Đặc biệt, đại bộ phận giới trẻ xứ Phù Tang ngày càng hướng đến lối sống tiêu cực, tìm đến cái chết để giải tỏa áp lực.
Theo kết quả khảo sát do cơ quan thuộc chính phủ Nhật Bản công bố hôm 7/9, khoảng 541.000 người trong độ tuổi từ 15 đến 39 tại nước này đang tự hủy hoại sức khỏe và cuộc sống khi nhốt mình trong nhà và cắt đứt liên hệ với xã hội.
Đó là biểu hiện của những người mắc “Hikikomori” - chứng bệnh xã hội lớn nhất tại Nhật Bản. Người bệnh vẫn sinh hoạt, ăn uống như bình thường, song lại nhốt mình trong bốn bức tường ít nhất 6 tháng. Họ chỉ ra khỏi nhà khi mua đồ ăn vào nửa đêm để tránh giao thiệp với mọi người.
Những người mắc “Hikikomori” thường được gọi là “thế hệ biến mất”. Họ không chỉ là gánh nặng cho gia đình, mà còn làm ảnh hưởng kinh tế đất nước.
Chàng trai ngủ suốt ngày, thức trắng đêm để xem truyền hình. Tới bữa ăn, cha mẹ của Jun nuốt nước mắt mang đồ ăn để trước cửa phòng con trai vì cậu từ chối gặp bất kỳ ai. Có lẽ phải mất ít nhất 4 năm nam sinh mới có thể trở lại bình thường.Jun (18 tuổi) sống tại vùng ngoại ô Tokyo là một trong số đó. Theo Brown Political Review, sau khi trượt đại học, nam sinh gần như suy sụp hoàn toàn và lao vào học điên cuồng để năm sau thi lại. Tuy nhiên, sau 6 tháng, Jun bỏ học, tự nhốt mình trong phòng.
Trong số 541.000 người mắc chứng “Hikikomori” tại Nhật hiện nay, có tới 34,7% sống tách biệt với xã hội ít nhất 7 năm. Tiếp đó, 28,6% người đã tự kỷ từ 3 đến 5 năm và 12,2% người sống ẩn dật khoảng từ 5 đến 7 năm, theo Japan Times.
So với cuộc khảo sát tương tự của Bộ Nội vụ Nhật Bản vào năm 2010, số người trong độ tuổi 20 đến 24 bị liệt vào “thế hệ biến mất” tăng gần 13%, lên 34,7%. Con số đó ở những người từ 35 đến 39 tuổi hiện là 10,2%, tăng gấp đôi so với 6 năm trước.
Người mắc chứng "Hikikomori" thường ngủ cả ngày, thức trắng đêm, tự nhốt mình trong phòng và chỉ ra ngoài mua đồ ăn vào ban đêm để tránh tiếp xúc với người xung quanh. Ảnh: Akibanation. |
Nguyên nhân chính khiến giới trẻ Nhật Bản ngày càng xa lánh xã hội là khó thích nghi với môi trường học tập, làm việc, không thể hòa hợp với bạn bè cùng lớp hay đồng nghiệp và không đạt được những mục tiêu trong sự nghiệp. Đặc biệt, 60% đến 80% trong số đó là nam giới, theo Brown Political Review.
“Người Nhật sống hướng nội, khiêm tốn, nhún nhường và bị áp lực nếu không có địa vị xã hội. Nhật Bản trải qua suy thoái kinh tế những năm 1990, khi điểm số tốt không giúp học sinh đỗ trường đại học uy tín hay tìm được việc làm ưng ý. Do đó, thế hệ trẻ dần chuyển sang làm những công việc bán thời gian, khiến họ cảm thấy tủi nhục” - giáo sư Andy Furlong của Đại học Glasgow, Anh, chia sẻ với BBC.
Trước tình trạng biến mất của thế hệ tương lai ở mức báo động, một quan chức của Bộ Nội vụ nước này cho biết chính phủ đang nỗ lực hết sức để giải quyết vấn đề, bao gồm việc thành lập những trung tâm hỗ trợ người mắc “Hikikomori”.
Theo Yahoo Japan, cơ quan chính phủ Nhật Bản công bố kết quả điều tra trên 40.000 người về vấn đề tự sát vào ngày 7/9 vừa qua. Theo đó, trong vòng một năm trở lại đây, số người Nhật có ý định tự tử là 0,6%, tương đương 530.000 người (260.000 nam, 270.000 nữ).
Hơn một nửa trong số đó ở độ tuổi 20-30. Đặc biệt, cứ bốn người trên 20 tuổi, có một người từng có ý định tự sát.
Mỗi năm, hơn 20.000 người Nhật tìm đến cái chết chủ yếu vì bệnh tật, tranh chấp gia đình và kinh tế khốn quẫn. Hiện Nhật Bản là một trong bảy nước có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới.
Trong cuốn sách Sổ tay tự tử toàn tập, tác giả Wataru Tsurumi viết: “Tự tử là một phần văn hóa Nhật Bản”. Đó là phần “văn hóa” đầy tăm tối và đau thương của xứ Phù Tang.
Những vách đá Toujinbou bên bờ biển ở tỉnh Fukui là thắng cảnh nổi tiếng, song cũng là nơi nhiều người tìm đến tự kết liễu đời mình, đặc biệt là giới trẻ. “Khu rừng tự sát” Aokigahara dưới chân núi Phú Sĩ cũng là địa điểm ưa thích của những kẻ chán sống.
Thậm chí, giới chức Nhật Bản treo tấm biển lớn nhằm khuyên nhủ những người u uất tìm đến Aokigahara suy nghĩ lại về quyết định dại dột của mình: “Thân thể, tóc, da là của mẹ cha. Hãy nghĩ đến bố mẹ, anh chị em và con cái của bạn. Đừng giữ mãi trong lòng, hãy tìm người chia sẻ trước đã!”
Tác giả Wataru Tsurumi viết trong Sổ tay tự tử toàn tập: “Tự tử là một phần văn hóa Nhật Bản”. Ảnh: AsiaReaction. |
Để cứu giúp công dân của mình khỏi bước đường cùng, chính phủ phải áp dụng nhiều biện pháp mạnh.
Năm 2001, chính phủ Nhật Bản lần đầu tiên đưa chống tự sát trở thành vấn đề cấp quốc gia. Hàng loạt biện pháp nhằm giảm thiểu số người tự vẫn được đưa ra như đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức của mọi người, tiến hành triệt phá hoặc kiểm soát chặt chẽ những trang web cổ xúy, kích động tự sát, lập nhiều đường dây nóng để tư vấn tâm lý cho người dân...
Cuối năm 2008, chính phủ Nhật quyết định chi số tiền 22,5 tỷ yen (khoảng 220 triệu USD) cho chương trình phòng chống tự sát. Nhật Bản đang nỗ lực hết mình với hy vọng có thể giảm bớt 20% số người tự tử trong năm 2016.
Theo Thu Thảo (Zing.vn)