Nếu như ở miền Bắc dịp Tết thường trưng hoa đào, miền Nam lại có hoa mai. Những bông hoa mai khoe sắc rực rỡ cũng là dấu hiệu báo xuân đã về.
Màu vàng của hoa mai từ lâu được xem là màu tượng trưng cho sự giàu sang, phú quý. Người dân thường bày hoa mai trong nhà vào dịp Tết với mong muốn một năm mới phát tài.
Không chỉ mang ý nghĩa phong thuỷ, hoa mai còn là một vị thuốc quý. Nhà khoa học Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm khoa học & Công nghệ Việt Nam - người có thời gian nghiên cứu về cây làm thuốc - khuyên mọi người không nên vội vàng vứt hoa mai khi hết Tết.
Cây mai có tên khoa học là Ochna integerima, thuộc họ Ochnaceae. Trong hoa mai có nhiều tinh dầu và một số chất như meratin, calycanthine, caroten…. có tác dụng thúc đẩy bài tiết dịch mật, ức chế một số loại vi khuẩn như coli, trực khuẩn lỵ, trực khuẩn thương hàn, phẩy khuẩn tả, trực khuẩn lao…
Ông Sáng cho biết trong y học cổ truyền, hoa mai có vị ngọt, hơi đắng, tính ấm, không độc, có công dụng giải thử sinh tân, khai vị tán uất, hóa đàm, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như sốt cao, tức ngực, ho, hầu họng sưng đau, chán ăn, chóng mặt…
Vỏ cây mai có vị đắng, tính bình, người dân thường ngâm vỏ cây, vỏ rễ vào rượu trắng để chiết những chất có vị đắng làm thuốc bổ, kích thích tiêu hóa. Vỏ cây mai còn được dùng làm thuốc trị bệnh tiêu hóa kém, chán ăn với liều dùng 40-60 ml rượu ngâm vỏ cây mai vàng, uống trong bữa ăn, ngày uống 2 lần.
Một số bài thuốc từ hoa mai và cây mai
Dưới đây là một số bài thuốc có sử dụng cây mai được ông Sáng giới thiệu:
- Chữa tiêu hóa kém, chán ăn: Vỏ cây mai vàng khô 100g ngâm với 1000ml rượu trắng trong một tuần là có thể dùng được nhưng càng ngâm lâu sẽ càng tốt. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 20ml – 40ml.
- Chữa đau đầu, chóng mặt: Hoa mai 9g, hoa biển đậu và lá sen tươi lượng vừa đủ, sắc uống. Hoặc dùng bài thuốc Hoa mai 15g, hoa cúc trắng 15g, hoa hồng 15g, hãm uống thay trà.
- Chữa chướng bụng, đầy hơi: Hoa mai 10g, mộc hương 10g, hương phụ 15g, sắc uống.
- Chữa nấc: Hoa mai 5g, tai hồng (thị đế) 5 cái, gừng tươi 3 lát, gạo tẻ 100g. Đem gừng tươi và thị đế sắc kỹ lấy nước, bỏ bã rồi cho gạo vào nấu thành cháo. Khi cháo chín thì cho hoa mai vào, đun sôi, chia ăn vài lần trong ngày.
- Chữa nôn: Hoa mai 5g, nước cốt gừng tươi 5ml. Đem hoa mai hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút chắt ra hòa thêm nước gừng tươi rồi uống, mỗi ngày dùng 2 thang.
- Chữa ho dai dẳng: Hoa mai 9g hãm uống thay trà trong ngày. Hoặc dùng bài thuốc: Hoa mai 10g, khoản đông hoa 10g, gạo tẻ 60g, tất cả đem ninh thành cháo, chế thêm một chút mật ong, chia ăn vài lần trong ngày.
Ngoài dùng làm thuốc, hoa mai còn được dùng để chế biến thực phẩm. Khi chế biến các món ăn chế biến từ thịt lợn, thịt dê… mọi người có thể kết hợp sử dụng thêm hoa mai tạo nên món ăn độc đáo, tốt cho sức khỏe.
Mặc dù hoa mai tốt cho sức khỏe nhưng chuyên gia khuyến cáo mọi người nên tuân thủ dùng theo đúng liều lượng và tốt nhất nên tham khảo ý kiến của người có chuyên môn trước khi dùng làm thuốc trị bệnh.
Theo Ngọc Minh (Nguoiduatin.vn)