Muôn nỗi khổ của giới trẻ theo nghề làm tóc

23/08/2015 08:27:32

Không chỉ đơn giản là cầm đồ nghề và cắt tóc, những "tay kéo" thực tế còn phải trải qua nhiều thăng trầm, phấn đấu để có phong cách riêng và được khách hàng tin tưởng.

Không chỉ đơn giản là cầm đồ nghề và cắt tóc, những "tay kéo" thực tế còn phải trải qua nhiều thăng trầm, phấn đấu để có phong cách riêng và được khách hàng tin tưởng.

Phần lớn thợ làm tóc nổi tiếng hiện nay đều đến với nghề khá tình cờ. Họ tiếp xúc, làm quen với công việc này trong những thời điểm khó khăn, lúc đang loay hoay chưa có định hướng về nghề nghiệp.

Cali Phạm - "tay kéo" quen mặt của hot teen Hà thành - cho biết, chính bố mẹ là người gợi ý anh theo nghề cắt tóc sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Càng học, chàng trai sinh năm 1987 càng yêu nghề và đam mê bắt đầu trỗi dậy.

Vũ Hoàng - thợ cắt tóc sinh năm 1992 tại TP HCM - chia sẻ rằng, học xong cấp 3, vì còn mải chơi nên anh quyết định tìm việc làm thêm để kiếm thu nhập, trang trải cuộc sống. Trước khi đến với nghề làm tóc, Vũ Hoàng từng trải qua nhiều công việc khác nhau, từ phục vụ bàn tới công nhân gỗ. Sau một thời gian, anh cảm thấy không ổn định, do đó đã xin người anh họ cho đi theo học nghề tóc.

Còn với Thanh Monaco, anh phải vượt qua định kiến của xã hội và sự ngăn cản từ gia đình để theo đuổi đam mê làm tóc. Năm học lớp 10, Thanh quyết định không thi đại học mà dành thời gian học cắt tóc. Theo 8X, cắt tóc là ước mơ anh đã ấp ủ từ lâu.

"Bố tôi từng phản đối kịch liệt vì trong mắt ông, thợ cắt tóc là những kẻ “a-ma-tơ”, học hành chẳng ra gì, không đỗ ĐH và có máu chơi bời, ăn diện" - Thanh Monaco cho biết.

Chí Tâm theo nghề làm tóc hơn 10 năm. Dù đã thành thạo, anh vẫn không ngừng học hỏi từng ngày để tạo ra nhiều kiểu tóc mới cho khách hàng. Ảnh: Chí Tâm.


Vạn sự khởi đầu nan

Trong thời gian đầu tiếp xúc với nghề, các "tay kéo" phải trải qua nhiều thử thách, khó khăn trước khi đạt được thành công như hiện tại. Chí Tâm cho biết, dù đã theo nghề được hơn 10 năm, anh vẫn không ngừng học hỏi để nâng cao khả năng. Anh từng học ở một salon nhỏ, đi làm thử 3 tháng, đúc kết kinh nghiệm từ bạn bè và tìm tòi trên mạng... Đến tháng 10/2013, anh mới chính thức được đào tạo chuyên nghiệp từ cô giáo Trần Thu Hằng.

Riêng Thanh Monaco, anh có cách học nghề khá độc đáo và sáng tạo. Gia đình nghèo, không thể sắm cho anh cây kéo tốt hay đầu ma-nơ-canh nên anh tự chế đồ nghề từ cột trụ lan can trong nhà. Tóc được chàng trai này thiết kế từ những sợi dây ni lông xé nhỏ. Cứ thế, Thanh đam mê cắt tóc đến quên ăn, quên ngủ, thậm chí anh còn tập cắt thử trên cả... lông gà, lông vịt.

