Đầu năm 2018, Nguyễn Nam Việt nhận được thư báo trúng tuyển trong đợt tuyển sinh sớm của Đại học Tufts với mức hỗ trợ tối thiểu 240 nghìn USD (gần 5,5 tỷ đồng) bao gồm toàn bộ học phí và một phần chi phí ăn ở trong 4 năm. Trường thuộc top 30 của Mỹ, nổi tiếng trong đào tạo ngành Quan hệ quốc tế và là một trong bảy trường có học phí đắt nhất nước Mỹ, theo số liệu của The Chronicle of Higher Education và U.S. News.
Là thủ khoa đầu vào cấp hai và cấp ba trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Nguyễn Nam Việt không phải cái tên xa lạ với nhiều học sinh. Thầy Mai Xuân Thắng, giáo viên chủ nhiệm, đánh giá Việt không chỉ chăm ngoan, học tốt mà còn rất tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa.
"Việt đam mê Khoa học tự nhiên, tiếng Anh và thể thao. Em là thành viên đội tuyển Toán 12 của Hà Nội thi học sinh giỏi quốc gia", thầy Thắng thông tin.
Nam sinh sinh năm 2000 còn sớm giành nhiều giải thưởng quốc tế về Toán học, như: huy chương Bạch kim kỳ thi Toán châu Á - Thái Bình Dương năm 2012; giải nhất kỳ thi Olympic Toán HOMC năm 2014 và 2016. Em từng làm trợ giảng hướng dẫn các đoàn học sinh THCS tham gia nhiều kỳ thi Toán quốc tế như IMSO, IMC, CFM.
Sớm đặt mục tiêu du học, Việt đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho các kỳ thi chuẩn hóa từ năm lớp 10. Kết quả, em giành 1500/1600 điểm SAT, 35/36 điểm ACT, SAT II Toán và Lý ở mức tuyệt đối 800/800, TOEFL 111/120 điểm.
Dành nhiều thời gian ôn thi chuẩn hóa nhưng Việt chỉ bắt đầu làm bài luận - yếu tố quyết định còn lại giúp em vượt qua hàng nghìn ứng viên, trước hạn cuối nộp hồ sơ khoảng ba tháng. Việt cho biết tháng 7/2017, em bắt đầu nghĩ tới một số ý tưởng cho bài luận chính 650 từ và đến cuối tháng 10 thì hoàn thành.
"Em kể chuyện hồi nhỏ rất thích bộ đồ chơi xếp hình và thường xuyên mày mò lắp ghép thành những khối hình mới khác với hướng dẫn. Thời đó, em thấy nó rất đẹp và thú vị. Nhưng khi lớn lên, cảm nhận thay đổi, bộ đồ chơi khá cồng kềnh. Từ thực tế đó, em dẫn dắt bài luận đến định nghĩa về sự hoàn hảo khi đánh giá con người", Việt chia sẻ và tự đánh giá bài luận hoàn chỉnh, góp phần thuyết phục hội đồng tuyển sinh.
Nói về lý do chọn Đại học Tufts, Việt cho biết khi nộp hồ sơ cũng suy nghĩ đến những trường khác trong khối Ivy như Đại học Columbia hay trường kinh tế của Đại học Pennsylvania. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu về cam kết nhập học và hỗ trợ tài chính, Việt quyết định chọn Tufts.
"Em quen nhiều cựu sinh viên Đại học Tufts, trong đó có cả cựu sinh trường Ams. Họ cho em nhiều tư vấn. Tufts khá hào phóng trong vấn đề tài chính với sinh viên. Trường lại gần Boston, nơi em có thể tìm kiếm những công ty tốt để thực tập", Việt nói và thông tin những lý do này được em đưa vào bài luận phụ trong hồ sơ gửi trường.
Học giỏi Toán nhưng Việt luôn ý thức Toán chỉ là công cụ rèn luyện khả năng tư duy, xử lý tình huống, đạt điểm số và giải thưởng. Nó là bước đầu hoạch định tương lai chứ không phải yếu tố duy nhất để em căn cứ lựa chọn nghề nghiệp.
Với suy nghĩ đó cùng bản tính hướng ngoại, Việt thường xuyên tìm hiểu những ngành học mang tính ứng dụng cao. Em quyết định đăng ký song song hai ngành Quan hệ quốc tế và Kinh tế trong bốn năm tại Đại học Tufts với mong muốn trở thành nhà ngoại giao am hiểu về kinh tế, hoặc nhà kinh tế am hiểu về ngoại giao thay vì một trong hai.
Theo Dương Tâm (VnExpress.net)