Khi người trẻ hung hãn

31/07/2017 10:51:00

Những lối hành xử lệch chuẩn, hung hãn và lạm dụng bạo lực mỗi khi xảy ra va chạm giao thông đang xảy ra thường xuyên hơn. Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ tính cách mỗi cá nhân nhưng không thể bỏ qua do những áp lực dồn nén của nhịp sống hiện đại, gấp gáp.

Những lối hành xử lệch chuẩn, hung hãn và lạm dụng bạo lực mỗi khi xảy ra va chạm giao thông đang xảy ra thường xuyên hơn. Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ tính cách mỗi cá nhân nhưng không thể bỏ qua do những áp lực dồn nén của nhịp sống hiện đại, gấp gáp.

Tối 17/7, bà Nguyễn Thị Huyền (ở quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) cùng mẹ 81 tuổi đi bộ ở gần nhà bị một thanh niên đi xe máy rú ga phóng nhanh va phải. Cú va chạm với hai người phụ nữ lớn tuổi không hề hấn gì cho thanh niên lẫn chiếc xe của anh ta. Thế nhưng không những không giúp người già, nam thanh niên còn chửi bới rồi đấm đá, đẩy cụ già ngã xuống đường.

Khi bà Huyền hô hoán, chồng bà là ông Hoàn ra giúp đỡ liền bị nam thanh niên đuổi đánh khiến ông Hoàn phải bỏ chạy. Không dừng lại đó nam thanh niên cầm dao xông vào nhà ông Hoàn, khi thấy con gái ông Hoàn (SN 1991), đối tượng vô cớ đánh luôn cô gái.

Nam thanh niên hung hãn trên đã bị công an bắt giữ và được xác định là Dương Thành Duy (SN 1985, ở huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội). Tại cơ quan công an, Duy khai nhận trước khi ẩu đả với gia đình bà Huyền, đối tượng có uống rượu nên không làm chủ được bản thân nên đã hành hung 4 người trong gia đình bà Huyền bị thương, phải nhập viện điều trị.

 Thanh niên người nước ngoài bị đánh sau va chạm giao thông.

Thanh niên người nước ngoài bị đánh sau va chạm giao thông.

Ngày 27/6, Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) khởi tố vụ án và tạm giữ Nguyễn Duy Khánh (SN 1991, ở huyện Thanh Trì) và Doãn Văn Cường (SN 1988, ở quận Hai Bà Trưng) để làm rõ hành vi “Cố ý gây thương tích”.

Trước đó, ngày 23/6, anh Maxwell David Gulian (SN 1990, quốc tịch Mỹ) và chị Giang (SN 1992, ở quận Hoàng Mai) đi xe máy trên đường Trần Khát Chân va chạm với ô tô của Nguyễn Duy Khánh đi cùng chiều khiến bánh ô tô chèn vào bàn chân của anh Gulian. “Anh tây” liền dùng tay ra hiệu để Khánh di chuyển ô tô nhưng không được nên dùng tay gõ vào gương xế hộp đồng thời cúi xuống để lấy chiếc dép khỏi bánh ô tô.

Thấy vậy, Khánh lập tức xuống xe lao vào đấm anh Gulian ngã xuống đường, chảy máu mũi. Bị bất ngờ, Gulian không giữ được thăng bằng nên xe máy đổ, va vào cửa ô tô của Khánh. Xót xe, đối tượng tiếp tục lao vào đánh thanh niên nước ngoài. Đúng lúc, Doãn Văn Cường là bạn Khánh đi xe máy tới cũng xông vào hỗ trợ.

Lúc này, chị Giang và một số người dân cố can ngăn nhưng Khánh “hào phóng” tặng luôn chị Giang vài quả đấm. Thấy vậy, anh Gulian quay lại dùng mũ bảo hiểm bảo vệ bạn gái nhưng bị Cường dùng gạch tấn công. Rất may, công an có mặt kịp thời để đưa tất cả các bên về trụ sở làm việc.

Không chỉ đấng mày râu, không ít phụ nữ không ngần ngại hỗn chiến khi va chạm giao thông. Đơn cử, chiều 4/4, hai cô gái còn rất trẻ đi xe đạp điện ngược chiều nhau trên đường Minh Khai (Hà Nội) xảy ra va chạm giao thông. Ngay sau đó cả hai lao vào nhau túm tóc, vật lộn khiến một cô gái bị thương tích, chảy máu ở mặt, bất chấp sự can ngăn của mọi người và những ánh mắt khó chịu của người đi đường.

