Mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân N.V.K (nam giới, 82 tuổi) ở Thái Bình được chuyển tuyến cấp cứu do mắc sốt xuất huyết ngày thứ 6.
Ban đầu, bệnh nhân chỉ cảm thấy mệt mỏi và sốt nên đã đến cơ sở y tế điều trị. Sau đó, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như sốt cao 39°C, tiểu cầu giảm sâu chỉ còn 7 G/L (thấp hơn 21 lần so với mức tối thiểu), xuất huyết tiêu hóa lượng lớn khiến phân đen.
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân được chỉ định truyền khối tiểu cầu để hỗ trợ đông máu. Mặc dù tiểu cầu dần tăng và bệnh bước vào giai đoạn lui bệnh nhưng tình trạng xuất huyết trong các mô cơ của bệnh nhân vẫn diễn biến phức tạp.
Bệnh nhân xuất hiện xuất huyết, máu chảy trong các mô cơ thành ngực, cẳng và bàn tay trái khiến vùng cơ căng cứng, đau nhức dữ dội, chuyển màu tím bầm. Nghiêm trọng hơn, bệnh nhân mất đến một nửa lượng máu trong cơ thể khiến tình trạng trở nên nguy kịch.
Bệnh nhân chia sẻ tình trạng đau nhức khiến ông không thể cử động được cánh tay và thành ngực, kèm theo đó là cảm giác ngày càng căng tức, không thể chịu đựng nổi.
ThS.BS Đặng Hoàng Điệp, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, sau 9 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân có nhiều chuyển biến tích cực. Tiểu cầu đã tăng lên 57 G/L, tình trạng xuất huyết tiêu hóa tạm thời ổn định và không xuất hiện thêm các triệu chứng xuất huyết mới.
Tuy nhiên, tình trạng xuất huyết trong mô cơ của bệnh nhân N.V.K vẫn cần được theo dõi chặt chẽ vì đây là biến chứng khó kiểm soát, không thể xử lý bằng các biện pháp thông thường như thắt mạch hay băng ép. Việc điều trị tập trung vào truyền các chế phẩm máu để duy trì các yếu tố đông máu, chỉ số huyết sắc tố ổn định, đảm bảo cung cấp đủ oxy cho các cơ quan.
Sau nửa tháng điều trị, bệnh nhân đã được ra viện.
Trường hợp của bệnh nhân N.V.K là lời cảnh báo về sự nguy hiểm của sốt xuất huyết, đặc biệt là biến chứng chảy máu trong mô cơ. Việc phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời vô cùng quan trọng vì điều này không chỉ cứu sống người bệnh mà còn giảm nguy cơ người bệnh gặp biến chứng, từ đó giúp bảo vệ sức khỏe lâu dài.
Bác sỹ Điệp khuyến cáo: “Điều quan trọng là người dân cần chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo như: chảy máu bất thường, mệt, bứt rứt hay vật vã; khó thở hay các triệu chứng bất thường khác. Cơ thể xuất hiện những dấu hiệu tưởng chừng đơn giản nhưng bệnh có thể đã nhanh chóng tiến triển và gây ra biến chứng nghiêm trọng nếu không được xử lý kịp thời”.
Phòng ngừa sốt xuất huyết
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội nhận định, dịch sốt xuất huyết hiện đã bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm (diễn ra từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm). Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh sản và phát triển của muỗi truyền bệnh.
Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân nên thực hiện 6 điều sau để phòng bệnh sốt xuất huyết:
- Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.
- Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...
- Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.
- Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
- Khi bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Theo Ngọc Minh (Nguoiduatin.vn)