Mới đây, thông tin dự án Cung thiếu nhi Hà Nội mới tọa lạc ở quận Nam Từ Liêm vừa động thổ sáng ngày 15/3 vừa qua đã khiến không ít người bất ngờ. Vui vì tương lai sẽ có một Cung thiếu nhi khang trang, hiện đại và buồn vì những kí ức với Cung thiếu nhi cũ ở số 36 Lý Thái Tổ sẽ không còn, đó là những cảm xúc trái ngược xuất hiện trong đầu nhiều người, đặc biệt là những ai hồi bé từng có cơ hội đi học, đi chơi tại đây.
Với nhiều người, tuổi thơ là chuỗi ngày rong ruổi cùng đám bạn khắp các hang cùng ngõ hẻm ở khu dân cư nhỏ mình sống. Rồi sau đó bị người lớn đến tận nhà mách bố mẹ vì sao cái tụi này nó nghịch quá trời nghịch. Với một số người khác, tuổi thơ lại chỉ quanh quẩn ở nhà, chơi từ phòng khách đến phòng bếp vì phụ huynh đều bận rộn. Và cũng có vô số người, cả bầu trời tuổi thơ có thể được gói gọn chỉ trong 3 chữ "cung thiếu nhi" như thế.
Hiện Hà Nội chưa có thông tin gì về việc sau khi hoàn thành dự án Cung thiếu nhi mới, cơ sở cũ hơn 8.000m2 tại quận Hoàn Kiếm sẽ được sử dụng ra sao. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, sự bồi hồi là không thể tránh khỏi. Bởi lẽ rất nhiều con người đã lớn lên từ đây, học được bao điều hay từ đây, có thêm những người bạn mới cũng từ đây...
"Vốn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nên gần như là tuổi thơ mình gắn liền với nơi này. Mình được bố mẹ cho sinh hoạt ở đây từ nhỏ. Mình còn nhớ mãi cái ngày nhỏ tí được bác Trương Mỹ Hoa cầm tay thả chim hoà bình, ngày đó ảnh của mình cũng được lên bìa báo mà không nhớ rõ năm bao nhiêu nữa.
Mình cũng nhớ dãy nhà bên trái tầng 1 là bán tạp hóa, lớp viết chữ đẹp của thầy Cao, tít trong cùng là phòng Giám đốc. Tầng 3 là khoa hội họa, mỹ thuật, thời trang. Tầng 4 là lớp múa, lớp hát, lớp đàn, lớp kịch...", Thúy Vy (SN 1991) - một cô gái từng có nhiều gắn bó với Cung thiếu nhi ở Lý Thái Tổ hồi tưởng lại.
Dù đã qua hơn 20 năm nhưng mọi thứ Vy vẫn nhớ như in. Chính Vy cũng là một trong những người đầu tiên chia sẻ thông tin về việc sắp có Cung thiếu nhi mới và khiến bao cư dân mạng đồng cảm theo.
Cùng chung cảm xúc với Vy còn là rất nhiều, rất nhiều những người con Hà Nội khác.
"Ngày bé, mẹ mình dắt mình lên đấy rồi cho đi dạo hết một vòng cả trung tâm, hỏi thích học cái gì. Mình chọn học hát vì thấy thầy ngồi đàn ở cái piano to trông rất... vi diệu, mình còn chọn học vẽ nữa, chắc vì thấy nhiều màu đẹp đẹp. À, mình cũng được theo đội đi biểu diễn ở rạp Khăn Quàng Đỏ, sân khấu đầu tiên trong cuộc đời luôn nhé. Lúc đầu thì run nhưng lên sân khấu rồi mới biết nhìn xuống phía dưới sẽ thấy đen xì, chẳng thấy ai, hết cả sợ.
Nghe tin có cung mới ở Từ Liêm thì mình bồi hồi chút chút, vì nhớ lại tuổi thơ hát múa chứ còn thực ra chỗ đó thấy cũng hiu quạnh hơi lâu rồi. Nhưng mà giờ cũng thấy may vì được mẹ đầu tư cho đi học mấy cái văn nghệ như thế này từ bé chứ không phải chỉ biết cắm đầu vào học trong sách vở", Trang Nguyễn (32 tuổi).
"Từ lúc đi học là mẹ mình đã gửi mình vào Cung thiếu nhi học vẽ mùa hè, cũng phải suốt mấy năm tiểu học luôn đấy. Công ty mẹ mình làm còn đối diện Cung nữa nên hôm nào không học vẽ mình sẽ ra đấy chơi. Mình vẫn nhớ lớp vẽ ở tầng 3, cả một cái hành lang dài được chia ra nhiều dãy, mỗi dãy là một lớp ngồi học vẽ. Trước hoặc sau giờ học của lớp mình, mình hay đi lang thang quanh đó chơi rồi xem các bạn vẽ.
