Không mua nổi 1 cân thịt, phải bán vàng lấy tiền trang trải cuộc sống mới tỉnh ngộ nhận ra 1 điều

14/01/2025 09:15:48

Thất nghiệp, rỗng túi là những biến cố đã dạy 2 bạn trẻ này cách quản lý chi tiêu, tiết kiệm.

Từng chi 2-3 triệu cho một bữa ăn hàng, giờ lại chẳng đủ tiền để mua 1 cân thịt; từng "đốt" tiền triệu cho việc shopping mua sắm, giờ lại phải bán vàng để lấy tiền trang trải những nhu cầu cơ bản nhất.

Đó là những gì 2 bạn trẻ này đã trải qua, và sau đó, thói quen chi tiêu của họ cũng thay đổi hoàn toàn.

Bán vàng xong, học được cách sống với 3 triệu/tháng ở thành phố lớn

Trước khi rơi vào cảnh thất nghiệp bị động trong vòng 3 tháng trời, Thanh Thảo (sinh năm 2002) từng mặc định "mình kiếm ra tiền mà, tội gì không tiêu". Mãi đến lúc không kiếm được ra tiền, cô mới "bừng tỉnh".

Không mua nổi 1 cân thịt, phải bán vàng lấy tiền trang trải cuộc sống mới tỉnh ngộ nhận ra 1 điều
Thanh Thảo (Ảnh: NVCC)

Khi còn đi làm và có nguồn thu nhập ổn định khoảng 15 triệu đồng/tháng, Thanh Thảo đều đặn "nộp" 2-3 triệu tiền ăn hàng tháng cho bố mẹ, đồng thời đóng tiền điện, nước, mạng internet cho cả nhà. Bên cạnh đó, cô cũng có mua vàng. Trước khi thất nghiệp, Thanh Thảo mua được 1 chỉ vàng. Nhưng vì thất nghiệp, nên cứ bí tiền là Thanh Thảo lại mang vàng đi bán, mỗi lần bán nửa chỉ.

"Hồi đi làm, dù lương cao nhưng mình vẫn chẳng có tiền tiết kiệm vì mình luôn nghĩ lương cao mà, cứ tiêu đi. Đến lúc thất nghiệp, mình mới hốt hoảng nhận ra không có tiền thì sống thế nào được.

Sau khi hết tiền, mình hạn chế đi chơi hơn. Trước đây, toàn là mình chủ động rủ bạn bè đi chơi ấy. GIờ thì khác, mình chỉ đi cà phê 1-2 lần/tháng, để gặp những người bạn lâu ngày chưa gặp thôi. Đồng thời, cũng phải cắt giảm ăn ngoài, hôm nào bất đắc dĩ lắm mới ăn nhưng cũng ăn những thứ rẻ thôi. Mỹ phẩm thì cái gì hết mà rất cần, mình mới mua, chứ không mua vô tội vạ nữa. Còn nhu cầu mua quần áo và mấy thứ trông hay hay nhưng chẳng có tác dụng gì thì mình cắt hoàn toàn" - Thanh Thảo chia sẻ.

Cô cũng cho biết nhờ tiết chế việc ăn chơi, mua sắm mà cô vẫn sống khoẻ re suốt mấy tháng trời với số tiền 2-3 triệu mà thi thoảng bố mẹ "tiếp tế". Cuộc sống vẫn thoải mái chứ không đến mức thiếu thốn hay khổ sở quá.

Hiện tại, dù đã đi làm trở lại và có nguồn thu nhập ổn định, nhưng Thanh Thảo cho biết cô vẫn chỉ tiêu tối đa 3 triệu/tháng.

"Sau khi nhận tháng lương đầu tiên, mình vẫn chỉ chi tiêu trong mức 3 triệu đổ lại như hồi thất nghiệp thôi. Phần còn lại mình sẽ chia tỷ lệ 7-3: 7 phần để tiết kiệm/đầu tư (có thể mua vàng, gửi sổ tiết kiệm); 3 phần còn lại mình sẽ để trong 1 tài khoản ngân hàng ít dùng hơn, phòng khi có việc cấp bách".

Từng chi 2-3 triệu cho 1 bữa ăn, lúc thất nghiệp không mua nổi 1 cân thịt

Cũng từng có mức thu nhập khá tốt, và cũng thất nghiệp bị động, nhưng Hoàng Giang (sinh năm 1996) lại có phần "bi đát" hơn Phương Thảo, vì anh… không có vàng để bán.

Không mua nổi 1 cân thịt, phải bán vàng lấy tiền trang trải cuộc sống mới tỉnh ngộ nhận ra 1 điều - 1
Ảnh minh hoạ

"Hồi đó 2-3 triệu chỉ là số lẻ trong thu nhập của mình thôi. Chi 2-3 triệu cho 1 buổi tối hẹn hò cùng bạn gái không phải vấn đề với mình. Có tuần mình tiêu 8-9 triệu mà đến cuối tháng vẫn còn dư mấy triệu.

Tháng 4/2020, thu nhập của mình giảm khoảng 60% thì mình mất job ngoài, chỉ còn lại lương của công việc full-time. Đến tháng 7/2020, thì mình không còn nguồn thu nhập nào cả, do nằm trong danh sách cắt giảm nhân sự.

Mình được nhận 3 tháng lương trợ cấp thôi việc, nhưng chỉ trong 1 tháng mình đã tiêu gần hết sạch, vì quen thói chi tiêu thoải mái. Đến tận lúc trong người còn chưa tới 100k, không mua nổi 1 cân thịt bò, mình thực sự hoảng loạn" - Hoàng Giang kể.

Khoảng thời gian thất nghiệp của Hoàng Giang kéo dài khoảng 3,5 tháng. Sau đó, anh cũng đã tìm được việc, dù thu nhập không cao bằng ngày xưa, nhưng Hoàng Giang vẫn cảm thấy may mắn, hài lòng.

Đặc biệt, hàng tháng, Hoàng Giang đều tiết kiệm khoảng 45% thu nhập. Ngay sau khi nhận lương, anh sẽ chuyển tiền vào sổ tiết kiệm, và chỉ chi tiêu trong số dư còn lại.

"Ngoài việc tiết kiệm 45% thu nhập ra, mình không có đầu tư gì khác cả. Mà để tiết kiệm được chừng đó tiền, mình cũng phải thay đổi thói quen chi tiêu, chủ yếu là bớt ăn sang lại. Dù vẫn đi ăn hàng mỗi tuần với bạn gái, nhưng chúng mình chọn quán tầm trung thôi, chứ không sang chảnh như ngày xưa nữa".

Theo Ngọc Linh (Phụ Nữ Số)