Ngữ văn là một trong những môn học quan trọng của học sinh phổ thông tại Việt Nam. Học sinh sẽ được rèn luyện các kiến thức về từ vựng, ngữ pháp trong tiếng Việt, tìm hiểu các tác phẩm văn học lớn của Việt Nam và thế giới cùng các kỹ năng làm văn cơ bản, từ đó nâng cao khả năng ngôn ngữ cho bản thân.
Vì tính chất quan trọng của môn học nên đề Văn là một trong những điều được dân tình quan tâm hàng đầu khi các kỳ thi lớn diễn ra. Ngoài các đề bài vừa đủ để học sinh thể hiện được năng lực của mình thì không ít lần những đề bài xuất hiện các yêu cầu, câu hỏi gây ra tranh cãi lớn.
Đề thi Ngữ văn Học kỳ I - THPT Trần Văn Ơn (TP.HCM)
Trong mùa thi học kỳ vừa qua, đề Ngữ văn lớp 11 của trường THPT Trần Văn Ơn (TP.HCM) có lẽ gây tranh cãi hơn cả. Trong phần Đọc - hiểu chiếm 4 điểm của bài làm, giáo viên đã đưa lyrics của ca khúc Đom Đóm, một bản hit từ nam ca sĩ Jack cho học sinh bàn luận. Dựa vào lời bài hát, học sinh phải xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích, tìm biện pháp tu từ trong một câu hát cũng như trình bày suy nghĩ về thông điệp ca khúc truyền tải.
Sau khi đề bài được chia sẻ trên mạng, không ít ý kiến trái chiều đã được đưa ra. Một bên khẳng định đây là hành động hết sức sáng tạo và đáng hoan nghênh của quý thầy cô, đồng thời ca ngợi lyrics Đom Đóm giàu triết lý, mang tính hình tượng cao, cách dùng từ cũng đậm chất thơ. Phía còn lại thì cho rằng lời bài hát sáo rỗng, không có nhiều giá trị văn học đến nỗi cần đưa vào cả đề thi. Chưa kể cách dùng từ của Jack cũng bị nhận xét là rối rắm, tùy tiện, không đúng với nghĩa của từ.
Đề thi tuyển sinh lớp 10 chuyên Văn (THPT chuyên Khoa học Xã hội & Nhân văn - ĐHQGHN)
Trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Văn của THPT chuyên Khoa học Xã hội & Nhân văn xuất hiện câu hỏi Nghị luận văn học có nội dung: "Nhà thơ Xuân Quỳnh đã viết: 'Thơ đối với cuộc sống ví như một người con gái đối với gia đình, cái để cho người ta làm quen là nhan sắc, nhưng cái để sống với nhau lâu dài lại là đức hạnh' (Theo Ý thức và thời gian, Tạp chí Văn nghệ quân đội, tháng 9 năm 1973). Từ trải nghiệm văn học của bản thân, em hãy bàn luận về ý kiến trên".
Đề bài này cũng được dân tình đưa ra mổ xẻ, trong đó không ít người cho rằng câu trích dẫn từ tận năm 1973 này đến nay không còn phù hợp nữa vì một bài thơ ở hiện tại muốn sống mãi với thời gian thì còn cần nhiều yếu tố hơn là "đức hạnh" mà phép so sánh trên nói đến. Thậm chí còn có ý kiến nói về câu so sánh trong đề bài là "ngớ ngẩn, tối nghĩa".
Một số giáo viên chuyên môn lại nhận định đề bài hay nhưng khá khó so với tư duy và khả năng của một học sinh lớp 9, thậm chí trong các đề thi chọn học sinh giỏi các cấp, nếu ra câu này chưa chắc thí sinh hoàn thành được.
Đề thi chọn học sinh giỏi thành phố Hà Nội
Mấy ngày qua, cộng đồng mạng đang thi nhau bàn tán rôm rả, thậm chí đưa ra rất nhiều quan điểm tranh luận về câu nghị luận xã hội trong đề thi chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp thành phố môn Ngữ văn của Hà Nội, năm học 2020 - 2021. Theo đó, đề bài yêu cầu học sinh viết một bài văn nghị luận (khoảng 2 trang giấy thi), trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của một mẩu truyện cười.
Nhiều người cho rằng độ khó của đề thi này vượt quá khả năng của học sinh lớp 9. Kiến thức trong bài được nhận xét khá hàn lâm, yêu cầu học sinh vận dụng những kiến thức về tác phẩm văn học cụ thể để làm dẫn chứng phân tích cho nhận định của đề bài. Có người còn đưa ra ý kiến đề bài này không còn phù hợp ở thời đại này bởi thái độ sống của con người thời hiện đại đã khác rất xa thời những cô Tấm ngày xưa khóc đợi câu hỏi ân cần, an ủi của Bụt: Làm sao con khóc?
Đề thi học kỳ I lớp 9 huyện Chư Sê, Gia Lai
Mới đây, dân mạng lại được phen dở khóc, dở cười sau khi đọc đề thi học kỳ môn Văn của học sinh lớp 9 ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Theo đó, trong phần Đọc - hiểu chiếm 3 điểm, đề bài trích 1 mẩu truyện cười dân gian để đưa ra các câu hỏi yêu cầu học sinh trả lời. Sẽ không có gì đáng nói nếu đoạn trích được sử dụng có ý nghĩa, nội dung chuẩn chỉnh, có tính giáo dục, song đề bài này lại thể hiện rõ mồn một chuyện nhạy cảm... mẹ chồng có bồ.
Quan điểm của dân mạng sau khi đọc qua đề bài là đều đồng tình cho rằng đề bài quá dung tục, không phù hợp với lứa tuổi teen lại chẳng hề có tính chuyên môn nào. Được biết, sau vụ việc, giáo viên ra đề đã bị đưa ra kiểm điểm.
Theo Vũ Trịnh (Trí Thức Trẻ)