Mới đây, trên diễn đàn du lịch bụi, thành viên P.T chia sẻ hình ảnh nhóm phượt thủ gồm cả nam lẫn nữ vô tư trải bạt, đắp chăn nằm ngủ ngay ven đường đèo thu hút sự quan tâm của cư dân mạng.
P.T viết: "Để đó và không nói gì thêm các cậu ạ”.
Ngủ ven đèo Tà Pao
Phần lớn cộng đồng mạng đều tỏ ra bức xúc vì hành động ngủ ngay bên đường của nhóm bạn trẻ rất nguy hiểm đến tính mạng.
Chia sẻ với Zing.vn, Vũ Thạch (sống tại TP.HCM) cho hay tấm ảnh này là có thật, đã được camera hành trình của nhóm bạn ghi lại. Anh kể, sáng sớm 29/4 nhóm của anh xuất phát từ thị xã La Gi (Bình Thuận) đi Đà Lạt theo đường đèo Tà Pao (cũng thuộc tỉnh này).
Bốn xe máy chở theo 5 người vừa qua khúc cua chợt có hai thanh niên trong lề đường nhảy ra quơ tay quơ chân ra hiệu chậm lại. Lúc đó anh Thạch thấy khoảng 6 xe dựng trong lề đường và một số người nằm ngay trên đường.
“Mình nghĩ chắc có tai nạn nên định dừng lại xem có giúp được gì hay không nhưng đến gần thì thấy họ nằm ngay trên lề đường đắp chăn. Mình rất bức xúc vì hành động này”, Vũ Thạch chia sẻ.
Cũng là phượt thủ, Hoang Manh Le viết: “Mình đi mệt mỏi thì cũng nằm bờ bụi. Nhưng nằm ở lề đường như vậy thì quá nguy hiểm, không thể chấp nhận được”.
Còn Nguyễn Tiến Thành chia sẻ: “Xe tải và các loại xe khác đi qua thì sao, các bạn chớ có nói xui. Ý thức các bạn như vậy thì một bộ phận dân phượt bị cộng đồng mạng ném đá đâu có oan uổng?”.
Trước đó, hình ảnh phượt thủ ngủ ven đường, trong rãnh thoát nước... cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dân mạng.
Mới đây, video nhóm bạn trẻ thích thú chạy nhảy, giẫm đạp lên đàn bướm trắng ở Vườn Quốc gia Cúc Phương cũng gây tranh cãi.
Đừng để mình chết vì thiếu hiểu biết
Chia sẻ với Zing.vn, nhiếp ảnh gia, travel blogger Tâm Bùi cho hay, khi đi du lịch anh cũng hay “ăn bờ ngủ bụi” để tiết kiệm thời gian, tiết kiệm tiền.
“Có lần đi Tây Bắc, chạy xe máy buổi trưa buồn ngủ và mệt quá, mình lủi vô bụi cây mát bên đường ngủ luôn gần nửa tiếng. Hay những lúc máy bay đáp xuống sân bay ngay giữa khuya, mình tìm cách ngủ luôn ở sân bay để tiết kiệm được một đêm tiền khách sạn, và đỡ phải di chuyển giữa đêm rất nguy hiểm, nhất là những nước bất ổn như Ấn Độ hay Ai Cập)”, Tâm Bùi nói.
Tuy nhiên dù có ăn gì, ngủ ở đâu thì anh đều nghiên cứu, tìm hiểu trước vì tính mạng là quan trọng nhất. Anh luôn tìm hiểu trước sân bay mình sắp đến xem có khu cho khách ngủ lại không, hay phải ngủ trên ghế, và ghế có tay vịn không (vì ghế tay vịn thì không thể nằm dài lên băng ghế được).
“Còn ngủ trên đường nhựa thật vô tư lự và gần một khúc cua như các bạn trẻ trong ảnh thì mình không dám. Vì một chiếc xe tải nào đó vừa ôm cua bất cẩn không nhìn thấy và chuyện gì xảy ra thì ai cũng không dám nghĩ tới”, Tâm Bùi chia sẻ.
Những lần giao lưu với sinh viên, nhiều bạn hỏi Tâm Bùi rằng có nên tạo thành tích là đi du lịch thật ít tiền không? Anh trả lời thật nhanh: “An toàn là trên hết”. Đi du lịch tất nhiên là phải tốn tiền, mình không nên vì tiết kiệm quá mà đẩy chính mình vào nguy hiểm, không đáng chút nào. Và điều quan trọng nữa là đừng để mình chết vì thiếu hiểu biết.
Từ tự hào đến xấu hổ khi mình là dân phượt
Một phượt thủ có thâm niên khác cho hay, nếu bức ảnh này được chụp khi đường đi đang có xe lưu thông thì rất nguy hiểm, không chỉ cho bản thân những người này mà còn cho người khác.
Đèo Tà Pao là nơi anh đã đi qua nhiều lần, tuy vắng vẻ nhưng rất nguy hiểm bởi các phương tiện chạy qua có thể chủ quan mà đi với tốc độ nhanh. Trong trường hợp tài xế đang cua qua đèo, nhìn thấy nhóm bạn trẻ nằm ngoài đường, nếu xử lý để tránh nhóm bạn trẻ cũng có thể gây họa cho họ.
“Nói thật trước đây tôi rất tự hào mình là phượt thủ nhưng bây giờ lại rất ngại bởi người dân đã có nhiều thay đổi về cách nhìn nhận dân phượt. Có nhiều hình ảnh xấu xí được lan truyền như dẫm vườn hoa cải, trèo lên cột mốc, xả rác... làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân”, anh nói.
“Tôi không nghĩ rằng đi phượt là phải tiết kiệm tiền, không ủng hộ quan điểm đi phượt sao cho chi tiêu rẻ nhất, hay làm sao để đi miễn phí. Đi phượt cần chi tiêu sao cho hợp lý, đề cao sự trải nghiệm và cơ hội để trưởng thành” phượt thủ này nói.
Từ những chuyến đi này các bạn phải nghĩ đến những người dân nơi đặt chân đến, tôn trọng và giúp đỡ cho cuộc sống của họ tốt hơn, để khi quay về cuộc sống của mình cũng thay đổi.
Theo Quyên Quyên (Tri Thức Trực Tuyến)