Người trẻ mới tốt nghiệp ở Trung Quốc 'đỏ mắt' tìm việc

24/06/2022 15:16:26

Lứa sinh viên Trung Quốc vừa tốt nghiệp đang phải đối mặt với thị trường việc làm nhỏ hẹp nhất trong nhiều thập kỷ.

"Nếu bạn điều chỉnh kỳ vọng về mức lương của mình, luôn có một công việc dành cho bạn" - Qu Fenghua, một nữ sinh hiện đang ở ký túc xá tại Thượng Hải cho biết. Vừa tốt nghiệp, hiện Qu vẫn chưa tìm được việc làm.

"Chỉ cần bất kỳ công việc nào trả hơn 5.000 nhân dân tệ (750 USD) một tháng là ổn", cô gái nói với Sixth Tone. "Quan trọng là tôi cần kiếm đủ tiền để có thể tự nuôi sống bản thân và tiết kiệm một chút".

Người trẻ mới tốt nghiệp ở Trung Quốc 'đỏ mắt' tìm việc
Ảnh: Sixth Tone

Chuyên ngành quản trị kinh doanh có tới 10,76 triệu sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học ở Trung Quốc trong thời gian này, được cho là mức cao kỷ lục.

Tuy nhiên, những sinh viên vừa tốt nghiệp này đang phải đối mặt với thị trường việc làm nhỏ hẹp nhất trong nhiều thập kỷ. Khi các doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giảm quy mô tuyển dụng do COVID-19 bùng phát, nhiều sinh viên cạnh tranh để có việc làm và đành phải giảm kỳ vọng về mức lương .

Ngay từ tháng 12 năm ngoái, các sinh viên đã được cảnh báo nguy cơ đối mặt với những thách thức tìm việc.

Người trẻ mới tốt nghiệp ở Trung Quốc 'đỏ mắt' tìm việc - 1
Sinh viên tốt nghiệp tham dự hội chợ việc làm ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, ngày 29 tháng 5 năm 2022. Yang Bo / CNS / VCG

Theo báo cáo từ nền tảng tuyển dụng trực tuyến Zhilian Zhaopin, đến giữa tháng 4, chưa đến 47% sinh viên tốt nghiệp đang tìm việc nhận được lời mời đi làm. Đây là mức giảm mạnh so với mức 62,8% được ghi nhận cùng kỳ năm ngoái.

Thậm chí, nhiều công ty cho biết đã hủy bỏ tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp.

Đây là thời điểm khó khăn khi những người trẻ tìm việc. Chính quyền địa phương và các trường đại học đã đưa ra các chiến lược khác nhau để giảm bớt khủng hoảng việc làm. Vào đầu tháng 5, các doanh nghiệp nhà nước ở Thượng Hải đã công bố kế hoạch về hạn ngạch tuyển dụng 50% cho sinh viên mới tốt nghiệp của thành phố. Thành phố cũng sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp khoản trợ cấp 2.000 nhân dân tệ cho mỗi sinh viên mới tốt nghiệp mà họ tuyển dụng. Các trường cũng đang nỗ lực kết nối các công ty với sinh viên sắp tốt nghiệp bằng cách tổ chức các hội chợ việc làm trực tuyến.

Người trẻ mới tốt nghiệp ở Trung Quốc 'đỏ mắt' tìm việc - 2
Sinh viên tốt nghiệp nói chuyện với nhà tuyển dụng tại hội chợ việc làm ở Đông Quan, tỉnh Quảng Đông, ngày 11 tháng 6 năm 2022. VCG

Giống hàng ngàn sinh viên đại học khác trong thành phố, Qu bị cách ly trong khuôn viên trường từ đầu tháng 3. Nhưng sắp tốt nghiệp, nữ sinh lo lắng không thể ra ngoài để phỏng vấn xin việc.

"Tôi đã bỏ lỡ đợt tuyển dụng mùa thu, tôi đang chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh chương trình sau đại học vào tháng 12" - cô gái 21 tuổi nói.

