Những ngày qua, giới trẻ đang rộn lên sự chú ý sau khi một nhân viên trẻ lên tiếng "bóc phốt" công ty của mình đang làm việc. Nam nhân viên này còn đặc biệt hơn, khi anh ta không đăng bài vào các hội nhóm hay đăng status trên mạng xã hội mà anh ta livestream để bóc phốt. Địa điểm diễn ra sự việc lại ngay trong phòng làm việc của chính công ty đang bị anh ta lên án.
Sự việc ngay lập tức thu hút sự chú ý của dân mạng. Bên cạnh một số ý kiến đồng tình khi cho rằng công ty đã không rõ ràng trong quy trình đào tạo nhân viên, cũng như mập mờ về quyền lợi người lao động, thì nhiều ý kiến hơn lại đang cho rằng: nam nhân viên trẻ này vừa kém EQ vừa kém cả kinh nghiệm lẫn kỹ năng.
Theo phân tích của cả người lao động lẫn các HR, việc làm của nam nhân viên chỉ cho thấy: anh ta không đủ bình tĩnh để giải quyết sự việc một cách gọn gàng, sẵn sàng "làm tới" với công ty nhưng lại lợi dụng tài nguyên công ty để "bóc phốt" là thiếu tôn trọng chính bản thân lẫn đồng nghiệp. Ngoài ra, nhiều người dự đoán anh này sẽ rất khó tìm việc mới khi sự việc cũ quá ồn ào như vậy chắc chắn là nhiều HR trong ngành cũng đã nắm được.
Một ý kiến thẳng thắn: "Không biết là công ty đúng hay sai nhưng thấy thái độ của bạn thì hơi ngông. Đa số các bạn Gen Z đi làm sẽ ảo tưởng rằng cái sân chơi đó là của các bạn, muốn làm gì thì làm".
Trên thực tế, trường hợp của nam nhân viên không hiếm, nhất là trong môi trường làm việc trẻ hóa, nhiều gen Z như hiện tại. Các bạn trẻ đôi khi chưa đủ kinh nghiệm hay kỹ năng để tiết chế cái tôi, hay làm cho tới nơi tới chốn một cách hợp lý những vấn đề của mình với công ty. Nhưng thay vì tìm cách, các bạn mang hết sự việc lên mạng xã hội. Và khi đó, nhiều người cảm thấy thỏa mãn khi đọc những bình luận "hùa" với mình chửi bới công ty. Nhưng rõ ràng, sau khi sự việc không còn được chú ý, thì vấn đề vẫn còn đó.
Căn bản, các bài đăng trên mạng xã hội bằng hình thức nào cũng chỉ đơn giản là để thỏa mãn cái tôi cá nhân hơn là nhằm giải quyết vấn đề. Chỉ có điều đáng tiếc, không ít người trẻ lại tìm đến mạng xã hội khi cuộc sống gặp vấn đề hơn là tìm cách giải quyết vấn đề.
Duy Lộc (SHTT)