Nói về kỷ niệm đặc biệt với Cung thì mình không có, đơn giản là ở đây rất nhiều thôi, chắc phải ăn mòn cái canteen ở đấy luôn. Mình thích nhất cái sân dùng để học võ vì vừa có ghế đá mát lại vừa có cây, cái sân ấy ở trên tầng 2 thì phải.
Nói chung, đứa trẻ con nào ở Hà Nội chắc đều từng được bố mẹ cho học ở đó thui. Vì giá thành chung cũng rẻ so với thời bấy giờ và vì trẻ con ngày ấy không có nhiều lớp ngoại khóa với hoạt động mùa hè. Học phí vẽ hình như chỉ 90k/ 3 tháng hay sao thôi", Bích Diệp (30 tuổi).
"Biết tin Hà Nội chuẩn bị xây Cung thiếu nhi mới thì mình thấy bất ngờ, nhưng mà kiểu bất ngờ vì cuối cùng cũng sửa sang xây mới lại chỗ này ấy. Cảm giác xây mới là đúng rồi, Cung cũ cũ quá cơ sở vật chất không còn đáp ứng tốt cho trẻ em nữa thì xây mới là đúng... Cơ mà xây mới vẫn ở địa điểm đó thì càng tốt, còn đâu mình chỉ hy vọng đừng đổi tên Cung vì thương hiệu Cung thiếu nhi Hà Nội gắn bó với tuổi thơ lắm.
Ngày xưa hè nào mình cũng được bố mẹ đăng kí cho 1 khoá học nào đó ở Cung, năm học hát, năm học vẽ, năm học múa nên hầu như đi khắp các ngóc ngách ở Cung, nhiều kỉ niệm vô cùng. Nhưng chắc mình nhớ cái năm mình học vẽ nhất vì đi học xong mới biết là mình không có tí năng khiếu vẽ nào (cười). Với cả ở Cung còn có cái nhà phao, rồi nhiều trò chơi khác nữa, ngày ấy chỉ công viên mới có thôi, nay mình đi học ở Cung mà vẫn được chơi như chơi công viên, vui thôi rồi", Phương Anh (26 tuổi).
"Nhớ mãi ngôi nhà tuổi thơ... Khi mẹ hỏi thích học gì tôi liền nói thích học làm nhà thiết kế thời trang và vẽ không biết bao nhiêu bộ váy ở đây. À còn mà được tự may váy xong trình diễn bộ váy mình thích nhất ở rạp Khăn Quàng Đỏ nữa chứ. Ôi mê gì đâu, được mọi người lên tặng hoa như celeb nữa, haha", Diệu Thúy.
"Hơn cả một Cung thiếu nhi, mình coi đây như một ngôi trường. Ngôi trường mang nhiều thơ ấu của mình... Bây giờ sắp 26 tuổi. Xa trường cũng được mấy chục năm, vẫn tự hào từng là thằng bé con đã được đào tạo ở ngôi trường ươm mầm tài năng nghệ thuật lớn nhất Hà Nội bấy giờ. Học ở đây ngày trước có bóng dáng đứa nào đeo cái cặp quai chéo đựng bảng A2 màu xanh pha ni lông là đích thị học sinh Cung Thiếu Nhi rồi. Bản thân mình cũng làm thiết kế nên mong trường sẽ có một chiếc áo mới đẹp hơn. Nhất định sẽ ghé lại trường khi hoàn thành", Nguyễn Dudu (26 tuổi).
"Gi gỉ gì gi cái gì cũng từ nơi đây...
Một phần tuổi thơ của tui là những ngày tháng nhút nhát mẹ phải ngồi cùng trong phòng tập múa, là học đánh đàn biết vài hợp âm để đi thi "ban nhạc" với bạn ở rạp Khăn Quàng Đỏ, là nụ cười của thầy mỗi giờ học chữ khi viết sai, là những bức tranh vẽ khó có thể hiểu, là những thanh âm "đô rê mi pha son" nghêu ngao cả ngày... Mỗi lần qua đây, tui đều kể với bạn như thế", Nguyễn Phúc.
"Tuổi thơ gắn liền với Cung thiếu nhi đây. Từ giờ học bán trú thời cấp 1 đến những lần bà ngoại đưa đi chơi nhà bóng, nhà phao, tô tượng, vẽ tranh cát. Ông em trai cũng học bán trú và học thêm ở đây suốt nhiều năm. Tạm biệt Cung thiếu nhi Hà Nội để về với địa chỉ mới, nơi mãi là ký ức tuổi thơ của biết bao lứa thiếu nhi, học sinh năm nào", Nguyễn Bảo Ly.
"Tạm biệt nhé, tuổi thơ tôi!", Minh Anh.
Ảnh: Tổng hợp
Theo M416 (Pháp Luật và Bạn Đọc)