Trong khi đó, Cali Phạm lại chọn việc vừa học vừa làm để trang trải cuộc sống, vì thời điểm đó, trường lớp dạy làm tóc chuyên nghiệp khá ít, mà học phí lại lên đến 1.000-2.000 USD. Theo anh, dù có người dẫn dắt, bản thân vẫn phải tự tìm tòi. Học xong, chàng trai sinh năm 1987 bắt đầu đi làm ở một số nơi để lấy thêm kinh nghiệm và nuôi sống chính mình.

Cali Phạm là "tay kéo" nổi tiếng ở đất Hà thành. Ngoài cắt tóc, anh còn gây chú ý bởi gu ăn mặc cá tính, nổi loạn với trang phục "đen toàn tập". Ảnh: Cali Phạm.


Gây dựng thương hiệu từ hai bàn tay trắng

Để trở nên nổi tiếng và được nhiều khách hàng tin tưởng, các thợ làm tóc đã gây dựng thương hiệu từ chính chất lượng sản phẩm và sự chuyên nghiệp trong cách làm việc. Thanh Monaco cho biết, anh tập trung đầu tư về chất lượng, không chạy theo số lượng. Mỗi ngày, anh chỉ cắt đúng 6 đầu và trung bình thu nhập của anh là 50 triệu mỗi tháng.

Thanh Monaco chia sẻ thêm, nghề cắt tóc cần sự sáng tạo, mà sáng tạo phải có thời gian nên việc anh kén chọn khách hàng là cách thể hiện thái độ làm việc nghiêm túc. 8X thu tiền dựa trên mức độ hài lòng của mọi người. Khách hoàn toàn hài lòng, Thanh Monaco sẽ thu theo giá quy định. Ngược lại, họ được quyền “miễn trả công” nếu không ưng ý với dịch vụ của tiệm.

Với kinh nghiệm 9 năm làm tóc cho các gương mặt trẻ đình đám ở thủ đô như Quỳnh Anh Shyn, B Trần, Justatee… Cali Phạm tâm sự rằng, chính uy tín trong cách chăm sóc khách hàng khiến họ tin tưởng và giới thiệu lại cho bạn bè, người thân đến tiệm anh làm tóc.

Anh thật thà cho hay, thời gian đầu, anh không quen người nổi tiếng và cũng không bao giờ nghĩ sẽ có cơ hội làm việc với hot teen. Chàng trai tâm niệm, chỉ cần mình làm việc, nói chuyện như bạn bè và tạo ra sản phẩm hợp gu, mọi người sẽ thoải mái hơn khi ghé tiệm.

Vũ Hoàng hiện làm việc trong một tiệm cắt tóc ở quận 3, TP HCM. Trong ảnh, 9X chụp ảnh cùng Ngô Kiến Huy sau khi cắt tóc cho nam ca sĩ. Ảnh: Vũ Hoàng.


Nghề nào cũng có lúc vui lúc buồn

Mỗi nghề nghiệp đều có những thăng trầm riêng, nhất là ngành dịch vụ khi "khách hàng là thượng đế", "chín người mười ý". Cali Phạm nói vui rằng, anh đang theo đuổi nghề "làm dâu trăm họ". Bên cạnh những lời khen, tin nhắn cảm ơn khiến anh hạnh phúc và có động lực để tiếp tục phát huy, vẫn có không ít lời phê bình, góp ý khiếm nhã, dù chỉ gián tiếp song cũng đủ để anh buồn, chạnh lòng.

Chàng trai Hà thành ngậm ngùi cho biết: "Nhiều khi, mình làm đúng kiểu tóc họ muốn nhưng do chất tóc không hợp nên sản phẩm tạo ra không đạt được sự hoàn hảo. Đã thỏa thuận trước nhưng khi về nhà, chỉ cần một lời chê từ người thân cũng làm họ trở nên nhạy cảm. Đa phần khách sẽ tìm giải pháp trút giận, chia sẻ lên mạng xã hội hoặc không quay lại nữa".

