Vì trước đó, công việc được người quen giới thiệu nên tôi cũng chẳng mảy may hỏi đến tiền lương vì chắc mẩm cũng không tệ. Hôm nay, tôi mới ngỏ lời về việc ấy. Câu trả lời tôi nhận lại là: Công việc này không lương hoặc nếu có thì cũng không nhiều. Họ bảo tôi hãy xem công ty như là trường học và đừng để tâm quá nhiều đến tiền nong. Tôi ngẫm nghĩ một hồi thì cũng quyết định ở lại.
Nhiều vấn đề mà tôi vỡ lẽ khi vào đây, chẳng hạn như không đủ máy tính cho nhân viên, dù công ty có chuyên môn là thiết kế web nhưng tốc độ mạng siêu chậm. Nhưng với người mới đi làm như tôi thì những điều đó chẳng là gì cả, vì tôi có trong mình... nhiệt huyết. Tôi chẳng nề hà bất kỳ công việc gì nếu được giao như chạy đi in ấn, chuyển phát hồ sơ, vệ sinh văn phòng,...
Điều duy nhất có lẽ tôi cảm thấy khó chịu là vị trí của văn phòng nằm ở khu vực khá đắt đỏ, nên mỗi lần ăn sáng hay ăn trưa, tôi cũng đều phải chắt bóp 30 - 40 nghìn cho một bữa ăn, dù tôi chẳng có đồng xu nào từ công ty cả. Sau này, tôi chuyển qua ăn thức ăn nhanh ở cửa hàng tiện lợi để tiết kiệm. Việc đi ăn ngoài cứ thế duy trì, đến một hôm, tôi phát hiện, 5 người kia là những nhân viên chính thức đều được công ty trợ cấp tiền ăn trưa. Chính điều này khiến tôi không khỏi bức xúc và quyết định rời khỏi nơi này ngay sau đó.
2. Tuyển vào 1 vị trí nhưng ôm 3, 4 đầu việc làm mãi không xuể
Cách đây 2 năm, tôi mới bước vào năm nhất đại học. Với bản tính ham học hỏi như tôi thì ngay lập tức tôi đã tìm nơi thực tập ở thời điểm đó dù mình chẳng có tí kinh nghiệm gì cả. Tôi rải CV ở một số agency về marketing và may mắn được một nơi liên lạc lại. Họ bảo tôi đến phỏng vấn và trao đổi về công việc tại một quán cà phê sang chảnh. Mãi về sau, khi được nhận vào làm, tôi mới biết họ chưa có văn phòng và đang trong quá trình mới thành lập nên đành xem quán cà phê là nhà.
Họ vẽ ra cho tôi một bức tranh đầy màu sắc về công ty, rằng nơi đây sẽ là nơi để chấp cánh cho những đầu óc sáng tạo... nghe là biết sáo rỗng nhưng tôi vẫn tin. Khi ấy, tôi phỏng vấn vị trí Content nhưng lại được tư vấn chuyển sang vị trí Sale vì họ thấy tôi có năng lực ở mảng này, nhưng tôi nghĩ lý do ít "giả trân" hơn là bởi họ thiếu người và họ đang cần sale dịch vụ của mình. Tôi đồng ý sau khi họ chốt với tôi mức lương 2 triệu!
Lương 2 triệu nhưng chúng tôi có hẳn KPI cho mình, trong vòng 1 tháng phải chốt được 3 khách hàng mua dịch vụ, còn không thì sẽ bị trừ bớt đi. Thế là tôi lao đầu tìm kiếm ai có nhu cầu ở khắp mọi nơi, kể cả bằng hình thức online hay offline. Chưa kể, là sale nhưng tôi kiêm luôn nhiệm vụ là content creator, quản trị fanpage và thậm chí là cả design. 1 đứa sinh viên năm nhất làm hết ga hết số dù chẳng hề có kiến thức gì như vậy trong suốt 3 tháng trời.
Đã vậy, 2 triệu của tôi đã chi hết cho tiền uống cà phê hằng ngày ở quán mà chị sếp chọn, vì lý do nêu trên... công ty chưa có văn phòng. Sau khi đã quen với guồng quay công việc một chút, tôi còn phải tự học và mày mò thêm các khoản như chụp ảnh, chỉnh sửa ảnh, làm bối cảnh quay quảng cáo,... Tôi chẳng biết phải làm sao với mớ bòng bong mà mình đang bị agency này quấn lấy. Thật may, tôi đã không bị "mờ mắt" lần nào nữa lúc nghe công ty đề nghị tôi ở lại tiếp tục công việc sau khi hết hạn hợp đồng thực tập.
