Chị Nguyễn Thị Ngọc Diệp, 34 tuổi, cho biết, suốt 2 năm học thạc sĩ, sau đó ở lại làm báo tại Nhật 2 năm nữa, chị không về nước ăn Tết lần nào, dù vô cùng nhớ nhà, nhất là cô con gái chưa đầy 2 tuổi lúc mẹ lên đường. Có rất nhiều lý do khiến bà mẹ một con này dù có khóc một mình nơi xứ người cũng quyết ở lại.
Thứ nhất, chị Diệp kể, giá vé ngày Tết quá đắt trong khi số lượng ngày nghỉ ngắn nên chị thấy "không bõ". Dù có cố mua sớm thì với loại 40kg hành lý ký gửi, vé về Việt Nam cũng trên 20 triệu đồng, trong khi các đợt thấp điểm khác chi phí chỉ khoảng 7 triệu. Ngoài ra, nếu về ngày Tết, như luật bất thành văn, đương nhiên chị phải mua nhiều quà hơn, quà phải xịn hơn và phải mừng tuổi nhiều.
"Mình đi học, dù có học bổng nhưng cũng chỉ đủ sống, không phải dư dả gì. Về nước vài hôm tốn ngay mười mấy triệu tiền quà thì chịu", chị bày tỏ.
Lý do quan trọng nhất khiến chị không muốn về là ngày Tết sẽ phải gặp quá nhiều họ hàng, nghe đủ những câu hỏi kém duyên kiểu như: "Học làm gì nhiều thế? Học thế có được gì không? Học thế lương bao nhiêu? Khi nào sinh đứa sau"... Chị kể, cũng vì phải gặp quá nhiều người và bận bịu đủ thứ nên về dịp này thời gian dành cho con sẽ rất ít.
Thay vì Tết, chị Diệp thường chọn về cuối tháng 3 hoặc Tết dương vì dễ đặt được giá rẻ và được ở bên gia đình nhiều hơn. Chị cho biết, nhiều bạn bè đi du học cùng chị cũng chọn Tết không về, dù họ có được nghỉ. Đa phần vì không có tiền. Một số khác là người đồng tính, khi xa nhà là được sống thật với bản thân, họ rất sợ phải đối diện với gia đình, đặc biệt là ngày Tết nên chỉ về chớp nhoáng mùa hè.
Như Bình, đang học thạc sĩ ở Australia cho biết, năm nay cô không về Tết vì quá ngán màn tra tấn "Bao giờ lấy chồng?", "Con gái học gì nhiều thế? 29 tuổi rồi không lo lập gia đình còn đợi tới bao giờ?"...
"Dịp Tết năm ngoái cũng vì thế mà dù về nhà nhưng mình chán không muốn đi đâu, chỉ tới chúc Tết ông bà rồi ở nhà đọc sách, xem phim, đi tám với mấy đứa bạn thân", Bình kể.
Cô cho biết, ở Australia, ngoài học hành vất vả, cô còn tranh thủ đi làm thêm để trang trải thêm các chi phí. Vậy nhưng trong mắt bạn bè và nhiều người quen, cô lúc nào cũng như đại gia. Vì vậy, năm ngoái, khi biết Bình chuẩn bị về Tết, nhiều người đã nhắn tin nhờ cô xách hộ món này, mua giùm thứ kia... "Mình tiền nào có dư dả, từ chối thì mọi người giận, mà nhận lời thì lấy đâu ra", cô nói.
Là du học sinh ở Canada, anh Trung (Hà Nội) cho biết, ở xa xứ, cứ đến dịp giáp Tết hầu như ai cũng cảm thấy nôn nao và muốn được đoàn tụ với gia đình. Tuy nhiên, thường vì điều kiện kinh tế eo hẹp nên 3 năm nay anh đều ở lại. "Nhiều khi gia đình gọi điện sang chỉ muốn khóc, nhưng vẫn giả cười phớ lớ, toàn lấy cớ bảo Tết con ở đây tranh thủ đi chơi, kỳ thực là đâu có tiền mà về", Trung kể.
Còn năm cuối làm nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc, anh Đức (Phúc Thọ, Hà Nội) chọn ở lại để "tận hưởng nốt cái Tết cô đơn". Anh Đức kể, vì Hàn Quốc ăn Tết âm lịch như Việt Nam nên dịp này hầu như năm nào anh cũng được nghỉ. Là con trai út trong gia đình khá giả còn có 3 chị gái, giáp Tết nào anh cũng được bố mẹ gọi điện giục về. Ông bà thậm chí còn nói sẽ gửi thêm tiền để anh không lo chuyện chi phí mua vé, quà cáp.
"Mình đã lập gia đình rồi, không muốn nhận tiền của bố mẹ nữa. Mình đi học diện học bổng, cũng có chút thu nhập từ việc làm trợ lý nghiên cứu", anh Đức cho biết.
Nhưng điều khiến anh sợ nhất là về quê ngày nào cũng có lịch ăn uống, nhậu nhẹt, hết nhà chú này, bác kia, tới mừng năm mới với nhóm cùng tuổi ở làng, bạn cùng cấp 2, cấp 3... "Mình mang tiếng học cao ở nước ngoài nên về là ai nấy đều xúm vào hỏi han, rồi đám con trai lại lấy đủ cớ mời rượu", anh Đức kể. Kỳ nghỉ Tết quá ngắn mà ai cũng gọi nên nhiều khi anh Đức không còn nhiều thời gian dành cho vợ, con, bị bà xã giận.
Năm nay là năm cuối cùng ở Hàn, anh muốn cho phép mình ở lại. "Phải gọi điện báo với bố mẹ rằng con phải tranh thủ đợt nghỉ để hoàn thành các đề tài, sang năm về hẳn sẽ tha hồ ở nhà", anh Đức nói.
Theo Bảo Ngọc (VnExpress.net)