Còn với Vũ Hoàng, anh khá buồn lúc mới vào nghề. Vì chưa thành thạo nên khi làm, anh còn mắc lỗi và bị chủ tiệm, khách hàng phàn nàn, la mắng. Tuy nhiên, 9X vẫn say mê với công việc này khi được làm cùng những người đồng nghiệp trong một môi trường hòa đồng, gắn bó và cùng tạo ra nhiều kiểu tóc mới đẹp mắt, hợp ý khách hàng.

Bên cạnh vấn đề chuyên môn, nghề làm tóc cũng nảy sinh nhiều chuyện dở khóc, dở cười, khiến các "tay kéo" chỉ biết lắc đầu khi nhắc đến. Anh Tony Dự - hiện làm chủ hai tiệm tóc nổi tiếng ở khu vực miền Trung - cho biết, anh từng phải đối mặt với thời kỳ khủng hoảng khi cân đối tài chính để có thể vừa trả lương thợ, vừa đủ tiền thuê mặt bằng mà vẫn dư dả cho bản thân.

"Khó khăn với người khác có thể là cơ hội cho mình, nếu biết tận dụng. Theo tôi, mở tiệm thì dễ nhưng quản lý và phát triển nó mới khó. Tôi tự tin làm điều đó vì bên cạnh tôi luôn có chị gái, em trai và những cộng sự đắc lực giúp đỡ" - Tony Dự trải lòng.

Mỗi ngày, Thanh Monaco chỉ cắt tóc đúng cho 6 khách hàng. Ảnh: Thanh Monaco.


Theo nghề làm tóc dễ hay khó?

Hiện nay, nhiều bạn trẻ bắt đầu yêu thích và tìm hiểu công việc làm đẹp này. Dù chưa có trường lớp dạy chính quy về nghề cắt tóc, một số trung tâm vẫn mở các khóa đào tạo ngắn hạn cho những ai quan tâm, muốn theo đuổi.

"Nghề nào cũng có cái khó riêng, quan trọng là mình tiếp nhận như thế nào và biết kiên trì học tập sẽ nhanh chóng làm được thôi" - Vũ Hoàng nói.

Ngoài việc làm tóc, Cali Phạm hiện còn nhận thêm một số học viên để truyền nghề. Anh cho biết, không quảng cáo hay đăng tin đào tạo nhưng các bạn trẻ vẫn tự tìm đến anh. Hướng đi trong tương lai của anh là mở học viện dạy làm tóc, có thể không bằng các mô hình đi trước ở nước ngoài nhưng phải đủ độ chuyên nghiệp và không màng lợi nhuận.

Còn với Tony Dự, khó khăn lớn nhất của nghề này là sự tự tin thể hiện, sáng tạo ra những cái mới. Vượt qua cái khó này, tất cả sẽ trở nên đơn giản. "Nghề này nằm ở chính người làm nghề. Mỗi con đường đều có những gai góc, điều quan trọng là chúng ta có cố gắng vượt qua không? Một khi đã vượt qua rồi, sẽ có nhiều cơ hội để vươn tới đích cao hơn" - anh nói.

Riêng Thanh Monaco, anh cho biết, nghề làm tóc - học của người khác chỉ là một, còn tự tìm tòi mới thành mười. "Nếu chỉ bắt chước, không am hiểu tận gốc về tóc, màu sắc... thì người thợ không thể sáng tạo được. Thay vì chỉ học lấy một số kiểu cắt, vài cách pha màu, uốn nhuộm rồi mở cửa hàng, tôi thường tự viết cho mình những cuốn giáo trình bài bản về từng chi tiết nhỏ trong nghề" - 8X đưa ra lời khuyên.
 
>> Chủ tiệm kể chuyện xăm tên Công Phượng cho Hòa Minzy
>> Sốc với gương mặt thẩm mỹ như mặt rắn của chàng trai 9x
Theo Tuấn Phong (Zing.vn)

Nổi bật