Lái chiếc xe rẻ nhất trong nhà là Mercedes-Benz C300 đi làm, cô gái bị soi mói đến mức phải thốt ra 1 câu uất ức

29/04/2025 10:08:16

“Đã đến lúc, giàu cũng bị phán xét rồi đó”, một netizen bình luận.

Mới đây trên mạng xã hội Threads, một bài đăng thu hút lượt tương tác cao với câu chuyện “người giàu cũng bị phán xét, mỉa mai” . Theo chủ nhân bài đăng, cô may mắn sinh ra trong một gia đình khá giả, mua quần áo, túi xách của các thương hiệu lớn hay đi xe tiền tỷ được xem là điều bình thường.

Xung quanh cô, những người bạn cũng có hoàn cảnh tương tự, không có cách biệt quá lớn. Cho đến khi cô gái 22 tuổi này đi thực tập tại một công ty, và bị mỉa mai, soi xét vì lái Mercedes-Benz C300 có giá hơn 2 tỷ đồng đi làm.

Lái chiếc xe rẻ nhất trong nhà là Mercedes-Benz C300 đi làm, cô gái bị soi mói đến mức phải thốt ra 1 câu uất ức
Cô gái lái Mercedes-Benz C300 đã là xe thấp tiền nhất trong nhà mình rồi nhưng vẫn bị cho là khoe mẽ. Ảnh minh họa.

“Nhưng mọi người không biết được rằng chiếc Mercedes-Benz C300 đã là xe thấp tiền nhất trong nhà mình rồi nhưng vẫn bị cho là khoe mẽ. Mình thấy rõ sự phân biệt, phán xét đến mức mình đã từng nghĩ hay là mua một chiếc xe khác để đi cho đỡ bị bàn tán” , cô gái tâm sự.

Ngay lập tức, câu chuyện này trở thành chủ đề được bàn tán nhiều trên mạng xã hội. Khi điều mà cô gái cho rằng là nhu cầu sống thường ngày như xe di chuyển, quần áo, túi xách,... thì lại bị xem là khoe mẽ, xa hoa chỉ vì cô mua hàng hiệu, đi xe tiền tỷ.

“Đã đến lúc, giàu cũng bị phán xét rồi đó”, một netizen bình luận.

Không thể ép một người kiếm 100 triệu/ngày chỉ ăn mì tôm qua bữa

Trên thực tế, đây không phải trường hợp đầu tiên bị đám đông đặt lên bàn cân so sánh, đánh giá chỉ vì có cuộc sống đối lập với nhiều người. Trong bài viết: “Không phải người khác thích khoe khoang, chỉ là chúng ta không/chưa có” trên tờ Sohu chỉ ra rằng rất dễ để một người giàu (người có mức sống cao hơn) bị coi là khoe khoang chỉ vì họ xách túi hiệu Hermes, chạy Mec…

Nhưng đó là tất cả những gì họ có, được xem như nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Số lượng tài sản, môi trường sống quyết định đến việc họ dùng cái gì, chi tiêu ra sao. “ Không thể ép một người kiếm 100 triệu/ngày chỉ ăn mì tôm qua bữa hay dùng hàng rẻ tiền được. Trừ khi đó là điều họ muốn. Hơn nữa, để kiếm được khoản tiền đó, nghĩa là họ cũng đã/đang đặt ở trong những vị trí cao hơn, rộng hơn, có những trải nghiệm đa dạng hơn thì việc họ dùng đồ có nhiều tiền hơn là chuyện bình thường”, tờ Sohu bình luận.

Lái chiếc xe rẻ nhất trong nhà là Mercedes-Benz C300 đi làm, cô gái bị soi mói đến mức phải thốt ra 1 câu uất ức - 1
Mỗi người có một cuộc sống khác nhau, đừng nên đặt lên bàn cân so sánh. Ảnh minh họa.

Một câu chuyện có thật cũng được chia sẻ, là chính trải nghiệm của tác giải khi tham dự một buổi định hướng việc làm trong một CLB dành cho những người đang học đại học. Khi được hỏi về sở thích của mình, một cô gái diện đồ LV, xách túi Hermès hút những ánh mắt của của mọi người khi nói: “Tôi thích xe hơi”. “Xung quanh nhiều bạn học nhìn nhau và bắt đầu xì xào, bàn tán về gia thế cô gái, nói rằng cô đang cố gắng khoe mẽ.

Nhưng khi tiếp xúc tôi không thấy cô ấy là người như vậy và cô ấy cũng không hề nghĩ đến chuyện nói thích xe hơi à giàu có, bởi đây là chuyện bình thường ở nhà của cô. Sự thật là cô gái này lớn lên trong một gia đình khá giả và bạn bè của cô đều xuất thân từ những gia đình tương tự. Trong cuộc sống của cô và bạn bè, Chanel cũng phổ biến như Uniqlo trong mắt nhiều người. Cô chưa bao giờ nghĩ rằng nói mình thích xe hơi là khoe khoang, vì trong vòng bạn bè của cô, việc thích xe thể thao cũng phổ biến như nhiều người thích một chiếc xe máy vậy.

Không phải vì cô ấy muốn khoe khoang mà đó chỉ là điều mà chúng ta không/chưa có” , tác giả chia sẻ.

