Lời kêu gọi tham gia cuộc tuần hành phản đối hành động quân sự hóa của Trung Quốc vào ngày 23-4 - Ảnh chụp lại màn hình |
Sức lan tỏa, ảnh hưởng lớn
Đây là lần đầu tiên gần 200 bản đồ, hình ảnh, tư liệu, phim tài liệu về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông và về các hành động xâm chiếm, quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc được trưng bày, trình chiếu ngay tại khu vực được coi là trái tim của Geneva, trung tâm của thế giới.
Lý giải việc chọn quảng trường có chiếc ghế ba chân làm nơi tổ chức triển lãm, một thành viên ban tổ chức cho biết Geneva là trung tâm chính trị, nơi được mệnh danh là thủ đô hòa bình của thế giới với trụ sở của LHQ tại châu Âu và hàng trăm tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và các phái đoàn ngoại giao...
Bên cạnh đó, quảng trường LHQ có chiếc ghế ba chân đầy tính biểu tượng là một địa điểm du lịch nổi tiếng của Geneva. Một lượng lớn du khách quốc tế tới đây, họ có thể tham quan triển lãm, quay phim, chụp ảnh, đưa thông tin về sự kiện này lên các trang mạng xã hội.
Qua đó, những thông điệp mà ban tổ chức mong muốn truyền tải có thể lan tỏa ra xa hơn phạm vi của Geneva, để thế giới thấy được những diễn biến căng thẳng trong tranh chấp tại Biển Đông và những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
Với những chứng cứ thực tế, sinh động gồm gần 200 bản đồ, hình ảnh, tư liệu, phim tài liệu, triển lãm giúp người xem dễ dàng tiếp cận với chủ đề tranh chấp ở Biển Đông, có một cái nhìn khách quan về lập trường và hành động của các bên trong tranh chấp.
Song song với đó, một không gian mang tính học thuật cũng đồng thời diễn ra, đó là bàn tròn thảo luận giữa các luật sư, nhà nghiên cứu và nhà báo Thụy Sĩ về tranh chấp Biển Đông.
Anh Đỗ Việt Cường - nghiên cứu sinh tiến sĩ luật quốc tế tại Viện Sau đại học Geneva về nghiên cứu quốc tế và phát triển - giải thích về việc góp sức của mình:
“Với những kiến thức tích lũy được trong quá trình học tập và nghiên cứu về luật quốc tế, luật biển và tranh chấp Biển Đông, tại triển lãm lần này tôi tham gia vào nhóm thuyết minh, giới thiệu với khách tham quan triển lãm về các bản đồ, hình ảnh, tư liệu, phim tài liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông, đồng thời tố cáo các hành động xâm chiếm, quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải và hàng không trong khu vực”.
Lời giới thiệu chương trình của ban tổ chức - Ảnh chụp lại màn hình
Chung tay góp sức
Để có tư liệu cho triển lãm, ban tổ chức đã liên hệ các cộng đồng người Việt khác tại các nước châu Âu (Pháp, Đức) rồi chạy xe đi mượn về. Một số tư liệu, hình ảnh thì khai thác từ các nguồn truyền thông khác nhau.
Các thành viên trong ban tổ chức cũng đã chia nhau tới các trường đại học, ga tàu, nhà hàng, siêu thị... phát tờ rơi, quảng bá cho triển lãm.
Theo Phạm Quốc Nhật Phương, thành viên ban tổ chức, có nhiều hình thức phản đối các hành động xâm chiếm, quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc nhưng lần này ban tổ chức quyết định thay đổi hình thức phản đối.
“Một cuộc triển lãm sẽ giúp mọi người có được góc nhìn vừa bao quát, vừa cụ thể, khách quan và cũng phù hợp với thế hệ người Việt trẻ đang sinh sống và học tập ở nước ngoài như chúng tôi” - Nhật Phương chia sẻ.
Nhật Phương tốt nghiệp ngành viễn thông Đại học HEPIA Geneva nhưng sau đó lại làm công việc mình yêu thích là thiết kế và tư vấn marketing tại Geneva.
Tham gia tổ chức những sự kiện như cuộc triển lãm lần này, Nhật Phương hi vọng góp phần phát triển một cộng đồng người Việt sôi nổi, năng động, đoàn kết thông qua các hoạt động văn hóa, thể thao, cộng đồng, cũng như giúp người Việt Nam dễ dàng hòa nhập với thế giới nói chung và Thụy Sĩ nói riêng.
Theo Bùi Tiến Dũng (Tuổi Trẻ)