Năm 2020 đối với tất cả hẳn là năm đặc biệt, thậm chí với nhiều người là không trọn vẹn khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Với du học sinh lại càng khó khăn hơn khi không có gia đình ở bên, nếu có mắc bệnh thì cũng phải tự chữa trị một mình.
Minh Hà và cậu em trai tên Minh hiện đang sinh sống và học tập tại Canada. Sau khi nghe tin sếp của Minh Hà dương tính với Covid-19, hai chị em đã ngay lập tức xét nghiệm ở bệnh viện Michael Garron.
Kết quả là cả hai chị em đều dương tính với Covid-19. Không có gia đình và người thân ở bên, cả hai dường như sụp đổ và lo lắng kết quả trước mắt. Nhưng sau đó, cả hai đã tự động viên nhau thực hiện cách ly, chữa bệnh dưới sự hướng dẫn của đội ngũ bác sĩ và thực hiện các biện pháp y tế kịp thời.
Dưới đây là nhật kí chữa bệnh của hai chị em được chúng tôi ghi lại dưới sự chia sẻ của cô bạn Minh Hà:
|
"Khi nghe tin sếp mình dương tính với Covid-19, hai chị em đã hủy mọi cuộc hẹn và book lịch khám ngay lập tức. Khi đó cả hai cũng tự nhủ lòng lạc quan 'chắc nó chừa mình ra' vì suốt cả mùa dịch đều tuân thủ nghiêm các biện pháp, cũng từng là F2, F3 nhưng không sao.
Trải qua 2 ngày lo lắng thì kết quả đã về. Nhà có 2 chị em thì cả hai đều dương tính với Covid-19. Đến bây giờ mình vẫn nhớ cảm giác khi nhận kết quả: Cả người run lên, còn bản thân thì sụp đổ, sợ hãi, hoảng loạn. Nhiều cảm xúc tiêu cực ùa vào lúc ấy khiến mình không cảm nhận được bất kì điều gì. Nhưng rồi, cả hai cũng đủ lý trí để bình tâm lại xử lý công việc và giữ kín để gia đình ở Việt Nam không phải lo lắng quá nhiều.
Khi có kết quả dương tính, bệnh viện nơi chúng mình xét nghiệm là Michael Garron (Canada) sẽ gọi điện hỏi thăm các triệu chứng và dặn dò người bệnh tự cách ly điều trị các triệu chứng gặp phải. Nếu cảm thấy khó thở thì sẽ gọi thẳng đến 911 để cấp cứu.
Thông thường, những bệnh nhân dương tính có triệu chứng nhẹ thì sẽ được nhận hướng dẫn qua điện thoại. Nặng thì mới nhập viện. Rất may là tụi mình là những trường hợp có triệu chứng nhẹ thôi.
Trong suốt quá trình tự chữa bệnh và cách ly ở nhà, mình được tư vấn uống thuốc theo sự chỉ dẫn của các bác sĩ. Còn việc dùng dầu gió hay xông hơi là các bài thuốc dân gian được các anh chị trong cộng đồng người Việt ở Canada chỉ cho khi gia đình họ cũng từng trải qua những tình huống tương tự.
Ngay sau đó, mình gọi điện báo tin cho tất cả mọi người rồi trở về nhà thu xếp công việc, dọn dẹp nhà cửa. Đưa em trai vào phòng cách ly, mỗi ngày 2 bữa đầy đủ để có đủ chất uống thuốc. Trong phòng có thêm bánh kẹo, đồ ăn riêng. Sau khi ăn xong thì em trai mình tự rửa bát trong nhà vệ sinh riêng, sau đó mình lại tráng thêm một lần bằng nước sôi để đảm bảo an toàn cho việc tái sử dụng.
1. Các triệu chứng của bệnh:
- Sốt: Nhiệt độ của 2 chị em từ 38.5-39.5 độ C, dao động trong 2 ngày đầu tiên. Chúng mình sử dụng thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ từ 4-6 giờ/lần thì các dấu hiệu như sốt, đau người, đau đầu cũng đều phát huy tác dụng diệt trừ.
- Ho: Hai chị em không ho nhiều nhưng khi ho thì lại sặc sụa và rất ngứa họng.
