Nam sinh Đường lên đỉnh Olympia trở thành tiến sĩ hàng không tại Pháp

27/11/2024 09:38:25

Từ một sinh viên đến kỹ sư và nay là tiến sĩ hàng không, Minh Nhật luôn ấp ủ giấc mơ được đóng góp vào sự phát triển của nền công nghiệp hàng không vũ trụ tại Việt Nam.

TS Tô Minh Nhật (SN 1996) hiện là kỹ sư cơ khí hàng không, chuyên về chế tạo động cơ máy bay tại Tập đoàn Safran (Pháp). Cách đây 8 tháng, Nhật tốt nghiệp tiến sĩ tại Viện Hàng không và Vũ trụ Quốc gia, ngôi trường danh giá số 1 nước Pháp về kỹ thuật hàng không vũ trụ.

“Ba năm trước, mình sang Pháp với 2 vali hành lý cùng một giấc mơ chinh phục bầu trời. Ba năm sau, mình có trong tay nhiều hành trang hơn, nhưng khát khao ấy vẫn chưa bao giờ nguội lạnh”, Nhật nói.

Nam sinh Đường lên đỉnh Olympia trở thành tiến sĩ hàng không tại Pháp
Tô Minh Nhật hiện là kỹ sư cơ khí hàng không (Ảnh: NVCC)

Chàng trai Quảng Ngãi vốn là cựu học sinh Trường THPT số 1 Đức Phổ. Nhật cũng là gương mặt từng giành vòng nguyệt quế, lọt vào vòng tháng trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. Vì yêu thích bộ phim “Iron Man” (Người sắt), Nhật dần có niềm đam mê với robot bay trên bầu trời. Vì thế, nam sinh quyết định thi vào Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TPHCM. 

Lọt nhóm những người có điểm cao, Nhật đăng ký vào chương trình đào tạo Kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp. Những năm đầu, chương trình học nặng về lý thuyết, số lượng tín chỉ lại gấp đôi hệ đại trà, có những tháng sinh viên “ngày nào cũng phải thi”. Việc học nhiều lý thuyết nhưng chưa được thực hành khiến Nhật chán nản, thậm chí có giai đoạn nghĩ “mình có nên thi lại đại học không”. 

Đến cuối năm thứ 2, khi bắt đầu kỳ thi chia chuyên ngành, Nhật lựa chọn ngành Kỹ thuật hàng không. Được đào sâu kiến thức về kỹ thuật chế tạo và tiếp xúc nhiều hơn với ngành, niềm đam mê của Nhật dần quay lại.

“Thời điểm ấy, mình được tiếp xúc với các thông số kỹ thuật của máy bay thực, đi thực tập tại một số công ty hàng không ở Đồng Nai, Bình Dương... Những kiến thức được tiếp cận càng khiến mình muốn gắn bó với nghề”, Nhật nói.

Nam sinh Đường lên đỉnh Olympia trở thành tiến sĩ hàng không tại Pháp - 1
Nhật cũng là gương mặt từng giành vòng nguyệt quế, lọt vào vòng tháng trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. (Ảnh: NVCC)

Cuối năm 4, nhờ thành tích học tập xuất sắc, Nhật là một trong hai sinh viên được lựa chọn sang Pháp thực tập 6 tháng tại ngôi trường liên kết với Bách khoa là Trường Cơ khí và Hàng không Quốc gia (Pháp). Tại đây, nam sinh Việt được làm việc trong lab nghiên cứu liên quan đến Cơ học chất lỏng. 

Dù vốn tiếng Pháp khi ấy chưa quá xuất sắc, Nhật vẫn quyết định bảo vệ khóa luận tốt nghiệp trước hội đồng Pháp bằng tiếng Pháp. Kết quả, nam sinh đạt được điểm tuyệt đối 20/20 và tốt nghiệp thủ khoa ngành với GPA 8.19/10.

Nam sinh Đường lên đỉnh Olympia trở thành tiến sĩ hàng không tại Pháp - 2
Chàng trai Việt lựa chọn làm tiến sĩ tại Viện Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Pháp. (Ảnh: NVCC)

Nhận thấy tiềm năng của học trò, cuối kỳ thực tập, vị giáo sư hướng dẫn Nhật ngỏ ý nam sinh nên ở lại làm tiến sĩ. Tuy nhiên, Nhật quyết định trở về Việt Nam, làm việc tại một công ty phần mềm tính toán mô phỏng của Thụy Sĩ liên quan đến lĩnh vực Cơ học kết cấu và vật liệu.

