Khâm phục ý chí của nữ sinh khuyết tật bị bỏ rơi từ lúc lọt lòng, 24 năm phải đi bằng đầu gối

29/06/2022 15:40:34

Phạm Thị Thu Thủy (SN 1997), sinh viên năm cuối Đại học Sư phạm TP.HCM là nữ sinh khuyết tật chỉ với chiều cao 1,1m cùng hoàn cảnh gia đình đầy éo le nhưng sâu bên trong, cô gái nhỏ nhắn lại có nghị lực sống phi thường khiến ai nấy cũng khâm phục.

Mới đây, khi xuất hiện trong chương trình "Trạm yêu thương" chủ đề "Đường về nhà" trên kênh VTV1, Thu Thủy với luôn nở nụ cười thể hiện ca khúc Sống như những đóa hoa bằng ngôn ngữ ký hiệu. Thủy cho hay, cô bạn không bị câm điếc bẩm sinh nhưng vẫn quyết định học ngôn ngữ ký hiệu vì một ước mơ hết sức nhân văn: Trở thành giáo viên dạy trẻ em khuyết tật

Khâm phục ý chí của nữ sinh khuyết tật bị bỏ rơi từ lúc lọt lòng, 24 năm phải đi bằng đầu gối
Cô gái đầy nghị lực Phạm Thị Thu Thủy (SN 1997), sinh viên năm cuối Đại học Sư phạm TP.HCM. Ảnh: VTV

Khi kể về cuộc đời mình, Thu Thủy cho biết, hành trình lớn lên của cô bạn là những ngày tháng khó khăn và thiếu thốn tình thương. Ngay từ lúc vừa chào đời tại bệnh viện Từ Dũ, Thủy đã bị bố mẹ bỏ rơi. Thế nhưng, chưa bao giờ Thủy thôi hy vọng được gặp lại bố mẹ của mình. Thậm chí, với Thủy, bố mẹ chính là nguồn động lực lớn lao để em có được năng lượng tích cực.

Bị khuyết tật vận động, với đôi chân co quắp từ đầu gối đến bàn chân, Thủy kể lúc mới tập đi thật khủng khiếp: "Nếu như các bạn tập đi bằng chân, thì mình đi bằng đầu gối". Từ những năm học cấp 1, Thủy cũng dần nhận ra sự khác biệt của bản thân với bạn bè cùng trang lứa. Giai đoạn này, nữ sinh dần cảm nhận nỗi đau thể xác kia không sao sánh được với nỗi đau tinh thần mà bản thân phải chịu đựng.

Từ cấp 2 trở đi, Thủy được sống và học tập cùng các bạn có hoàn cảnh giống mình. Từ đó, cuộc sống của em như bước sang một trang mới, ngôi trường này giúp em tự tin hơn và nỗ lực phấn đấu cho tương lai. Đặc biệt hơn khi em được sống trong sự quan tâm, yêu thương của bạn bè, thầy cô.

"Em luôn khát khao đi học để mang kiến thức và năng lượng tích cực đến cho những bạn khiếm khuyết giống mình". Nghĩ là làm, Thủy học ngày học đêm để thi vào đại học.

Khâm phục ý chí của nữ sinh khuyết tật bị bỏ rơi từ lúc lọt lòng, 24 năm phải đi bằng đầu gối - 1
Dù bị bố mẹ bỏ rơi từ lúc lọt lòng nhưng nữ sinh vãn luôn đau đáu ước muốn được gặp lại họ. Ảnh: VTV

Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, ánh mắt Thủy lại tràn đầy niềm vui và hạnh phúc, bởi lẽ, cô bạn đã chạm tay đến ước mơ trở thành giáo viên, giúp các em nhỏ học tập, ăn uống, sinh hoạt và truyền đi tinh thần lạc quan, yêu đời và vươn lên trong mọi hoàn cảnh.

Hiện tại, ngoài hoàn thành việc học ở trường, Thu Thủy đang là giáo viên thực tập chuyên khiếm thính tại một Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật ở Bình Dương.

Khi hỏi về ước mơ của bản thân, Thủy cho biết khát khao lớn nhất của em là tìm thấy ba mẹ, được sống chung với họ trong một mái nhà, được yêu thương, chăm sóc và san sẻ với họ những niềm vui cũng như khó khăn trong cuộc sống. 

Khâm phục ý chí của nữ sinh khuyết tật bị bỏ rơi từ lúc lọt lòng, 24 năm phải đi bằng đầu gối - 2
Thu Thủy ước mơ bản thân sẽ trở thành phiên dịch viên chuyên ngành ngôn ngữ ký hiệu. Ảnh: VTV

Nói về những dự định trong thời gian tới, Thu Thủy cho hay, bản thân đang nỗ lực hết mình qua việc lan tỏa sự tích cực đến những học sinh khuyết tật và trong tương lai em ước mơ sẽ trở thành phiên dịch viên chuyên ngành ngôn ngữ ký hiệu. 

Theo Phương Linh (Saostar.vn)