Đại học Bách Khoa Hà Nội (HUST) từ lâu đã trở thành ngôi trường mơ ước của các bạn học sinh, sinh viên bởi chất lượng đào tạo hàng đầu Việt Nam. Đặc biệt, với các trường đại học có khối ngành kỹ thuật, khối ngành công nghệ thông tin lọt top nhất nhì cả nước, Đại học Bách Khoa Hà Nội luôn tự hào vì được xem là "ứng cử viên nặng ký" cho ngôi vị quán quân về bề dày kinh nghiệm dạy và học vượt trội, tiến bộ.
Bách Khoa sở hữu dàn nam sinh áp đảo, một trong ba ngôi trường đình đám của khối Bách Kinh Xây, nơi xuất bản những câu nói làm nên thương hiệu: "Bách Khoa học nhàn lắm, vào đây còn được phát gấu và ra trường cực dễ!". Nhưng thực tế, nếu không nghiêm túc, chăm chỉ học hành thì chuyện rớt môn xảy ra như cơm bữa, nguy cơ bị đuổi học cực cao, mỗi năm nhà trường sẽ làm "một cái lễ tốt nghiệp sớm" cho 600-800 sinh viên.
Tuy nhiên, người ta vẫn biết đến Bách Khoa với danh sách các nhân tài sở hữu thành tích học tập siêu khủng, là niềm tự hào của thầy và trò nhà trường. Quả thực, học Bách Khoa mà đạt bằng Giỏi, bằng Xuất sắc, bảng điểm full A thì không phải dạng vừa đâu.
Chủ nhân của tấm bằng đáng ngưỡng mộ này có tên Nguyễn Hữu Dũng, sinh năm 1996, cựu sinh viên K59, lớp Kỹ thuật Máy tính, viện CNTT&TT, ĐH Bách Khoa Hà Nội. Hiện tại anh đang là kỹ sư phần mềm cho DZS Việt Nam, một site của công ty Global Dasan Zhone Solutions.
Hữu Dũng cho biết: "Mình khá bất ngờ và đôi chút ngại khi bảng điểm bỗng lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội vì mình biết trong đợt vừa rồi còn rất nhiều bạn xuất sắc hơn mình. Và mình tin mỗi bạn đều có một phương pháp học tập khác nhau. Điều quan trọng nhất là sự kiên trì với kế hoạch mình đặt ra, cố gắng thực hiện từng bước từng bước một, phương pháp của mình khá đơn giản nhưng lại đặc thù và thích hợp với bản thân."
Anh chàng chia sẻ thư viện Bách khoa có một kho tàng tài liệu vô cùng lớn. Hầu hết các bạn sinh viên năm đầu thường gặp khó khăn khi học môn học đại cương, nhiều môn học cảm giác như cả một chân trời mới, nơi những kiến thức hồi cấp 3 chỉ còn là dĩ vãng. Để làm quen nhịp sống và áp lực mà các môn đại cương mang lại, Hữu Dũng đã mua đề cương, tham khảo đề thi năm trước; vạch ra phần trọng tâm, tập trung ôn với 60% thời lượng học, các phần còn lại 40%. Nắm được chiến lược học tập hiệu quả thì nhất định các môn đại cương sẽ không còn là trở ngại lớn.
Ở Bách Khoa, mỗi bạn sẽ rút ra cho mình những quan điểm, cảm nhận khác nhau về con đường học tập: có người buồn chán, có người thất vọng, có người yêu cảnh quan, con người, thầy cô, các cuộc thi,... Và điều mà các môn học mang lại cho anh chàng là sự kiên trì và chăm chỉ. Nhưng Bách Khoa không sinh ra để đào tạo riêng sự chăm chỉ, nghiên cứu chuyên ngành mới thực sự tạo nên sức hút. Việc học tập trên trường đối với các bạn sinh viên chưa bao giờ đủ, môi trường này còn đặc biệt coi trọng các dự án thực tế, các công ty thực tế, các công việc và môi trường thực tế.
"Bản thân có cơ hội thực tập ở Trung tâm Nghiên cứu công nghệ mạng Viettel, một sinh viên năm 3, hai bàn tay trắng, lấy gì để các công ty cho mình làm. Tuy nhiên mình may mắn được các anh phụ trách dạy lại từ đầu, điều đó thôi thúc mình trên con đường sự nghiệp. Mình đã biết sau này mình cần làm gì nên khi quay trở lại trường học tập, mình tập trung tối đa kỹ năng, tối đa tâm huyết vào những môn mà mình nghĩ cần thiết cho sự nghiệp, chọn dự án liên quan đến công việc, chọn ngôn ngữ code liên quan đến công việc.", cựu sinh viên ĐH Bách Khoa tâm sự.
Hữu Dũng nói: "Học tập cả chặng đường dài 4-5 năm, điều làm mình cảm thấy áp lực và khó khăn nhất chính là cái bóng của các anh chị thành công đi trước. Họ có sự nghiệp, họ thành công, họ được mọi người nhắc đến, bàn tán với một sự ngưỡng mộ còn với sinh viên, mình nghĩ 90% sinh viên học hết năm 3 vẫn chưa biết sau này mình làm gì, phải tập trung học cái gì. Mình cũng vậy, mình không gặp khó khăn trong việc học các môn, điều khó khăn là chọn cho mình một con đường để đi theo lĩnh vực nào, làm gì, sẽ nghiên cứu hay phát triển,... liệu mình có chọn sai con đường hay không?"
Cựu sinh viên HUST cho biết thêm các anh chị trong gia đình từng là những sinh viên Bách Khoa, họ đều đang thành công và có sự nghiệp. Anh chàng chọn Bách khoa đa phần là vì ngưỡng mộ anh chị nhưng sợ sẽ làm mọi người thất vọng nên luôn cố gắng hết sức.
"Với sinh viên mới ra trường, kiến thức thực tế là thứ thiếu sót khá nhiều. Mình phải tự cố gắng hơn nữa để trau dồi và có thể hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Khá may mắn, hiện tại mình được làm việc ở team Switch, công ty DZS Việt Nam, một team trẻ và đầy năng lượng, mọi người đã giúp đỡ mình rất nhiều để mình có thể vượt qua chính bản thân mình khi mới ra trường.
Đợt Covid-19 vừa rồi đã ảnh hưởng khá nhiều đến bọn mình, liên quan tới việc cắt giảm nhân sự. Các công ty sẽ hạn chế tối đa cho việc tuyển và đào tạo các bạn mới, đợi công ty ổn định trở lại, mình thấy khá tiếc và hơi buồn. Nhưng, điều đó cũng mở ra khá nhiều cơ hội cho những công ty đã phát triển mạnh mẽ trong đợt dịch, điển hình như Amazone và các công ty đối tác, một vài bạn mình biết đang thực tập cho các công ty này, các bạn đều được tăng lương và trọng dụng khi công ty phát triển.", 9X cho hay.
Hiện tại anh chàng vẫn cố gắng trau dồi, đặc biệt là các kỹ năng liên quan đến ngành mình theo đuổi, học thêm tiếng Anh để có thể tiếp thu hiệu quả các ý tưởng, phương pháp từ các cố vấn, quản lý của Hàn và Mỹ.
Theo Diệu Thu (Tổ Quốc)