Suốt 1 năm đi làm, có nhiều điều về ngành Nhật mong muốn tìm hiểu nhưng chưa thỏa. Nghĩ rằng “nếu muốn tiến xa hơn trong sự nghiệp, phải đi học tiếp”, Nhật lại “tìm đường” học lên tiến sĩ. Từ năm 2020, 9X bắt đầu “rải” hồ sơ.

Việc tốt nghiệp thủ khoa giúp Nhật có nhiều lợi thế. Ngoài ra, Nhật có thêm thư giới thiệu của giảng viên chủ nhiệm bộ môn Hàng không và giáo sư hướng dẫn khi còn thực tập tại Pháp. Những đánh giá liên quan đến năng lực nghiên cứu, sự chủ động... giúp Nhật được nhiều giáo sư đồng ý nhận vào lab.

Chàng trai Việt sau đó lựa chọn theo học tại Viện Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Pháp ở thành phố Toulouse. “Đây là trụ sở của nhiều công ty hàng không. Nhờ vậy, mình có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với nền công nghiệp hàng không, mở ra những điều mình chưa từng thấy”, Nhật nói.

Cũng tại đây, Nhật có cơ hội đi trao đổi 1,5 năm ở một ngôi trường tại thành phố Tarbes. “Trước khi học tiến sĩ, mình xác định đây sẽ là một hành trình 'tự bơi'. Nhưng may mắn, các giáo sư hướng dẫn đều tận tình, theo sát mình trong công việc, luôn động viên học trò 'cố gắng lên, sẽ ổn cả thôi'. Do đó, hành trình ấy không còn quá áp lực”.

3 năm nghiên cứu tại 2 ngôi trường, Nhật có tới 6 vị giáo sư hướng dẫn trong 3 lab, chuyên về kết cấu - cơ khí, chất kết dính và vật liệu polime. Trước ngày Nhật bảo vệ luận án tiến sĩ, cả 6 giáo sư cùng nghe chàng trai người Việt thuyết trình nháp và sửa từng câu chữ chuẩn bị cho buổi thuyết trình quan trọng.

“Đó đều là những kỷ niệm và trải nghiệm tích cực về một môi trường thân thiện, cởi mở, sẵn sàng chia sẻ kiến thức với nhau", Nhật nói.

Nam sinh Đường lên đỉnh Olympia trở thành tiến sĩ hàng không tại Pháp - 3
Nhật cùng các thầy cô trong ngày bảo vệ luận án tiến sĩ. (Ảnh: NVCC)

Trước khi tốt nghiệp khoảng 6 tháng, giáo sư hướng dẫn đề xuất cho Nhật vị trí nghiên cứu sau tiến sĩ. Tuy nhiên theo Nhật, trong ngành kỹ thuật hàng không, khoảng cách giữa việc nghiên cứu và ứng dụng vốn khá xa nhau. Vì thế, 9X muốn đào sâu theo hướng ứng dụng.

Trong thời gian cuối làm tiến sĩ, Nhật nộp đơn vào một số công ty lớn về hàng không ở Pháp. Trong đó, Safran là công ty đầu tiên phỏng vấn và nhận Nhật vào làm ngay trước khi tốt nghiệp, ở vị trí kỹ sư cơ khí hàng không, chuyên về động cơ máy bay.

Có được công việc “như mơ”, Nhật cho rằng bản thân vẫn cần cố gắng trau dồi, khám phá thêm nhiều khía cạnh khác nhau của lĩnh vực kỹ thuật chế tạo.

“Càng ra ngoài nhiều, mình càng cảm thấy bản thân biết ít, chỉ mong trở thành một con ếch với đôi chân khỏe, có thể nhảy khỏi miệng giếng để đến một cái giếng rộng lớn, được ngắm nhìn bầu trời rõ hơn. Mình mong muốn trau dồi thêm tư duy và kiến thức để có thể đóng góp ít nhiều vào nền công nghiệp hàng không vũ trụ tại Việt Nam một ngày không xa”, Nhật nói.

Theo Thúy Nga (VietNamNet)