Can ngăn cũng bị đánh

Tại Đồng Nai, một vụ án mạng xảy ra tối 8/4 tại Trảng Bom khiến anh Phan Chí Quận (SN 1987) tử vong cũng xuất phát từ vụ va chạm giao thông trên đường. Lúc đó, Phan Tấn Hữu (SN 1998) và K’Hoàng Lộc (SN 1993, cùng ở Trảng Bom) đi xe máy không may va phải xe máy của một nam thanh niên đi cùng chiều.

Thấy nam thanh niên đi cùng chiều vượt lên trước, Hữu và Lộc lập tức đuổi theo. Tới một dãy nhà trọ, hai người thấy một thanh niên bịt khẩu trang đang nói chuyện với mẹ. Hữu và Lộc cho rằng đây là người đã va chạm với mình rồi bỏ chạy nên xông vào đấm đá. Lúc này, anh Quận là người trong xóm trọ liền ra can ngăn nhưng bị Lộc dùng dao bấm đâm tử vong.

Tương tự, ngày 25/6, người đàn ông chở vợ con dừng đèn đỏ trên phố ở quận Bình Tân (TPHCM) thì bất ngờ bị một nhóm thanh niên dùng mũ bảo hiểm lao vào đánh tới tấp. Thấy vậy, các nhân viên của một nhà hàng gần đó chạy ra can ngăn, nhóm này đã bỏ đi.

Nhưng một lúc sau, nhóm thanh niên trên kéo thêm khoảng 20 người đến gây sự với nhân viên nhà hàng. Họ dùng gạch đá ném vào bên trong khiến nhiều thực khách đang ăn uống phải bỏ chạy, một nhân viên bị thương nặng. Sự việc chỉ dừng lại khi có công an đến.

Nhận định về vấn đề này, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng, khi chứng kiến những vụ ẩu đả có khi từ những lý do rất đơn giản, người Việt mình thường có cách xử lý nước đôi theo cách can thiệp tức thời kết hợp báo cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, thực tiễn chỉ ra nếu không có tri thức, phương tiện, kỹ năng thì việc can thiệp tức thời lại gây thiệt hại. Ngược lại, ông Bình phản đối hành vi vô cảm với những sự việc xảy ra hàng ngày như xô xát, đánh nhau… chỉ vì không muốn mất thời giờ hoặc bị lẫn lộn trắng đen, người tốt có khi bị “tai bay va gió”.

Về tình trạng sử dụng bạo lực sau va chạm giao thông, PGS.TS Trịnh Hòa Bình đặt vấn đề: “Những vụ việc xô xát, đánh nhau liên quan nhiều đến giới trẻ có phải do môi trường giáo dục chưa nghiêm khắc? Câu chuyện giáo dục truyền thống của chúng ta luôn là trên kính dưới nhường, mọi thứ khoan hòa nhưng hiện nó đang bị xói mòn?”.

Ngoài ra, PGS.TS Trịnh Hòa Bình còn chỉ ra nguyên nhân khác là: “Đời sống xã hội trở nên gấp gáp, dồn nén, đầy áp lực đã đẩy chủ nghĩa thực dụng lên ngôi. Người ta không muốn mất quá nhiều thì giờ cho nên cứ giơ nắm đấm ra để xử lý, tự mình thiết lập trật tự, như thế còn đáng tin hơn là đi chờ những chỗ này chỗ khác ”.

Để giải quyết tình trạng này, ông Bình cho rằng mỗi người phải tỉnh táo và sống chậm trở lại; đồng thời quay trở về những giá trị tốt đẹp căn bản lâu nay không được ứng dụng. Không nên sống theo kiểu “khôn sống mống chết”, “đèn nhà ai nhà nấy rạng” mang tính chất chụp giật, hơn thua.

“Cần phải quay trở lại với giáo dục gia đình trong mối liên kết chặt chẽ với cộng đồng và xã hội. Lâu nay sự liên kết của nó lỏng lẻo bị tách đứt, phó mặc giáo dục của gia đình cho nhà trường. Trong khi nhà trường có khi còn chạy theo bệnh thành tích, không thiết thực”.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình

* Tên một số nhân vật đã được thay đổi

Theo Thanh Hà - Xuân  Ân (Dân Trí)

Nổi bật