Những slogan "cửa miệng" của giới trẻ năm 2016

12/12/2016 14:18:00

Xuất phát từ một lời bài hát, một câu nói trong clip hài, phim hay của nhân vật nổi tiếng, những câu nói này bất ngờ được lan truyền và "nhái" theo thành những cụm từ “kinh điển”. 

Xuất phát từ một lời bài hát, một câu nói trong clip hài, phim hay của nhân vật nổi tiếng, những câu nói này bất ngờ được lan truyền và "nhái" theo thành những cụm từ “kinh điển”. Những câu nói này được lan truyền chóng mặt và nhanh chóng trở thành trào lưu câu cửa miệng của cư dân mạng, xuất hiện dày đặc trong mỗi status, comment thậm chí là trong giao tiếp ngoài đời.

Câu nói Cả nguồn sống bỗng chốc... trở thành trào lưu trong năm 2016
Câu nói "Cả nguồn sống bỗng chốc..." trở thành trào lưu trong năm 2016
 
 
Ca khúc Phía sau một cô gái của Soobin Hoàng Sơn mới đây gây chú ý với câu: "Cả nguồn sống bỗng chốc thu bé lại vừa bằng một cô gái". Lời hát ý nghĩa và tình cảm này ngay lập tức được giới trẻ Việt biến hóa thành dòng trạng thái, chú thích ảnh, với nội dung đi tìm cho mình một “nguồn sống” riêng...

Mình thích thì mình làm thôi

Trong đêm chung kết một game show, sau khi trình bày ca khúc Chúng ta không thuộc về nhau, ca sĩ trẻ Sơn Tùng M-TP đã có màn giao lưu nhanh với MC của chương trình. Khi được hỏi về dòng chữ "This is art" được anh vẽ ở cuối chân mày trái, Sơn Tùng nói "đây là một điểm nhấn của Sơn Tùng" và đơn giản là "thích thì vẽ lên thôi".

Từ câu nói này, nhiều vlogger cho ra đời những sản phẩm chế, tạo thành câu nói phổ biến "mình thích thì mình làm thôi" (có nhiều biến tấu như: “mình thích thì mình vẽ lên thôi”; “mình thích thì mình ăn thôi”; “mình thích thì mình làm thôi”…). Rất nhanh chóng, câu nói này trở thành lời cửa miệng của giới trẻ, bởi ý nghĩa “chỉ cần bản thân mình muốn thì mình cứ việc thực hiện cho dù nó có đúng hay sai đi chăng nữa”.

Do đó, câu nói cũng nhằm mang lại ý nghĩa đối với những bạn trẻ ngày nay rằng hãy thực hiện, hãy làm những việc mà bản thân mình khao khát từ lâu đừng ngại, đừng sợ gì mà hãy bước lên những nỗi sợ đó để đi đến thành công cho riêng bản thân mình. Chỉ cần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì mọi việc sẽ ổn thôi.

Bố em hút rất nhiều thuốc


 
 
Bắt nguồn từ lời bài hát Đưa nhau đi trốn (rapper Đen – Nguyễn Đức Cường), câu nói này được sử dụng ở rất nhiều comment, status của bạn trẻ gây ra nhiều thắc mắc trong cộng đồng mạng. Thậm chí, chính tác giả Đen cũng không hiểu vì sao lời hát của mình được sử dụng nhiều đến như vậy trong cộng đồng mạng.

Theo lời giải thích trên một trang fanpage có lượng người theo dõi khá lớn, nguồn gốc của câu nói này xuất phát từ một bức ảnh đứa trẻ khuyết tật, được giải thích là do bố em hút nhiều thuốc lá. Câu nói như một lời nhắc nhở người lớn đặc biệt là những ai hút thuốc lá biết tác hại không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn gây hại cho con cái cả về thể chất lẫn trí tuệ.

Bởi vậy, bất kì hình ảnh, status nào có tính chất hài hước, trêu ghẹo hoặc nội dung có tính chất “không bình thường”, chủ nhân của nó lập tức nhận được bình luận “Bố em hút rất nhiều thuốc...” để nhằm hàm ý trêu chọc lại “vì có người bố hút nhiều thuốc nên bạn mới bị “không bình thường” thế này”.

Psyduck bối rối


 
 
Psyduck Bối Rối vốn là một trào lưu có xuất xứ từ nước ngoài, sau đó từ từ xâm nhập vào mạng xã hội Việt Nam thông qua các cộng đồng game. Psyduck là một con Pokémon với hình dáng của một chú vịt ngốc nghếch và vụng về. Chính vẻ ngốc nghếch của Psyduck đã làm nên sự ngộ nghĩnh của của những bức ảnh và thu hút mọi người.

