Giải pháp học trực tuyến được coi là tối ưu trong mùa dịch nhưng với những học trò miền cao, học online lại càng khó khăn vì điều kiện cơ sở vật chất chưa thể đáp ứng đầy đủ cho các bạn chuyên tâm học hành. Mạng miền núi thường rất yếu, không phải chỗ nào cũng có thể bắt sóng. Nhiều nơi phải đi lên ngọn đồi cao chênh vênh, vắng vẻ thì mới lấy mạng được. Đã có biết bao câu chuyện học trò miền núi lên đồi học online được dân tình chia sẻ ầm ầm thời gian qua.
Sú Seo Chung hiện là sinh viên năm 4 khoa Khoa học Quản lý của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Như biết bao sinh viên mùa dịch khác, Sú Chung cũng được nghỉ học dài hạn và tham gia vào các lớp học online. Ở nhà sóng mạng rất yếu nên anh chàng phải lặn lội mỗi ngày 10 km đường núi để đến nơi gần trụ sở xã đón sóng Wifi.
Sú Chung tâm sự: "Hồi nhỏ, mình đi bộ đến trường nên đã quen. Từ nhà đến nơi có sóng Internet, nếu lên dốc chỉ khoảng 40 phút, còn xuống dốc 25 phút. Khoảng 6h tối lại đi học về, chỉ ngại hôm nào có sương mà mưa thì đường trơn trượt khó đi lắm".
Cứ đều đặn như vậy, mỗi ngày Sú Chung lại vượt 10 km đường núi đi học. Chiều đi học thì sáng đi làm rẫy, hôm nào học cả ngày cậu bạn xin bố mẹ nghỉ làm để tập trung học. Chung không sợ về muộn, không sợ ở một mình mà chỉ sợ những hôm trời mưa bất thình lình, máy tính ướt hết thì biết lấy gì học.
"Tuần trước hầu hết hôm nào mình đi cũng bị mưa dưới này. Mưa lạnh ướt lắm nhưng chỉ sợ máy tính hỏng không có gì dùng nên chỉ biết bọc chặt lại. Có những bữa học hai ca liên tiếp thì máy tính hết pin không sạc được. Giáo viên cũng hiểu hoàn cảnh nên luôn tạo điều kiện cho mình nghỉ trước nếu gặp vấn đề".
Khi biết có một nam sinh phải học ở sườn đồi, UBND cũng tạo điều kiện cho cậu có chỗ ngồi trong trụ sở. Nhưng gần 2 tuần nay anh chàng vẫn ngồi ngoài học bởi tự biết bản thân vừa trở về từ Hà Nội, sợ sẽ lây nhiễm cho mọi người. Cậu bạn hồn nhiên chia sẻ: "Thấy mình mưa ướt nhiều quá, các anh cán bộ kêu mình vào trụ sở mà học. Nhưng vừa đi từ Hà Nội về cũng ngại mọi người lắm nên đợi hết cách ly mình sẽ xin một chỗ vào sau".
Cách đây 3 năm, Sú Chung là niềm tự hào của cả xã khi cậu bạn thành công đỗ một trường đại học trên thành phố. Ngày Chung đi học, bố mẹ cũng canh cánh trong lòng vì cả gia đình góp vào chỉ được vài đồng bạc, cùng lắm một năm đưa được 4-5 triệu cho con trai. Từ ngày lên thành phố mỗi năm Sú Chung chỉ dám về đúng 1 lần để tiết kiệm tiền cho bố mẹ.
Cậu bạn là người dân tộc đặc biệt ít người nên được miễn học phí nhưng để sống và duy trì ở Hà Nội, nam sinh phải đi làm thêm những việc như bốc vác, làm thuê cho nhà hàng hoặc ai nhờ gì làm nấy. Thu thập ít ỏi từ việc đi làm thêm và sự chắt chiu hàng ngày giúp Sú Chung duy trì việc học suốt 3 năm trên qua.
Sú Chung tâm sự điều áy náy nhất là thấy em gái phải bỏ học giữa chừng đi lấy chồng: "Nhiều bà con chỗ mình chỉ mong con học hết phổ thông rồi lấy vợ sinh con như bao trai làng khác. Nhìn em gái phải bỏ học rồi đi lấy chồng mình thương em lắm, cảm giác như mình gián tiếp tước đi quyền học của em. Mình sẽ cố học thay phần em, rồi nay mai kiếm được việc gì rủ em gái cùng làm cho bớt khổ".
Thế là chàng trai trẻ quyết định học thật tốt ngành Khoa học Quản lý để bắt đầu thực hiện nốt ước mơ dang dở. Giờ đây, Sú Chung đã sắp hoàn thành 3 năm đại học và chỉ còn một năm nữa để ra trường, cậu bạn đang rất gần để hoàn thành những dự định của bản thân trong tương lai.
Học online vất vả hơn những người bạn cùng trang lứa nhưng Sú Chung luôn cố gắng học vì hiểu rằng mình còn may mắn hơn nhiều người vì được đến trường, được theo đuổi ngành mình chọn. Cậu bạn luôn lạc quan rằng vài bữa lên lại thành phố mọi chuyện rồi sẽ ổn, việc học lại trở về bình thường. Cậu tin rằng mọi điều kiện sống chỉ là để thử thách lòng kiên nhẫn của con người và ước mơ học nốt phần em gái mình còn cao hơn những vấn đề cậu đang phải đối mặt.
Theo Vân Trang (Trí Thức Trẻ)