Khóc vì sao Hàn: Đừng so sánh thần tượng với bố mẹ

06/04/2015 08:42:46

PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho hay: "Đừng vội so sánh khóc vì người này là xứng đáng, khóc vì người kia là thấp hèn".

PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho hay: "Đừng vội so sánh khóc vì người này là xứng đáng, khóc vì người kia là thấp hèn".

***

Khóc vì sao Hàn đã được coi là “chuyện cũ nói mãi” nhưng chưa bao giờ “nhạt” bởi làn sóng văn hóa Hàn Quốc ngày càng có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến giới trẻ Việt. Đằng sau giọt nước mắt của fan hâm mộ và sự phán xét của công chúng đã làm nảy sinh một vấn đề khá quan trọng, đó là tôn trọng sở thích của giới trẻ sự và sự tiếp nhận văn hóa của người Việt đã thực sự đủ?

Hình ảnh fan Kpop Việt khóc khi gặp được thần tượng

Không riêng Kpop, một số sở thích khác của giới trẻ hiện nay như nhảy hip hop, xăm hình, chơi thú cưng… cũng bị coi là “dị hợm” và luôn nhận được những ý kiến trái chiều. Liệu có phải những cái khác biệt luôn bị kỳ thị  mà lý do chính là do người Việt chưa thực sự cởi mở tiếp nhận văn hóa?

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với PGS. TS Văn hóa Phạm Ngọc Trung (Nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí – Tuyên truyền) để chia sẻ nhiều hơn về vấn đề này:

 Ông nghĩ sao về hình ảnh các fan hâm mộ Kpop khóc lặng đi khi nhìn thấy thần tượng của mình?

Trong cuộc sống hiện đại, thông tin nhanh, đa chiều, văn hóa mở rộng, các bạn trẻ có nhiều điều kiện tiếp xúc, bộc lộ sở thích và cảm xúc của mình trước bất kỳ một hiện tượng xã hội nào đó. Theo tôi thì việc các bạn trẻ thần tượng một cầu thủ, ngôi sao ca nhạc… là rất tốt vì như vậy có nghĩa là họ đã xác định được cho một một mục tiêu phấn đấu. Ít nhiều thì tài năng của những ngôi sao, thần tượng đó cũng có ảnh hưởng tích cực đến lối sống của fan hâm mộ. Đó là khía cạnh tích cực.

Việc bật khóc khi gặp thần tượng cũng không sao cả vì đó là cảm xúc cá nhân của các bạn trẻ. Tuy nhiên, việc khóc ở đây cũng có nhiều nguyên do. Có người khóc vì vui sướng khi được nhìn thấy thần tượng của mình. Nhưng cũng có bạn khóc lóc, gào thét chỉ vì chờ cả ngày liền mà vẫn không được nhìn thấy họ dù chỉ một chút. Việc này ít nhiều ảnh hưởng xấu đến tâm lý của các bạn.

Thể hiện sự hâm mộ thần tượng quá mức cũng cho thấy đời sống tinh thần của các bạn trẻ có một khoảng trống nhất định, cần một điểm tựa bám víu mà điểm tựa ở đây chính là các thần tượng, ngôi sao Hàn Quốc.

Có nhiều ý kiến so sánh rằng “ngay cả khi ba mẹ mất chắc gì các bạn trẻ đã khóc như khi gặp được sao Hàn”, rồi “Sao họ không khóc khi  nhìn thấy những hoàn cảnh đáng thương, số phận bất hạnh… mà lại khóc khi nhìn thấy những người xa lạ”… Ông nghĩ sao về sự so sánh này?

Một hiện tượng xã hội được cho là bất thường thì luôn làm nảy sinh dư luận. Và mọi sự so sánh đều là khập khiễng.

Khóc khi ba mẹ qua đời và khóc khi gặp thần tượng là hai cảm xúc hoàn toàn khác nhau. Đó là chưa kể đến, tình huống kia chỉ là giả định. Có ai dám chắc với tôi fan hâm mộ sẽ không rơi nước mắt khi họ mất mát điều gì đó quan trọng trong đời?

