Mẹ chồng yêu cầu con dâu đóng tiền nhà, trả phí chăm cháu nội

30/11/2024 15:06:10

Vợ chồng tôi sống chung với mẹ chồng. Nhưng bà chỉ xem chúng tôi như người thuê trọ. Không chỉ yêu cầu vợ chồng tôi trả tiền nhà, bà còn đòi chi phí chăm cháu nội.

Chồng tôi sớm mồ côi cha. Suốt thời thơ ấu đến khi trưởng thành rồi cưới tôi làm vợ, anh chỉ có mẹ là người thân duy nhất. Vì vậy, anh yêu thương mẹ hơn tất cả và luôn muốn sống cùng để báo hiếu cho bà.

Sau khi cưới, tôi rất muốn ra ở riêng nhưng anh không đồng ý. Anh nhất nhất đòi sống cùng mẹ trong căn nhà không lấy gì làm tiện nghi. Không còn cách nào khác, tôi đành về sống chung với mẹ chồng.

Trước đây, chồng tôi làm được đồng nào đều đưa cho mẹ giữ. Suốt chừng ấy năm, mẹ chồng đã quen giữ tiền của con trai. Thế nên ngày đầu tiên về nhà chồng, bà yêu cầu tôi đưa tiền, vàng cưới cho bà giữ.

Mẹ chồng yêu cầu con dâu đóng tiền nhà, trả phí chăm cháu nội
Dù ở chung nhà nhưng mẹ chồng đối xử với vợ chồng tôi như người thuê trọ. Ảnh minh họa: P.X

Đã thế, bà còn đề nghị chúng tôi đưa hết tiền lương hàng tháng cho bà. Bà sẽ chịu trách nhiệm quản lý tiền bạc trong gia đình. Chúng tôi muốn mua sắm gì, cho bản thân hay gia đình đều phải hỏi, xin tiền từ bà.

Vì mới về làm dâu, tôi không dám phản ứng, chỉ biết than vãn với chồng. Thương tôi, anh quyết định chia thu nhập của vợ chồng thành 2 phần. Anh gửi cho mẹ một phần. Số còn lại, anh giao cho tôi quản lý.

Ít tháng sau, mẹ chồng phát hiện chuyện con trai giấu một nửa thu nhập, đưa cho vợ. Bà nổi giận. Hết trách móc, bà lại than khóc, hờn mát nói con trai sợ vợ, vì vợ mà xem thường, cãi lời mẹ khiến anh rất buồn.

Không thể chịu đựng thêm, tôi nói rằng tiền chúng tôi làm ra, chúng tôi phải giữ. Đó là tài sản riêng, hợp pháp của chúng tôi. Chúng tôi cần nó để lo cho cuộc sống hiện tại và tương lai của 2 vợ chồng.

Tôi xin mẹ để vợ chồng tôi quản lý tiền bạc của mình và hứa sẽ chăm lo cho bà thật tốt. Trước sự kiên quyết của tôi, bà nói sẽ đồng ý nhưng với điều kiện, chúng tôi phải đóng tiền nhà hàng tháng.

Tôi rất buồn nhưng nghĩ đó cũng là cách giúp bà có thêm tiền dùng vào việc riêng nên miễn cưỡng đồng ý. Từ đó, dù mang tiếng làm dâu, sống ở nhà chồng nhưng vợ chồng tôi vẫn phải đóng tiền trọ hàng tháng.

Hai năm sau tôi sinh con đầu lòng. Mẹ chồng tôi khi ấy cũng vui mừng, yêu thương cháu nội như bao nhiêu người khác. Tôi ở cữ, mẹ chồng cũng bồng bế cháu, cơm nước cho tôi đầy đủ.

Thời gian ấy, tình cảm giữa tôi và mẹ chồng tốt dần lên. Có lúc, tôi tưởng mình sẽ xóa tan những khúc mắc trong lòng để yêu thương, hiếu thuận với bà.

Nhưng đúng vào dịp con tôi thôi nôi, mẹ chồng lại đề nghị vợ chồng tôi phải trả thêm tiền bà chăm cháu nội. Tính cả hai khoản, mỗi tháng, tôi phải trả cho mẹ chồng gần 10 triệu đồng.

Tôi biết chồng hiếu thuận, không bao giờ rời mẹ để ra ở riêng. Tôi cũng biết, nếu đem con đi gửi nhà trẻ thì phải tốn chi phí, nên tôi đồng ý trả thêm tiền giữ cháu cho mẹ chồng.

Dù vậy, sự việc khiến tôi ngày càng ác cảm với mẹ chồng. Tôi không còn chút tình cảm nào với bà. Dù ăn cùng mâm, ở cùng nhà, ra vào chạm mặt nhau mỗi ngày nhưng tôi chỉ xem bà như bà chủ nhà kiêm bảo mẫu.

Thậm chí, lúc thấy bà đếm lại tiền trông cháu, tiền nhà rồi nhét vội vào chiếc túi khâu sau cạp quần, tôi còn cảm thấy khinh thường và cho rằng mẹ chồng chỉ là bà già tham tiền không hơn không kém.

Cách đây ít hôm, bà gặp tai biến, phải nằm viện. Tôi định lấy lý do chăm con nhỏ để tránh mặt, không đến thăm bà. Những điều phải chịu đựng suốt mấy năm qua khiến tôi không muốn vào viện, chăm sóc bà. 

Liệu tôi có nên tìm cách tránh mặt, không vào chăm sóc bà để bà hiểu tiền bạc không mua được hạnh phúc, sự hiếu thuận từ con cái hay không?

Theo L.K.C. (VietNamNet)