- Viêm nhiễm: Vì sức đề kháng yếu nên cơ thể rất dễ bị viêm. Vì bên này khó mua thuốc kháng sinh nên chúng mình súc miệng bằng nước muối, viêm ở đâu thì vệ sinh sạch sẽ ở đó. Ngoài ra còn uống kèm nước ấm, mật ong.
- Tức ngực: Em trai mình Minh Meo thỉnh thoảng cứng ngực, cơ thể rệu rã, mệt mỏi.
- Mất khứu giác: Mình không bị nhưng Minh Meo thì có, kể cả khi hết 10 ngày cách ly. Bác sĩ chia sẻ rằng dấu hiệu này có thể kéo dài từ 1-2 tháng.
- Khó thở: Đối với nhiều người, triệu chứng này xuất hiện ngay từ những ngày đầu. Nhưng với chị em mình sau khi đã xong xuôi hết mọi việc. Có một hôm 4h sáng em mình kêu khó thở, cả hai đều hoảng sợ. Nhưng sau đó em trai mình đã cố gắng ngồi thẳng lưng, điều hòa khí thở và sau đó cũng chìm được vào giấc ngủ.
Ngày hôm sau tình trạng thở ngắn và khó thở vẫn diễn ra thì tụi mình gọi điện cho bác sĩ ở Canada. Sau khoảng 30 phút hỏi thăm tình hình, chị y tá nhắn lại: 'You should go to ER now' (Bạn nên đến bệnh viện khám ngay đi). Sau khi đi khám, thật mừng khi khí vẫn vào phổi 99%, cũng không bị tổn thương gì. Sau đó, chúng mình được bác sĩ kê đơn thuốc uống.
2. Chúng mình đã chiến đấu chống dịch bằng gì?
- Tinh thần: Tụi mình rất sợ trong những tiếng đầu tiên. Nhưng sau đó đã dần lạc quan chiến đấu dịch cũng nhờ sự động viên và hài hước của những chị em cùng nhà.
- Uống nước: Mình uống rất nhiều, tưởng chừng như phải có thêm 1 quả thận nữa thì mới chứa được số nước chúng mình uống
- Đau đâu trị đấy
- Dùng dầu gió, cao hổ: Tụi mình thường bôi quanh ngực và cổ để làm ấm. Rồi bôi chỗ nhân trung, hít một hơi thật sâu để hơi dầu vào được trong phổi.
- Tăng cường bổ sung vitamin
- Xông hơi: Chúng mình hay xông bằng cam, sả, bạc hà, các vị thuốc bắc... Xông hơi xong chúng mình hay để trong phòng để mùi hương lim rim, mùi hương tự nhiên rất dễ chịu. Giúp xua đi mùi bệnh tật và làm thoải mái cơ thể.
- Ăn đủ chất và ăn ngon:
- Vận động nhẹ: Vì sức khỏe yếu và cũng ở trong phòng nhiều nên chúng mình tập những bài tập nhẹ như yoga, giãn cơ...
3. Chi phí khi khám chữa bệnh:
Do 2 chị em đều có bảo hiểm nên tiền viện phí cũng như chữa bệnh ở Canada hầu như không bị mất nhiều.
4. Lưu ý cho du học sinh nếu không may mắc Covid-19:
Mỗi đất nước đều có những quy định và luật lệ khác nhau. Trước hết hãy cung cấp cho mình đủ kiến thức về Covid-19 cũng như thông tin bắt buộc.
Một điều quan trọng nữa là tinh thần. Tụi mình là người trẻ và cũng khỏe mạnh, không chủ quan nhưng tích cực điều trị các triệu chứng thì cuối cùng, mình sẽ là người chiến thắng thôi!
Chẳng mong Covid-19 đến thăm nhà ai, nhưng nếu có, chúc cho các cậu cũng 'hóa được thành rồng'. Và nếu 'cả ngàn lời chúc mới được nửa tấm lòng' thì mình xin phép được dùng nửa tấm lòng còn lại cầu nguyện cho tất thảy những người thương yêu được an yên và hạnh phúc.
Theo Vân Trang (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)