Người Việt duy nhất đạt giải đặc biệt của Olympic Toán Quốc tế
Lê Bá Khánh Trình sinh năm 1963, là một tiến sĩ toán người Việt Nam. Ông được mọi người biết đến khi đã đoạt giải nhất với số điểm 40/40 đồng thời đoạt giải đặc biệt về lời giải độc đáo trong kỳ thi Olympic Toán Quốc tế ở Luân Đôn năm 1979. Ông cũng được mệnh danh là "cậu bé vàng của toán học Việt Nam".
45 năm trước tại London, thủ đô nước Anh, TS Lê Bá Khánh Trình (lúc đó mới 17 tuổi), học sinh trường Quốc học Huế, đoạt giải Nhất trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO) với số điểm tuyệt đối.
Với lời giải đặc biệt cho bài hình học, ông đã đoạt "cú đúp" với 2 giải thưởng: giải nhất và giải đặc biệt dành cho thí sinh có lời giải đẹp nhất. Nhiều năm sau, khi nhớ lại thời điểm đi thi Olympic Toan Quốc tế, TS Lê Bá Khánh Trình kể lại, trước ngày thi ông bị cảm nên khá mệt. Khi vào phòng thi, ông đọc nhầm đề nên hiểu sai. Đến lúc gần hết giờ thi ông mới phát hiện bản thân đọc đề ngược nên trong lúc nguy cấp đã tìm cách viết gọn nhất. Chính vì thế mà lời giải toán của TS. Lê Bá Khánh Trình cuối cùng lại ngắn hơn và đơn giản hơn so với cách giải trong đáp án của ban tổ chức.
Nhà toán học người Anh Tony Gardiner - người đã chấm bài thi của thí sinh Lê Bá Khánh Trình năm xưa kể lại rằng, khi đó ban giám khảo đã tính hết các nước cho lời giải bài hình. Vì thế trước lời giải rất ngắn của thí sinh, ban giám khảo đều cười và cho rằng lời giải này sai. Nhưng sau khi xem xét kỹ lưỡng thì không thể tìm ra chỗ sai của lời giải này. "Một khoảnh khắc vĩ đại (a great moment). Sau khi kiểm tra kỹ chính tôi đã đề xuất trao giải đặc biệt cho lời giải này", GS.Tonny nói về khoảng khắc năm xưa. Tính đến nay ông Lê Bá Khánh Trình là thí sinh Việt Nam duy nhất có được thành tích này.
Với thành tích vô cùng xuất sắc đó, Lê Bá Khánh Trình được mệnh danh là "cậu bé vàng của Toán học Việt Nam".
Người cống hiến không ngừng cho Toán học Việt Nam
45 năm trôi qua, "cậu bé vàng" năm đó vẫn được coi là "huyền thoại Toán học Việt Nam" và không ngừng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, khoa học của nước nhà. Hiện nay, TS Lê Bá Khánh Trình đang giảng dạy môn Toán ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Lê Bá Khánh Trình sinh năm 1963 tại Phong Chương, Phong Điền, Thừa Tiên Huế, trong một gia đình có 6 anh chị em. Gia đình trí thức với bố là giáo viên trường Đại học Y, mẹ là giáo viên cấp, ông Trình có học tập xuất sắc. Năm 1979,ông được chọn để tham gia kỳ thi Olympic Toán Quốc tế ở London khi đang là học sinh tại lớp chuyên toán trường Quốc học Huế.
Sau thành tích xuất sắc ở kỳ thi này, ông theo học tại khoa Toán trường Đại học Quốc gia Moskva, sau đó học lên Tiến sĩ. Khi trở về Việt Nam, ông công tác tại khoa Toán trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho tới nay. Thầy Lê Bá Khánh Trình phụ trách đạo tạo học sinh đội tuyển Toán của Trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ông nhiều lần là trưởng đoàn, phó đoàn học sinh giỏi toán Việt Nam đi thi IMO các năm 2005, 2013… Tại kỳ thi Olympic toán quốc tế (IMO-International Mathematics Olympiad) lần thứ 54 từ ngày 18-28.7.2013 tại Santa Marta (Colombia), đoàn Việt Nam đã giành về 6 huy chương, với 3 huy chương vàng và 3 huy chương bạc. Tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình đã nhiều năm liên tiếp có đóng góp to lớn trong việc giảng dạy cho những học sinh được chọn để đi thi Olympic toán quốc tế.
Trong một bài phỏng vấn, ông từng chia sẻ về tình hình "sợ Toán" của nhiều học sinh: "Yêu ghét là một điều tự nhiên, làm sao có thể yêu cầu mọi người cùng yêu hay ghét một thứ được? Do đó, nói có những em không thích Toán hay bất kỳ môn học nào khác, tôi nghĩ đó là tình trạng chung của xã hội thôi, không đáng lo ngại.
Ngay cả mấy đứa nhỏ nhà tôi, có đứa giỏi Toán nhưng không thích Toán, có đứa lại không giỏi Toán chút nào. Tôi không thể bảo con phải thích Toán được, vì như thế là áp đặt.
Mà theo tôi, Toán còn được xếp vào trong các môn được nhiều em thích. Bởi vì Toán học chặt chẽ, logic, nói 'một là một, hai là hai', chứ không có chuyện nửa vời. Trong khi, con người Việt Nam thì có vẻ lại thiên hướng thích những thứ logic".
Theo TS Lê Bá Khánh Trình, đề cải thiện và giúp các học sinh hết sợ môn Toán thì cần bắt đầu từ hiểu vấn đề, hiểu công thức, "kết quả tương đối đạt 7-8 điểm là được rồi, chứ đừng vội bắt các em tìm hiểu quá sâu sắc về lý thuyết, nền tảng này nọ". Theo thầy, vai trò của giáo viên rất quan trọng. Thầy cô phải đưa những dạng bài vừa sức với học sinh, dạy thế nào phải kiểm tra đúng cái đó, các em đạt được điểm cao thì mới tự tin học Toán. Đã có tự tin thì các học sinh sẽ dần học tốt hơn.
Theo Lưu Ly (Nguoiduatin.vn)