Ngày càng nhiều thanh niên Hàn Quốc muốn đổi tên để dễ xin việc

21/03/2016 08:42:46

Trong tình trạng thất nghiệp hiện nay tại Hàn Quốc, ngày càng có nhiều bạn trẻ quyết định đổi tên khai sinh thành những tên gọi dễ phát âm hơn, với mong muốn tạo thiện cảm cho nhà tuyển dụng để có một công việc, theo The Chosun.

Trong tình trạng thất nghiệp hiện nay tại Hàn Quốc, ngày càng có nhiều bạn trẻ quyết định đổi tên khai sinh thành những tên gọi dễ phát âm hơn, với mong muốn tạo thiện cảm cho nhà tuyển dụng để có một công việc, theo The Chosun.

Trên 1,5 triệu thanh niên Hàn Quốc muốn đổi tên để dễ xin việc - Ảnh minh họa: Shutterstock

Một quan chức thuộc Tòa án gia đình ở Seoul nói: "Trung bình mỗi ngày chúng tôi nhận được 30 đơn yêu cầu thay tên và 10 người trong số họ có lý do xuất phát từ công việc”.

Trong năm 2005, Tòa án tối cao tại Hàn Quốc đã ban hành một quyết định mang tính bước ngoặt: mỗi công dân đều được phép thay đổi tên gọi trong giấy khai sinh, đây được xem như một quyền cơ bản của mỗi người.

Sau khi thông báo có hiệu lực, các tòa án rơi vào tình trạng quá tải trong việc tiếp nhận các hồ sơ đổi tên do bị sai chính tả khiến chủ nhân gánh chịu sự nhạo báng. Trước đó, việc đổi tên ở Hàn Quốc là điều cấm, trừ khi có lý do đặc biệt.

"Nhận thức của giới trẻ đã thay đổi, họ không còn cảm thấy việc gắn toàn bộ cuộc đời mình với tên gọi do cha mẹ đặt cho là điều quan trọng" - Ảnh minh họa: Shutterstock

Tờ The Chosun dẫn kết quả một cuộc thống kê cho biết, từ năm 2005 đến năm 2015, có hơn 1,5 triệu người Hàn yêu cầu đổi tên trong chứng minh thư. Để hoàn tất thủ tục đổi tên, mỗi người phải trả cho luật sư hoặc công chứng viên khoảng 1 USD tiền lệ phí.

Một quan chức tòa án cho biết: “Nhận thức của giới trẻ đã thay đổi, họ không còn cảm thấy việc gắn toàn bộ cuộc đời mình với tên gọi do cha mẹ đặt cho là điều quan trọng. Nếu cảm thấy tên đó phát âm quá dở, họ sẵn sàng thay đổi tên mình. Và xu hướng bạn trẻ thất nghiệp có nguyện vọng này ngày một lớn”.

The Chosun cho biết tòa án sẵn sàng phê duyệt yêu cầu của công dân miễn là người đó không có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Theo Lê Ái (Thanh Niên Online)