Nguyên nhân khiến sự việc vỡ lở là do tài khoản facebook của nam thanh niên tên N.V.N bị hack. Trong tài khoản cá nhân của mình, N đã có những đoạn chat với bạn bè với lời lẽ khiếm nhã kèm theo các hình ảnh khoe hôm “chén” em này, hôm “yêu” em kia. Có cô gái tuy đã có người yêu nhưng vẫn đồng ý “quan hệ” với N, cô khác thì chỉ qua một lần đến nhà N “ship” trà sữa cũng sẵn sàng ở lại để làm “chuyện ấy”.
Việc công khai những hình ảnh giường chiếu rất phản cảm và nguy hiểm |
Đáng buồn là việc khoe chiến tích giường chiếu lên mạng xã hội đang diễn ra khá phổ biến. Cách đây không lâu, cộng đồng mạng cũng được phen xôn xao khi một nữ sinh tên M.A đã làm chuyện người lớn với bạn trai hơn 6 tuổi và chủ động chụp ảnh kỉ niệm ngay trong lúc làm “chuyện ấy”.
Ít ngày sau, chính người bạn trai đã tung những bức hình riêng tư này lên mạng chỉ vì cô gái muốn chấm dứt mối quan hệ để tập trung vào việc học hành. Sự việc đã khiến gia đình nữ sinh này vô cùng ngỡ ngàng, suy sụp còn cô gái bị sốc nặng.
Bình luận về những sự việc trên, bạn Nguyễn Hải Yến - sinh viên trường ĐH Văn hóa cho rằng, nhu cầu được thể hiện mình là mong muốn chính đáng của nhiều bạn trẻ, song việc công khai cả những chuyện yêu đương, quan hệ thầm kín của bản thân lên mạng lại là sự quá đà. Hầu hết khi kể chuyện yêu đương, phòng the, những người trong cuộc có mục đích muốn người khác chú ý đến mình.
Họ quan niệm về chuyện “chăn gối” một cách giản đơn như chuyện ăn uống thường ngày, không cần có tình cảm yêu đương miễn là hai bên đồng thuận. Và sau mỗi cuộc mây mưa, họ ghi lại những hình ảnh về chiến tích tình trường để khoe khoang với bạn bè, thậm chí còn vỗ ngực tự hào khi được tung hô. Việc làm này là vô cùng nguy hiểm. Nó không chỉ thể hiện lối sống buông thả, bừa bãi của một số cá nhân mà còn để lại nhiều hậu quả về xã hội.
Phản cảm và kệch cỡm
Đáng buồn là hiện nay có một bộ phận giới trẻ thích nổi tiếng nên thường coi những hình ảnh đó là thú vui, nhưng lại không xác định được thể hiện thế nào để những người khác khâm phục, tôn trọng. Họ không biết rằng, việc công khai các chiến tích phòng the chính là tự hạ thấp mình.
Có thể nói, những người bị ảnh hưởng lớn nhất khi những bức ảnh nhạy cảm được tung lên mạng là những cô gái. Cho dù họ là nạn nhân, song công bằng mà nói, lỗi một phần do sự dễ dãi của chính họ. Họ dễ dãi trong cách chọn lọc, kết bạn, yêu đương và trong cả quan hệ tình dục.
Cũng theo Tiến sỹ Hoàng Cẩm Tú, về góc độ văn hóa, việc đưa những hình ảnh tế nhị, phòng the lên mạng là hành động phản cảm, kệch cỡm và mạo hiểm. Nó không chỉ vi phạm các vấn đề về đạo đức mà còn có thể là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo Điều 253 BLHS, người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có tính chất đồi trụy… thì bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm.
ĐBQH Bùi Thị An: “Muốn giáo dục trẻ em phải giáo dục người lớn trước” "Giới trẻ ngày càng sống buông thả khi bị tác động từ xã hội, mạng xã hội, đó là xu hướng đáng lo ngại. Sự phát triển xã hội và bùng nổ công nghệ thông tin có hai mặt. Giới trẻ hiện có điều kiện, phương tiện để tiếp cận mọi thông tin, xấu có, tốt có. Phải thẳng thắn rằng, giờ chúng ta không thể quản lý được mạng xã hội. Trong khi, đây lại là nơi mà không phải ai cũng có trách nhiệm khi cung cấp thông tin, dẫn đến có nhiều thông tin xấu. Vì thế, bên cạnh giáo dục người dân có trách nhiệm với thông tin trên mạng khi cung cấp, các cơ quan Nhà nước cũng như báo chí cần cung cấp tất cả các thông tin chính thống để người dân, trong đó có giới trẻ biết để nâng cao khả năng miễn nhiễm với thông tin và lối sống lệch lạc. Nhưng theo tôi, để trẻ em không nhiễm thói xấu thì mấu chốt vẫn là sự chung tay của cả xã hội. Người lớn sẽ là giáo cụ trực quan của trẻ em, nếu không gương mẫu sẽ rất khó. “Muốn giáo dục trẻ em phải giáo dục người lớn trước”, tôi luôn băn khoăn tại sao trẻ em vi phạm pháp luật ngày một nhiều. Để hạn chế điều này, theo tôi phải bắt đầu từ gia đình và phải tạo môi trường rất đầm ấm, đến trường không bị thầy cô đánh, bạo hành trẻ em, học sinh đánh nhau hay bỏ nhà, tụ tập lang thang... Dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét thông qua, nếu nói thỏa mãn 100% các đòi hỏi cấp thiết hiện nay thì chưa, nhưng cơ bản đạt các chỉ tiêu cần đạt để trẻ em Việt Nam ở các lứa tuổi, các tầng lớp đều được hưởng quyền chăm sóc và giáo dục bình đẳng". |
Theo Huệ Linh (An Ninh Thủ Đô)