3. Đòi tăng ca, nghỉ học đi công tác xa dài ngày nhưng không tăng lương
Tôi vốn là người yêu thích âm nhạc và trở nên phát cuồng vì thần tượng, thế nên từ lâu tôi đã ao ước được làm các công việc đằng sau sân khấu biểu diễn của họ. Năm 2 đại học, trong một lần tình cờ lướt Facebook, tôi đọc được tin tuyển dụng thực tập sinh tổ chức sự kiện nên nhanh chóng apply và được nhận sau khi phỏng vấn. Mức lương họ đề nghị và tôi cũng chấp nhận là 2 triệu đồng và chỉ cần làm đủ 30 tiếng/tháng.
Tôi hí hửng về thêm ngay thông tin cá nhân trên mạng xã hội của mình là intern của công ty X để mọi người được dịp lóa mắt. Nhưng mọi chuyện sau đó không như tôi tưởng tượng. Tôi được giao cho hẳn công việc làm proposal trình bày ý tưởng về một sự kiện của khách hàng mà công ty đảm nhận dù không hề có quá nhiều sự hướng dẫn từ trưởng phòng hay đồng nghiệp. Ngày đầu tiên, vì sợ không trả đúng deadline đã hẹn, tôi đã ở lại công ty tăng ca đến 9 giờ tối, sau đó lại mang về nhà để tiếp tục.
Lần này, công ty đang chuẩn bị cho một event tầm cỡ cuối năm, mọi người đều dồn sức lực vào nó. Vì tôi bận cả việc học nên ngoài những công việc được giao trong phạm vi mình có thể thực hiện, tôi chỉ có thể quan sát, ai cần giúp đỡ hay hỗ trợ thì tôi lại chạy tới phụ một tay. Tôi cũng đăng ký lịch làm sao cho đủ số giờ của một thực tập sinh nhưng một hôm tôi bị leader khiển trách rằng tôi đi làm quá ít... chẳng có ngày nào full time, trong khi chị ấy biết vị trí của tôi chỉ là intern.
Sát event, leader cho biết, sắp tới cả công ty sẽ phải đi công tác xa dài ngày, kể cả thực tập sinh. Tôi khá e ngại vì mùa này không phải là kỳ thực tập hè nên tôi không có nhiều lịch trống. Tôi đã cố gắng đảm bảo số giờ đi làm theo quy định của công ty dành cho intern bằng cách bỏ 1, 2 tiết học mà tôi cho không quan trọng. Nhưng để đi xa hơn 1 tuần lễ, tức là khối lượng công việc sẽ gấp lên nhiều lần so với việc ngồi ở văn phòng nhưng mức lương thì vẫn vậy và chuyện đến trường cũng không được đảm bảo thế nên tôi ngỏ ý xin từ chối chuyến đi lần này.
Leader thẳng thừng xem tôi là vô trách nhiệm với công việc, không có tính hy sinh, chỉ biết quan tâm tới lợi ích của bản thân. Vì thế, sau chưa đầy nửa tháng vào làm với tràn đầy sự nhiệt huyết, tôi nghỉ việc!
Kết
Thực tập là quá trình để mỗi người tự học hỏi và đúc kết ra những kinh nghiệm cho bản thân nơi công sở trước khi chính thức đi làm. Thật vui khi được tin tưởng giao cho một công việc đúng chuyên môn dưới sự hướng dẫn của những tiền bối đi trước hoặc thậm chí chỉ cần phụ giúp mọi người những công việc nhỏ nhặt để có dịp quan sát môi trường làm việc cũng là một ý hay. Trên hết, intern cần được tôn trọng!
Dù không có bất kỳ gạch đầu dòng nào về kinh nghiệm cả, nhưng các đơn vị tuyển dụng nên biết intern cần được đối xử công bằng và tử tế, không cần phải hưởng một mức lương cao ngất ngưởng nhưng phải xứng đáng và phù hợp với những gì các sinh viên đã làm. Còn nếu không thể đảm bảo được những quyền lợi cơ bản dành cho họ thì hãy giảm bớt đi những đầu việc lại để làm sao có sự tương xứng giữa tiền lương và giá trị người đó bỏ ra.
Còn với các sinh viên, hãy cân nhắc và tìm đến những công ty, doanh nghiệp có nền tảng văn hóa nội bộ tốt và hãy thẳng thắn bày tỏ quan điểm về công việc nếu cần thiết. Ngoài ra, không thể thiếu được việc học hỏi, lắng nghe từ mọi người xung quanh, biết tự chịu trách nhiệm và giải quyết vấn đề nơi công sở để kỳ thực tập không còn trở nên nỗi sợ hãi của sinh viên!
Ảnh: Sưu tầm
Theo Vũ Trịnh (Pháp Luật và Bạn Đọc)