Lúc đầu, “Psyduck bối rối” chỉ là một hình ảnh, nhưng với sức mạnh lan truyền rộng rãi, cụm tù bối rối được dùng rộng hơn được spam tràn lan trong các phần bình luận, được sử dụng trong các chủ đề trên mạng xã hội, được hiểu rộng hơn trong các câu nói hàng ngày.

Khi nói đến bối rối ta sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh chú vịt đang ôm đầu. Chú vịt vốn ít suy nghĩ nên khi gặp một vấn đề nào khó khăn là y như rằng chú ta không biết phải làm sao. Với hình ảnh thú vị, ý nghĩa chỉ sự việc căng thẳng, không biết phải làm sao, bối rối đã thành 1 trào lưu sử dụng rộng rãi.

“Cạn lời”

Xuất phát từ câu ca dao “Nhớ lời thề thốt năm xưa, Tình đây duyên đó phân chưa cạn lời”, từ “cạn lời” có nghĩa là nói hết, hết ý nói, không còn gì để nói nữa.

Cụm từ “cạn lời” được các bạn trẻ Việt dùng rộng rãi trên mạng xã hội, trong các hình ảnh hài và các status của mình. Cùng với “cạn lời”, những câu như “Sa mạc lời”, “Hạn hán lời”, “Khô lời”, “cạn kiệt lời” được sử dùng với nghĩa tương tự khi biến thể từ “cạn”… và được các bạn trẻ sử dụng rất nhiều thời gian gần đây. Hiện nay, số lượng các từ dạng này ngày càng tăng lên nhờ sự sáng tạo không giới hạn từ dân mạng.

Chúng ta không thuộc về nhau


 
Quá nhiều sự trùng hợp từ giai điệu, hình ảnh cho đến thời gian ra mắt cùng lúc giữa 2 bài “Chúng ta không thuộc về nhau” và “We don’t talk anymore” đã tạo ra trào lưu chế ảnh, chế lời nói trong suốt thời gian dài. Thậm chí, “ Chúng ta không talk anymore” hoặc “We don’t thuộc về nhau” còn trở thành câu nói quen thuộc của giới trẻ, được sử dụng trong rất nhiều tình huống như: khi bất đồng quan điểm với bạn bè, khi phải “chia tay” những đồng tiền cuối cùng trong ví... và xuất hiện liên tục trên các trang mạng xã hội.

Trên mạng xã hội, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp những câu kiểu như “chúng ta không luộc được rau”, “chúng ta sẽ bàn lại sau”… được sử dụng và phủ sóng rộng khắp với hàm nghĩa khác nhau tùy thuộc ngữ cảnh.

Cụm từ “Mông lung như một trò đùa” trong cùng bài hát cũng được cư dân mạng “trưng dụng”. Không cần thiết phải hiểu chính xác cảm giác "mông lung" như thế nào, nhưng khắp các trang mạng xã hội đều thấy các bạn trẻ "mông lung".

Thính

"Thính được làm từ gạo nên thính rất thơm và được sử dụng để câu cá, và nhử cá rất tốt, vì vậy thường được những tay câu lão làng sử dụng cho mỗi chuyến đi câu của mình", đó là lời giải nghĩa của từ "thính" nghĩa đen.

Nhưng trên Internet, “thả thính” được xem là thuật ngữ ẩn dụ của hành động cố tình thu hút người khác giống như cá vậy, bạn sẽ bị thu hút bởi thính. Vì vậy mà thính có nghĩa là lôi cuốn hấp dẫn làm cho một người nào đó có cảm tình với mình.

Tuy nhiên những người thả thính thường không có tình cảm thật sự trên mạng mà chỉ dùng “thính” để nhử những người khác, như “Em xinh tươi, sành điệu nhưng không thuộc về ai”. Nạn nhân của việc thả thính thường là những bạn đang trong tình cảnh FA lâu năm, các bạn trẻ chưa yêu và thiếu kinh nghiệm và sự tỉnh táo khi sử dụng mạng xã hội.

Cách tốt nhất để không bị “dính” là trong chuyện tình cảm, bạn đừng nên nóng vội. Khi chưa có gì là chắc chắn, đừng ngộ nhận tình cảm. Những “cao thủ” thả thính ở khắp nơi. Có thể bạn sẽ “dính thính” và tự gây tổn thương cho mình đấy.

Tình cảm là thứ phải trải qua một quá trình dài để cả hai hiểu nhau, cùng trải qua nhiều niềm vui và nỗi buồn, cảm thấy mình thật sự cần nhau, đừng vì một câu “thả thính” và sự nóng vội muốn thoát kiếp FA của mình.

Theo Hồng Minh (Dân Trí)

Nổi bật