Bạn cùng phòng lười biếng, thích dùng đồ người khác… là những rắc rối khiến không ít sinh viên phải đau đầu khi ở ghép.
|
Căn phòng nhỏ hơn 10 m2 những rất bừa bộn của sinh viên |
Mỗi căn phòng trọ của sinh viên chỉ rộng từ 10 đến 20m2, thế nhưng, không phải lúc nào cũng được gọn gàng, ngăn nắp. Đôi khi, trong phòng chỉ cần một người lười biếng hoặc bừa bộn là cả phòng phải ấm ức vì cảnh đồ đạc bị đặt “nhầm” vị trí.
Túi rác băng vệ sinh để 3 tuần không đem đổ
Các bạn trẻ thường gật gù với nhau rằng, đời sinh viên, cái thiếu nhất là tiền còn cái thừa nhất là thời gian. Thế nhưng, nhiều bạn vẫn tìm mọi cách tiết kiệm thời gian và sức lao động, không muốn động chân, động tay vào bất cứ việc gì. Thứ tiết kiệm đó được gọi tắt là… lười biếng.
Vũ Ngọc (sinh năm 1995, sinh viên năm 3 trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội) từng không biết bao lần “phát điên” vì cái tính lười biếng của bạn cùng phòng. “Là con gái nhưng ăn xong bạn cùng phòng toàn để bát đến hôm sau rửa mà rõ ràng đã đã chia việc cho nhau cụ thể rồi. Hôm nào ăn rau, ăn thịt thì không sao, có hôm ăn canh cá, bát đũa, nồi niêu bẩn để đó, tanh tưởi khắp phòng. Mình khó chịu quá lại phải đem đi rửa”, Ngọc kể.
|
Tiết kiệm thời gian tối đa để... chơi Facebook dù nhà cửa rất bừa bộn |
V.A (sinh năm 1993, cựu sinh viên trường ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng không ít lần “dở khóc dở cười” vì cô bạn lười biếng, bừa bộn.
“Ngày nào cũng thế, cứ đi học về đến nhà là mình thấy một “bãi chiến trường”. Chăn chiếu ngổn ngang, quần áo thì mỗi góc giường một cái, toàn đứa thông minh, học giỏi, nhìn xinh đẹp, sáng sủa mà mỗi cái việc thay quần áo xong phải gấp lại hoặc treo lên giá mà cũng không ai nhớ để làm. Chưa hết, bạn ấy thích nấu ăn lắm nhưng cứ hôm nào vào bếp là thôi rồi. Bát đũa mỗi cái một nơi, rác rưởi trải dọc từ bếp vào trong nhà tắm”, V.A giãi bày.
Cựu nữ sinh Luật cho hay, thói quen “bẩn người, sạch ta” của bạn cùng phòng cũng là điều cô không thể chấp nhận.
“Quần áo của bạn ấy lúc nào cũng thơm tho, sạch như lau như li nhưng nhà cửa lại chẳng bao giờ chịu dọn, riêng rác thì không bao giờ đổ. Có lần, bạn ấy để túi rác băng vệ sinh suốt ba tuần không đem bỏ, đến mức bốc mùi, bọn mình phải quát ầm ĩ lên mới chịu mang đi… Kiểu chỉ biết lo cho bản thân không quan tâm đến môi trường chung như vậy rất khó sống”, V.A bức xúc.
“Nghiện” dùng đồ người khác
Việc thường xuyên phải chia sẻ đồ dùng của mình với người lạ cũng là điều khiến không ít sinh viên phải “vò đầu dứt tóc”. Bị bạn cùng phòng hồn nhiên dùng đồ cá nhân từ quần áo, giày dép, dầu gội, sữa tắm, son môi, kem dưỡng da… là nỗi buồn khó nói, nỗi ấm ức khó chia sẻ của nhiều sinh viên, đặc biệt là nữ.
Phạm Trang (sinh năm 1993, cựu sinh viên trường ĐH Thương mại) từng phải chuyển trọ chỉ vì bạn cùng phòng có tính “nghiện” dùng đồ người khác.
|
Đồ đạc đã được phân chia cẩn thận làm hai nhưng vẫn diễn ra cảnh "dùng nhầm", "dùng chùa" |
Với sinh viên, từ chai sữa tắm đến nửa bánh xà phòng cũng là tiền và cần phải tiết kiệm. Thế nhưng, nhiều người không biết ý luôn coi đó là những cái nhỏ nhặt có thể dùng chung, trong khi lại chẳng bao giờ chịu bỏ tiền ra mua.
Phạm Thị Quỳnh (sinh năm 1995, sinh viên trường ĐH Mỏ - Địa chất) không nhớ nổi đã bao nhiêu lần rơi vào hoàn cảnh “dở khóc dở cười đó”. Cách đây 1 năm, cô ở ghép với 2 người thì cả hai người đều thích dùng “đồ chùa”.
“Mình nói với mọi người, đầu tháng góp tiền lại đi siêu thị, mua tất cả đồ dung chung từ mắm, muối cho đến xà phòng, sữa tắm, dầu gội… Nhưng hai cô bạn đó phản đối bảo, mỗi đứa dùng một loại khác nhau, mua chung sao được. Thế mà khi mình mua về họ lại dùng, chai dầu gội lẽ ra một mình dùng được hai tháng thì giờ chỉ được 20 ngày. Mình điên quá, hỏi thì họ cười xòa bảo: “Nay hết chưa kịp mua, xin một tẹo…”, Quỳnh kể lại.
Chưa hết, mùa đông, cô có mua một lọ dưỡng ẩm da toàn thân, về phòng mọi người thấy thích quá bảo dùng chung rồi hết lại luân phiên nhau mua. Nhưng đến khi dùng hết, hai người bạn cùng phòng lại bảo dùng kem này dị ứng thế là không mua nữa, khiến Quỳnh ấm ức, quyết định chuyển nhà trọ.
Theo Hạ Nhiên (Dân Việt)