Cuộc sống sinh viên với nhiều thứ cần phải chi trả, từ tiền nhà trọ, tiền ăn, tiền đi lại cho đến tiền học tập. Mặc dù một số bạn sinh viên đã có ý thức đi làm thêm để chi trả bớt phần nào những chi phí trong cuộc sống, nhưng về mặt nào đó, các sinh viên vẫn còn phụ thuộc vào kinh tế gia đình. Chuyện mỗi tháng bố mẹ chuyển khoản nhưng sau đó nì nài xin thêm chút là chuyện "thường ngày ở huyện", thêm vài ba trăm cũng đủ mua thêm mấy thùng... mì gói sống qua những ngày lỡ tiêu xài hơi hoang phí.
Từ đây, đôi khi cũng xuất hiện đủ tình huống dở khóc dở cười. Chẳng hạn một nam sinh Trung Quốc mới đây chia sẻ tình huống khó đỡ của mình. Chẳng là khi lên năm 3, thanh niên này mới ngọt nhạt xin mẹ thêm 500k tiền sinh hoạt, thế nhưng lại vô tình "bóc phốt" chuyện bố đưa... thiếu tiền. Thật là xui cho ông bố.
Nam sinh nhắn: "Mẹ ơi bây giờ con cũng năm ba rồi, 1 tháng 3 triệu thực sự không đủ dùng đâu ạ. Tăng 500k được không?". Bất ngờ người mẹ trả lời: "Từ khi con lên năm 2, mẹ đã bảo bố cho con 4 triệu rồi mà. Chả lẽ ông ấy không cho con à". Tới đây thì thanh niên mới... chưng hửng. Không biết là ông bố sợ con tiêu xài hoang phí, muốn con học cách tiết kiệm, tự lập nên giữ lại bớt tiền hay có lý do gì, nhưng phen này gia đình cũng có chút xáo xào, tình cha con chắc có bền lâu.
Trên thực tế, thời gian sinh viên được tự do bay nhảy, sống độc lập nhưng nhiều bạn cũng "vỡ mộng" vì phải đối mặt với những vấn đề nhất là chuyện sinh hoạt luôn thiếu trước hụt sau. Bởi không phải gia đình nào cũng dư dả để chu cấp cho con đủ mức chi phí mà con mong muốn. Tuy nhiên, đối với sinh viên biết cách lên kế hoạch tiêu tiền hợp lý thì mỗi tháng đều có thể điều chỉnh mức sử dụng phù hợp để không bị thiếu hụt. Đừng đua đòi, chạy theo xu hướng “bạn bè có gì, mình phải có đó”, lúc đó 5 triệu hay bao nhiêu tiền cũng không đủ dùng. Bên cạnh đó, đa phần sinh viên cũng sẽ đi làm thêm để đỡ đần bố mẹ, không phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn chu cấp của gia đình.
Dung (Nguoiduatin.vn)