Mùa hè, mùa du lịch, mùa tốt nghiệp, ra trường của hàng triệu sinh viên năm cuối, và cũng là mùa…thất nghiệp!
Thân gửi các em sinh viên!
|
Mùa hè, mùa tốt nghiệp của hàng triệu sinh viên, và cũng là mùa... thất nghiệp. Ảnh minh họa |
Và này, họ sợ sự ngơ ngác đến ngớ ngẩn của các em lắm đấy các em có biết không? Nhiều khi chính sự “ngây thơ” của các em làm chọ họ phát rồ và cảm thấy mất niềm tin vào những con người thiếu và yếu đủ thứ như vậy.
Từ “Giá như” được sử dụng vô cùng nhiều, như một cách để tự an ủi và ngụy biện cho bản thân. Nhưng khi cận kề với thử thách rồi, sẽ là quá muộn nếu em chưa chuẩn bị hành trang gì cho bản thân. Chẳng còn thời gian cho em trau dồi thêm kiến thức, kinh nghiệm sống (cái này cần thời gian để trưởng thành), học hỏi thêm kỹ năng mềm, tạo dựng các mối quan hệ, tự tin vào bản thân,... Nếu các em có đầy đủ các yếu tố vừa rồi thì quá tuyệt: Chúc mừng các em! Cứ tự tin bước đi thôi, không sớm thì muộn các em cũng khẳng định được vị trí và năng lực của mình. Nhưng với những ai đang chênh vênh chấp chới, cái gì cũng chỉ có một chút, hoặc thậm chí là chẳng có gì, thì quả thật bốn, năm năm đại học trôi qua vô ích quá! Chỉ biết chúc các em “may mắn” dù biết may mắn chẳng bao giờ đến với những người lười biếng cả.
Dù thời buổi bây giờ người khôn của khó, nhưng những tài năng thực sự vẫn chứng minh rằng họ chưa bao giờ không được trọng dụng cả. Và cũng có thể, bài học đầu tiên trên đường đời của các em là “Thành công bị trì hoãn” để xem ai là người kiên định vượt qua, ai là người bỏ cuộc chọn cách dễ dàng hơn. Chỉ là một thử thách nhỏ trong cuộc đời rộng lớn này thôi các em ạ. Vậy nên mong các em luôn cố gắng hết sức để đạt được mục tiêu của mình, dù theo đường vòng hay đường thẳng, quan trọng là đến được đích, phải không?
Thân gửi các nhà tuyển dụng!
Nói thật nhiều lúc cũng bức xúc lắm với kiểu tuyển dụng của các vị lắm. Ai cũng biết các vị kinh doanh, hoạt động thì đồng tiền bỏ ra càng mất ít chi phí cơ hội càng tốt, nhưng các vị có tính đến cái “chi phí cơ hội ngầm” mà các vị có thể bỏ lỡ không? Ở đây tôi xin phép không nhắc đến chuyện mua quan bán chức, vì chuyện đó không đáng bàn, chỉ cần tiền và quan hệ là được. Tôi muốn đề cập đến chuyện có rất nhiều bạn sinh viên ra trường, có tư chất tốt, nhưng thiếu kinh nghiệm sống cũng như trong công việc mà các vị yêu cầu thì không đủ điều kiện trúng tuyển. Ô hay! Họ mà từng trải, mà kinh nghiệm đầy mình, mà nghiệp vụ chuyên môn giỏi, thì họ có cần phải đi xin việc không hay việc phải tự đi “xin” họ?
Đồng ý các vị rất ngại phải mất thời gian tiền bạc đào tạo những nhân viên mới, nhưng ở các nước khác, ngay gần chúng ta nhất là Hàn Quốc, họ tuyển dụng và đào tạo một cách chuyên nghiệp, sau đó những nhân viên này đang cống hiến hết sức mình cho họ một cách chuyên nghiệp đó thôi. Nếu các vị không tôn trọng và đánh giá cao tiềm năng các ứng viên mang lại thì các vị đang bỏ lỡ một nguồn năng lực quý đấy.
Tôi không chuyên về mảng nhân sự như các vị, nên có thể những suy nghĩ của tôi các vị cho là thiếu sót, nông cạn. Nhưng tôi rất tâm đắc với một câu bức xúc của ai đó như thế này: “Muốn sinh viên ra trường có kinh nghiệm chẳng khác nào lấy một cô vợ còn trinh mà đòi làm tình giỏi”. Thật nực cười quá!
Theo Linh Đan (Nguoiduatin.vn)