Đi làm thêm là câu chuyện chẳng còn gì xa lạ với sinh viên nữa nhưng đi làm thêm bao nhiêu là đủ, làm thêm như thế nào để không ảnh hưởng đến việc học hành thì vẫn là những câu hỏi gây bàn cãi mà chưa ai có thể đưa ra một phương án thỏa đáng.
Ai cũng có một lý do khi đi làm thêm: Kiếm tiền trang trải học tập, tiêu vặt, phụ giúp gia đình, đi làm thêm lấy kinh nghiệm, đi làm thêm vì có quá nhiều thời gian rảnh hay đi làm vì chúng bạn đi làm hết rồi. Thế nhưng một thực tế chung mà nhiều sinh viên gặp phải sau khi bắt đầu đi làm thêm chính là "thích làm hơn học".
Đi làm thêm nhiều đến nỗi quên cả việc học
Nghĩ có vẻ vô lý vì đi làm phải chịu áp lực và mệt mỏi hơn nhiều so với đi học, vậy sao lại có những sinh viên mải miết đi làm thêm đến nỗi không có thời gian đảm bảo việc học hành, thậm chí sẵn sàng bỏ một vài tiết học để đi làm thêm.
Câu trả lời chính là những giá trị có thể nhận được ngay khi đi làm thêm. Nhiều bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chu cấp không đủ để đóng học phí và duy trì cuộc sống ở thành phố đắt đỏ, thậm chí có những bạn phải tự lập hoàn toàn và gửi tiền về phụ giúp gia đình. Đi làm thêm là cách duy nhất để giải quyết bài toán về tiền bạc. Càng làm thêm nhiều càng có thêm thu nhập. Với những trường hợp như vậy, việc xử lý áp lực tài chính thường trực trước mắt có phần quan trọng hơn so với việc duy trì một kết quả học tập ổn định.
Thế nhưng có những sinh viên dù không thiếu thốn gì nhưng vẫn mải miết đi làm thêm? Đó là những bạn may mắn tìm được một công việc phù hợp, bản thân cảm thấy thực sự yêu thích mà mức thu nhập cũng rất khả quan. Những yếu tố đó khiến cho việc đi làm trở nên hấp dẫn hơn so với những giờ học có phần nhàm chán trên giảng đường. Niềm vui khi có thu nhập và được chi tiêu thoải mái hơn, được thỏa mãn nhiều sở thích riêng khiến không ai muốn từ bỏ việc làm thêm để tập trung toàn tâm toàn ý vào việc học hành cả.
Vòng luẩn quẩn đi làm thêm lấy tiền học lại
Chỉ cần không tập trung hay nghỉ học quá số buổi quy định thì một sinh viên sẽ cầm chắc vé học lại trả nợ môn. Không ít người đã nhăn nhó kể rằng vì đi làm thêm mà không đi học đầy đủ, dẫn đến trượt môn, và bây giờ lại phải tiếp tục đi làm thêm để có tiền học lại. Cứ thế, những năm tháng sinh viên quay vòng với việc đi làm, mất tập trung, trượt môn, học lại, đi làm để đóng học phí học lại. Lịch học, lịch làm vì thế mà chồng chéo lên nhau đến mức có nhiều bạn còn phải học lại một môn vài lần do vẫn tiếp tục nghỉ các buổi học cải thiện để đi làm thêm.
Một câu chuyện nữa cũng không phải là hiếm. Nhiều sinh viên sau khi đi làm thêm một thời gian bỗng quyết định bỏ dở việc học, chấp nhận không thể tốt nghiệp và không có bằng đại học để đi làm toàn thời gian. Mặc dù mọi quyết định đều có lý do và đều hợp lý tại thời điểm được đưa ra, nhưng liệu việc đánh đổi chi phí học hành nhiều năm liền và không ít công sức đã bỏ ra để lấy một công việc ngay lập tức có thực sự xứng đáng hay không trong khi ai cũng biết rằng hoàn thành việc học đại học sẽ mang đến những cơ hội tốt và rộng mở hơn rất nhiều.
Nhiều người trách sinh viên không biết quản lí thời gian, không ý thức về tầm quan trọng của việc học. Thế nhưng để vừa học tốt, vừa độc lập về tài chính mà vẫn trang bị đủ kinh nghiệm để tự tin xin việc khi ra trường là điều không dễ thực hiện chút nào. Đối diện với những áp lực từ nhiều phía, chỉ có sinh viên mới hiểu được những khó khăn để có thể đạt được sự cân bằng hoàn hảo giữa đi học và đi làm.
Có lẽ bài toán làm sao để chấm dứt tình trạng đi làm thêm quên cả học hành hay học đi học lại vì mải làm thêm sẽ không có một lời giải hoàn hảo nào cả. Điều quan trọng nhất là kỹ năng quản lý thời gian, nguồn lực của riêng mỗi người. Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích nhất để việc đi làm không ảnh hưởng quá nhiều đến học tập:
- Xác định rõ đâu là điều quan trọng nhất cần phải ưu tiên. Đương nhiên, việc học luôn phải là ưu tiên số một. Hãy nhớ việc làm thêm nhằm giúp cho việc học được tốt hơn chứ không phải đánh đổi chuyện học hành để đi làm thêm. Nếu khả năng tài chính không cho phép, tại sao bạn không thử nghĩ đến việc bảo lưu một kỳ hay một năm để đi làm, tiết kiệm một khoản dành riêng cho việc học và sau đó hãy dành sự ưu tiên và đầu tư nhất để có một kết quả học tập tốt.
- Hãy lựa chọn công việc làm thêm có chọn lọc. Đừng làm bất cứ công việc gì. hãy tính toán về thời gian bạn phải bỏ ra và những gì sẽ nhận được, không chỉ có thù lao mà còn kinh nghiệm và sự phù hợp với ngành bạn đang học. Một công việc không phù hợp sẽ khiến bạn mất thời gian và ảnh hưởng không đáng đến việc học hành.
- Nghiêm túc với bản thân. Khi quyết định tìm kiếm công việc làm thêm, rõ ràng quỹ thời gian của bạn so với những sinh viên chỉ tập trung hoàn toàn vào việc học sẽ ít hơn. Vậy nên, bạn phải có kế hoạch, thời gian biểu cho từng công việc cụ thể. Và điều quan trọng là, kế hoạch lập ra không phải để đấy, sinh viên cần nghiêm túc và có ý thức tự giác để hoàn thành nó. Chỉ có như vậy, bạn mới có thể thực hiện được từng phần việc một và hoàn thành mọi việc đúng deadline nếu không bạn sẽ buộc phải từ bỏ một trong hai công việc vì không chịu được áp lực.
Theo Sam (Helino)