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, sở thích của giới trẻ nên được tôn trọng và thông cảm

Trước những hoàn cảnh khác nhau, con người sẽ có cách thể hiện cảm xúc khác nhau. Tôi cho rằng “những người xa lạ” mà dư luận nhắc đến không phải ngẫu nhiên có thể khiến những người trẻ ở đất nước cách mình hàng ngàn km khóc vì mình.

Để trở thành thần tượng họ cũng đã phải có quá trình lao động nghệ thuật miệt mài, gian khổ. Vậy nên đừng vội so sánh khóc vì người này là xứng đáng, khóc vì người kia là thấp hèn.

Vậy ông có cho rằng việc khóc khi gặp sao Hàn là biểu hiện của “cuồng” thần tượng? Và “cuồng” ở mức độ sẵn sàng bộc lộ cảm xúc có là sai?

Theo tôi, cuồng thần tượng là suy tôn thần tượng một cách quá mức, không làm chủ được bản thân trong cuộc sống thường ngày.

Fan hâm mộ Việt có thể bật khóc khi gặp sao Hàn bởi khi đó cảm xúc của họ thăng hoa. Vui sướng đến tột độ thì họ cũng có thể khóc chứ? Những người lớn tuổi cũng có thần tượng ở các lĩnh vực khác nhau nhưng họ không thể hiện như vậy. Bởi họ đã có một bản lĩnh nhất định, biết lấy lại thăng bằng cho bản thân.

Với những giọt nước mắt ấy, chúng ta nên thông cảm và chia sẻ thay vì việc lên án gay gắt, cho rằng đó là nhảm nhí, lố bịch.

Bên cạnh việc thần tượng sao Hàn, giới trẻ ngày nay còn có một số sở thích khác như: xăm hình, hiphop, thích nuôi thú cưng… Trước những sở thích đó luôn có những ý kiến phản đối, cho rằng đó là "dị hợm", là "vô bổ"… Liệu những phán xét như vậy có phải là sự thiếu tôn trọng sở thích của người khác, thưa ông?

Trước một vấn đề gì đó luôn có những quan điểm khác nhau, sở thích của giới trẻ cũng vậy. Đặc biệt ngày nay, khi giới trẻ có một vài sở thích được cho là khác lạ thì những người có quan điểm trái chiều ngày càng trở nên xung đột. Phải chăng, những người theo quan niệm cũ lên án những cái mới hơi khắt khe quá chăng?

Riêng chuyện xăm mình thì đã có từ thời xa xưa, được coi là một nét văn hóa của người Việt. Có người thì xăm theo tín ngưỡng truyền thống. Có người lại xăm để phục vụ cho việc đi săn, tránh bị thú dữ tấn công…

Riêng tôi thấy việc xăm hình rất đẹp, chỉ cần diện tích xăm vừa phải và người xăm hình phải ý thức được hình ảnh mình sẽ xăm có ý nghĩa đặc biệt thế nào, phù hợp với cuộc sống của mình không.

Giới trẻ hiện đại có khát khao tìm đến cái mới, thể hiện bản thân. Chúng ta nên tôn trọng, cởi mở, chia sẻ với họ thay vì cấm đoán sẽ dẫn đến phản tác dụng. Cũng không nên lấy chuẩn mực thời xưa áp đặt vào xã hội thời nay sẽ tạo ra mâu thuẫn lớn trong các thế hệ.

Ông có cho rằng, tuổi trẻ sợ nhất là không tìm thấy đam mê, người để hâm mộ chứ không phải là cách thể hiện niềm đam mê, sự hâm mộ đó?

Không riêng tuổi trẻ mà đời người nói chung đều cần có đam mê. Đam mê là động lực để phấn đấu. Thiếu đam mê, con người ta sẽ không có định hướng cho bản thân, dần dần mất đi niềm tin vào cuộc sống.

