Sau mỗi mùa thi lớp 10 ở Hà Nội, phụ huynh và học sinh lại chìm đắm trong những tâm trạng khác nhau. Có tiếng cười hạnh phúc, sung sướng vì con thi đỗ ngôi trường mơ ước; nhưng cũng có giọt nước mắt buồn bã vì con thi trượt, chỉ thiếu một chút điểm nữa thôi là đã được vào công lập.
Mới đây, bài đăng trên mạng xã hội một nam sinh Hà Nội đã khiến nhiều phụ huynh phải bật khóc. Em cho biết, mình rất yêu mến ngôi trường THPT Yên Hoà, chiều nào đi học về cũng ghé qua trường. Chính vì vậy, trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10, em đã đặt NV1 vào trường này. Tuy nhiên may mắn không mỉm cười khi em thiếu 0,25 điểm để vào trường (Yên Hoà lấy 42,50).
"Con là một học sinh khá giỏi, điểm luôn đứng nhất nhì lớp. Vậy nên khi biết con trượt Yên Hoà, cả thầy cô lẫn bạn bè đều rất sốc và tiếc nuối. Con cố tỏ ra rằng mình ổn nhưng con rất buồn, nghĩ rằng "giá như mình cẩn thận hơn một chút…". Chỉ 0.25 điểm thôi nhưng dường như cả thế giới trước mắt con như sụp đổ. Con biết con là con một, nên bố mẹ kì vọng ở con rất nhiều, nam sinh cho hay.
Em chia sẻ, từ khi biết điểm, không khí gia đình chùng xuống. Trong khi thầy cô và bạn bè động viên, mong em học tốt ở NV2 thì ở nhà, bố mẹ "chẳng nhìn con lấy một lần".
"Bố mẹ cho rằng con là một đứa trẻ thất bại, chỉ mỗi việc ăn học cũng chẳng xong, rất tốn tiền của bố mẹ, chẳng thà về quê cho lành. Con chỉ biết lặng nghe và cắn rứt trong lòng. Con thậm chí chẳng nhận được một lời khen hay khích lệ từ họ - trong khi bố mẹ là người con yêu thương và tin tưởng nhất.
Con vẫn cảm thấy sụp đổ, nghi ngờ khả năng của bản thân. Con vẫn muốn được học tập, được giao lưu với bạn bè, còn bao nhiêu thứ con muốn trải nghiệm 3 năm tới. Nhưng bố cương quyết rằng con không có khả năng học tập, chỉ xứng hạng trường bét, không nên phí tiền bố mẹ", nam sinh kể lại.
Những chia sẻ của em sau đó thu hút rất nhiều bình luận từ các bậc phụ huynh. Không ít người để lại lời động viên nam sinh vượt qua nỗi buồn thiếu điểm để tiếp tục cố gắng học tập, phấn đấu ở ngôi trường mới. Thực tế, đạt được số điểm 42,25 cho thấy nam sinh có thành tích học tập rất tốt, chỉ là may mắn đã chưa mỉm cười với em. Dù vậy với số điểm ấn tượng như trên, nam sinh hoàn toàn có thể được tuyển vào lớp chọn của trường. Nếu giữ vững tinh thần học tập thì chuyện thi đỗ đại học top đầu là hoàn toàn bình thường.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng gửi gắm tới những bậc cha mẹ, không nên tạo áp lực quá mức cho con cái. Có lẽ vì quá hy vọng nên khi con không đạt được thành tích như mong đợi, cha mẹ của nam sinh này đã có những phản ứng tiêu cực.
Tuy nhiên cha mẹ nên nhớ rằng, đứa trẻ khi thi trượt đã rất đau buồn, suy sụp tinh thần. Việc chúng ta cần làm không phải là chê trách, chỉ trích thêm mà cần chia sẻ, đồng hành cùng con qua giai đoạn khó khăn này để hướng đến tương lai hơn. Những lời mắng mỏ của cha mẹ chẳng thể khiến con từ trượt thành đỗ, ngược lại chỉ khiến không khí gia đình rạn nứt, con mất niềm tin, hứng thú trong chuyện học và ngày càng trượt dài hơn. Trong nhiều trường hợp, trẻ thậm chí có thể nghĩ đến điều dại dột.
Hãy nhớ rằng: "Sau tất cả, ngày mai là một ngày mới!".
Theo Thanh Hương (Phụ Nữ Số)