Bắt đầu từ tháng 9, kỳ tuyển dụng mùa thu là thời điểm tốt nhất để sinh viên tốt nghiệp tìm việc làm ở Trung Quốc.

Cô nói: "Chúng tôi hiểu rằng bằng cử nhân không có tính cạnh tranh trong thị trường việc làm. Bên cạnh đó, nếu ở lại trường, chúng tôi sẽ không phải lo lắng tìm việc trong 2, 3 năm nữa. Với học phí sau đại học thường không quá 5.000 đến 10.000 nhân dân tệ mỗi năm, thực phẩm và nơi ở trong trường được trợ cấp rất nhiều, đó là một cách khá hợp lý để tránh bị thất nghiệp trong vài năm.

Bằng cấp cao hơn cũng có giá hơn. Một nhóm nghiên cứu từ Đại học Bắc Kinh đã khảo sát hơn 20.000 sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học ở 19 tỉnh vào năm 2021 và nhận thấy rằng, mỗi bằng cấp mới mang lại cho sinh viên trung bình mức lương khởi điểm tăng lên khoảng 50%: từ dưới 6.000 nhân dân tệ/tháng đối với người có bằng cử nhân, hơn 10.000 nhân dân tệ/tháng cho thạc sĩ, đến gần 15.000 cho tiến sĩ.

Nhưng sự cạnh tranh để vào các chương trình sau đại học cũng rất khốc liệt. Theo Bộ Giáo dục, 4,57 triệu sinh viên đã đăng ký tham gia kỳ thi chương trình sau đại học vào tháng 12, tăng 800.000 so với năm trước.

Nhóm nghiên cứu giáo dục New Oriental đã phát hành một báo cáo vào tháng 4, ước tính số lượng chỗ ngồi trong các trường sau đại học ở Trung Quốc vào khoảng 1,2 triệu. Điều đó có nghĩa là không có chỗ cho hơn 73% người dự thi. Chỉ có hai người bạn cùng lớp của Qu vượt qua, còn Qu không nằm trong số họ.

Khi biết mình trượt kỳ thi, Qu không biết phải làm gì. Bởi khi đó Thượng Hải không có hội chợ việc làm trong mùa tuyển dụng mùa xuân. “Các giáo viên của chúng tôi cũng lo lắng. Họ tiếp tục gửi thông tin về các công ty đang tuyển dụng trong các nhóm trò chuyện trực tuyến của chúng tôi".

Cô gái trẻ đã gửi hàng chục đơn xin việc nhưng nhận được rất ít phản hồi. "Một số công ty liên hệ lại với tôi nhưng có vẻ không mặn mà tuyển nhân viên mới. Một số không phản hồi sau một cuộc trò chuyện ngắn" - Qu nói.

Giáo sư Jia Lijun, từ Khoa Kinh tế và Quản lý tại Đại học Sư phạm Hoa Đông Thượng Hải, nói rằng hoạt động kinh doanh của nhiều công ty xuống dốc trong thời kỳ COVID-19. "Các kế hoạch tuyển dụng bị đóng băng và cắt giảm nhân sự. Nhưng đây đều là những vấn đề tạm thời. Khi tác động từ đại dịch giảm đi, mọi thứ sẽ nhanh chóng trở lại đúng hướng".

Li Shujie, một sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải thấy hầu hết các doanh nghiệp đều yêu cầu phải có bằng thạc sĩ. "Tôi đã từ bỏ ý định tìm việc sau khi tốt nghiệp cử nhân".

Tìm công việc ổn định

Trở thành nhân viên chính thức là ước mơ của nhiều người trẻ. Nhưng sự cạnh tranh cho những công việc này đang khốc liệt hơn bao giờ hết.

Shi Sijie - sinh viên tốt nghiệp ngành ngôn ngữ học Nhật Bản, mong muốn có công việc giảng dạy ở một trường công lập. "Tôi là người sống nội tâm, trầm tính từ khi còn nhỏ và tôi muốn có cảm giác an toàn vững chắc trong công việc".