"Riêng tuổi trẻ thì đúng là sợ nhất không tìm thấy niềm đam mê", TS văn hóa Phạm Ngọc Trung chia sẻ

Riêng tuổi trẻ thì đúng là sợ nhất không tìm thấy niềm đam mê. Trong cuộc sống đủ đầy, sung túc, có những bạn trẻ không tìm thấy mục đích sống, không có khát vọng vươn lên, sống một cuộc sống nhạt nhạt, âm thầm. Đó là bi kịch của xã hội hiện đại.

Nhiều bậc phụ huynh tỏ ra lo lắng khi thấy con mình có sở thích nào đó khác lạ là ra sức cấm cản. Theo ông, đó có phải là cách làm đúng đắn?

Làm cha mẹ, ai cũng lo lắng cho con cái. Thấy con có biểu hiện gì đó không đúng với định hướng của mình thì thường sốt sắng, lo lắng, thậm chí là ngăn cản.

Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cũng nên bình tĩnh suy xét xem sở thích của con liệu có "dị hợm" đến mức phải ngăn cấm? Hoặc thay vì tìm mọi cách ngăn cản, các bậc cha mẹ hãy thông cảm, chia sẻ và có định hướng đúng đắn cho sở thích của con mình.

Ngày xưa, người đàn ông thường phải để tóc dài, nhuộm răng đen, mặc áo chùng, đi guốc mộc… Lúc đó những người đầu tiên cắt tóc ngắn, để răng trắng bị phê phán dữ dội nhưng theo thời gian lại dần dần được chấp nhận. Có phải những cái khác biệt luôn luôn bị kỳ thị?

Quá trình giao thoa và tiếp biến văn hóa luôn diễn ra liên tục từ xưa đến nay. Trong cuộc sống hiện đại, quá trình ấy diễn ra ngày càng nhanh và mạnh nhưng không phải trong một sớm, một chiều.

Để đàn ông Việt cắt tóc ngắn, để răng trắng và phụ nữ mặc quần bò, áo cánh thay vì áo tứ thân phải mất đến hàng trăm năm. Và ở thời điểm đó cũng có những đấu tranh, phê phán, lên án đấy chứ. Đó là những phản ứng cần thiết cho xã hội, cho dù có những phản ứng hơi nặng nề.

Hơn nữa, những sự thay đổi ấy là cần thiết trong cuộc sống nên mới dần dần được chấp nhận. Không ai có thể đi xe máy với tấm áo tứ thân nhì nhằng, phức tạp được. Để thấy rằng sự thay đổi văn hóa luôn phải phù hợp với sự thay đổi của thực thiễn cuộc sống.

Còn những sở thích của giới trẻ mà chúng ta đang nói ở đây như yêu nhạc Hàn, xăm hình… chỉ mang tính cá nhân chứ chưa phải là sự cần thiết của xã hội. Chưa kể đến việc, giới trẻ ngày nay thường có những biến đổi quá nhanh về sở thích, mà những sự thay đổi nhanh mang tính đột biến như vậy thì thường bị đặt lên bàn cân phán xét.

Có một số tổng kết cho rằng, ở những môi trường đa dạng văn hóa chỉ số sáng tạo bao giờ cũng cao hơn. Ông có nhận xét gì về điều này ở Việt Nam?

Sự cởi mởi trong tiếp nhận văn hóa ở nước ta rõ ràng chưa đủ để giới trẻ thỏa sức sáng tạo, dù đã có nhiều mặt đáp ứng được. Tuy nhiên, tiếp nhận văn hóa cũng phải trên tinh thần gìn giữ tinh hoa dân tộc bởi đa dạng văn hóa chỉ mang lại hiệu quả khi đất nước khẳng định được bản sắc văn hóa riêng của mình.

Cảm ơn ông đã có những chia sẻ này!

>> Vì sao fan phải che mặt khi gặp sao Hàn?
>> Cuồng nhạc Hàn ở Việt Nam, có tội tình gì?
>> Fan ra sân bay tiễn EXO bị bảo vệ túm balo, giật tóc, xô ngã
>> Gào khóc khi gặp 7 nhóm nhạc Hàn Quốc, vì sao?

Theo Hạ Nhiên (Dân Việt)