Lái chiếc xe rẻ nhất trong nhà là Mercedes-Benz C300 đi làm, cô gái bị soi mói đến mức phải thốt ra 1 câu uất ức - 2
Chàng trai phải "giấu giàu" đi làm. Ảnh minh họa.

Một netizen khác chia sẻ câu chuyện tại nơi anh đang làm việc, để mọi người không nhận ra gia cảnh của mình. Anh chàng gần như không dám mặc đồ có tag nhãn hiệu, mua một chiếc xe bình thường trong suốt 2 năm đầu đi làm tại một công ty do bản thân tự nộp hồ sơ và trúng tuyển.

“Tôi không bao giờ đăng các chuyến đi du lịch cùng gia đình lên mạng xã hội, nói chung là sống khá kín tiếng. Tôi còn tự mang cơm đi làm, nhưng là do cô giúp việc nhà tôi nấu. Khi mọi người gọi trà chiều tôi cũng gọi theo…”, chàng trai chia sẻ.

Anh chàng cho hay làm như vậy để cảm thấy thoải mái hơn, tránh được khoảng cách khi đi làm, dễ dàng “hòa nhập” vào chốn công sở. Trước đó, anh chàng từng rơi vào nhiều tình huống “vô tình bị ghét hoặc cô lập” ở chỗ làm cũ chỉ vì lộ gia thế hoặc đi xe sang đi làm.

“Mình chỉ muốn nói là chiếc xe mấy tỷ đó ở nhà mình thì cũng giống như việc các bạn đi xe máy hay xe hơi đi làm mà thôi. Đồ hiệu thì cũng chỉ để mặc, mình không quá quan tâm đến những vấn đề này. Nó là nhu cầu ăn, ngủ và di chuyển thôi! Nhưng lại bị xem là khoe khoang. Mình từng nghe được câu ‘mày giàu thế chắc không đi tàu điện bao giờ đâu ha?’, nhưng với giọng rất mỉa mai” , anh chàng nói thêm.

Chàng trai nêu trên cho biết thỉnh thoảng có cảm giác giàu như là một cái… tội. Tự cảm thấy hơi ái ngại, có lỗi để phải “giấu” đi những thứ bình thường ở nhà nhưng lại bị bạn bè, hoặc một số bộ phận netizen đánh giá là khoe mẽ. Cậu bạn chia sẻ không hề có ý định khoe khoang, trách móc mà chỉ muốn nói lên suy nghĩ của mình về vấn đề này.

"Chúng ta không có nên mới nghĩ điều người khác có là xa xỉ"

Đó là thực tại cuộc sống của một người, chỉ là nếu bạn không ở trong thế giới của họ thì không thể hiểu được. Thế nên, việc đặt lên bàn cân so sánh là khập khiễng, không công bằng cho cả hai đối tượng, bởi mỗi người có xuất phát điểm và môi trường sống khác nhau.

“Khi bạn sinh ra đã có đủ cơm ăn ba bữa, đi học có người đưa đón thì ước mơ của bạn khó có thể là một bữa ăn đầy đủ thịt cá vì đó là điều hiển nhiên. Có nhiều người sinh ra đã mặc váy Dior, ngồi G63 thì với họ đó là điều bình thường, chúng ta không có nên mới nghĩ nó là xa xỉ”, tờ Sohu bình luận.

Lái chiếc xe rẻ nhất trong nhà là Mercedes-Benz C300 đi làm, cô gái bị soi mói đến mức phải thốt ra 1 câu uất ức - 3
Đây là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Ảnh minh họa.

Không đánh đồng tất cả, song đừng chỉ vì không có/chưa có mà khi người khác sở hữu lại cho rằng họ đang khoe khoang. “Bạn cũng không việc gì phải hạ thấp chất lượng cuộc sống của mình xuống, nhưng để phù hợp thì việc lựa chọn không phô trương cũng là điều nên làm”, một netizen bình luận.

Hơn nữa, không phải ngày nào họ cũng sống trong sự dư giả đó. Và bất cứ ai cũng có những áp lực, khó khăn riêng.

Chloe Liem - cô gái nổi tiếng khi chia sẻ cuộc sống tiêu tiền của bố mẹ tại Singapore cho biết bản thân thấy việc mua đồ hiệu, túi xách lên đến hàng triệu hay chi chục triệu cho một bữa ăn trưa là điều bình thường. Bởi, từ nhỏ cô đã sống như vậy và những người bạn xung quanh cũng có cuộc sống tương tự. Song, cuộc sống của cô cũng đầy rẫy những áp lực, khó khăn như bao người.

“Thậm chí, còn hơn vì bố mẹ luôn đặt kỳ vọng rất cao ở tôi. Tôi còn nhớ trước khi làm TikTok, tủ đồ của tôi chỉ toàn là quần áo đi học, quần tập thể thao. Từ nhỏ cho đến hiện tại, ngoài việc đi học kiến thức ở trường, tôi còn học nhiều bộ môn khác nhau như quần vợt, piano,... tất tần tật. Ngay cả khi tôi buồn, mệt mỏi và không muốn làm gì hết thì bố mẹ tôi đều sẽ nói: ‘Đừng phàn nàn, hãy làm đi’”, cô chia sẻ.

Xe cộ, quần áo, các bữa ăn,... đắt rẻ chỉ là đang phục vụ cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Tất cả chỉ “tả thực” chứ chẳng hề khoe khoang hay phô trương!

Theo Trần Hà (Thanh Niên Việt)

Nổi bật