Cô nói: "Rõ ràng, tìm việc ngày càng trở nên khó khăn". Khi Shi bắt đầu tìm việc vào học kỳ mùa thu, cô đã đến Vũ Hán, Nam Kinh, Tô Châu, Vô Tích và Thiên Tân để phỏng vấn. "Tôi đã ở lại ít nhất 3 ngày để test COVID, làm bài kiểm tra viết và phỏng vấn".

Shi đã nộp hơn 70 đơn xin việc từ tháng 9 đến tháng 5, tuy nhiên đó vẫn không phải là nhiều so với các bạn cùng lớp của cô.

Zhao Xinyun - một sinh viên năm cuối, không ngạc nhiên khi trượt kỳ thi cao học. Cô chuẩn bị nộp đơn xin việc tại một công ty ở quê nhà tỉnh An Huy. Zhao theo học ngành giáo dục đặc biệt, cho biết chỉ xin việc trong khu vực công ở quê nhà tỉnh An Huy. "Tôi không phải người tham vọng. Tôi thích cuộc sống ổn định gần quê hơn là một công việc hoàn hảo ở thành phố lớn. Tôi từng bị ốm ở Thượng Hải, đó là một trải nghiệm tồi tệ khi không có gia đình bên cạnh chăm sóc".

Một cuộc khảo sát được thực hiện trong số hơn 1.000 sinh viên tại Đại học Hắc Long Giang vào tháng 5 cho thấy hơn một nửa số người được phỏng vấn có kế hoạch trở về quê sau khi tốt nghiệp.

Chuẩn bị sớm

Áp lực tìm việc bắt đầu từ sớm trước năm cuối. Sinh viên ngày càng tham gia nhiều các hoạt động thực tập với hy vọng tạo lợi thế trên thị trường việc làm. Theo báo cáo của Zhilian Zhaopin, 74% sinh viên tốt nghiệp năm nay đã có kinh nghiệm thực tập, tăng so với mức 57,9% của năm ngoái.

Người trẻ mới tốt nghiệp ở Trung Quốc 'đỏ mắt' tìm việc - 3
Sinh viên tốt nghiệp chụp ảnh tại một trường đại học ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, ngày 8 tháng 6 năm 2022. Liu Guoxing / VCG

Li Shujie học tài chính. Cô đã may mắn có việc vào cuối năm ngoái. "Thị trường việc làm rất cạnh tranh. Nhiều bạn cùng lớp của tôi đã bắt đầu thực tập tại các công ty khác nhau kể từ khi bắt đầu học sau đại học", cô nói với Sixth Tone. "Nhiều doanh nghiệp trong ngành tài chính rất coi trọng cả nền tảng học vấn của ứng viên và kinh nghiệm thực tập của họ".

Li bắt đầu thực tập sau năm đầu tiên học sau đại học. "Tôi bị hụt hẫng khi tìm kiếm cơ hội thực tập vào mùa hè năm ngoái. Tôi đã gửi khoảng 50 hồ sơ và hầu hết đều không được trả lời", cô nhớ lại. "Tôi nghĩ các công ty đang rất thận trọng trong việc trao cơ hội thực tập cho sinh viên năm cuối tại các trường sau đại học vì họ hy vọng các sinh viên sẽ ở lại làm việc lâu dài chứ không chỉ là thực tập sinh", cô nói thêm.

Trong kỳ tuyển dụng mùa thu, Li nhận được lời mời từ công ty tài chính, nơi cô đang thực tập ở bộ phận nhân sự. Li cho biết doanh nghiệp đã cắt giảm khoảng 60% nhân viên sau khi đại dịch xảy ra.

"Lý do chính là chúng tôi không được phỏng vấn trực tiếp", cô giải thích. "Các cuộc phỏng vấn trực tuyến không mang lại ấn tượng rõ ràng và công ty sợ tuyển nhầm người".

Theo Minh Vy (Tiền Phong)

Nổi bật