Tôi không giận con không có nghĩa là tôi đồng thuận với việc con đang làm
Thời gian gần đây, người dùng mạng xã hội thường hay chia sẻ với nhau những hình ảnh, clip các cặp đôi mặc đồng phục trường đang hôn nhau, có những hành vi được cho là phản cảm. Có nhiều bậc cha mẹ nhắn tin hỏi tôi: Anh sẽ làm gì nếu như con mình là nhân vật chính trong clip ấy?
Thú thực là tôi cũng không biết phải làm gì. Vì tôi không thuộc mẫu phụ huynh thích dùng roi vọt. Nhưng chắc chắn ngay lúc xem clip tôi sẽ giận sôi mình. Dù sau đó, khi bình tĩnh lại, hẳn tôi sẽ lại thấy cơn giận kia của tôi thật ngớ ngẩn.
Tôi giận ai? Giận con mình đã có những hành vi, hành động bôi tro trát trấu vào mặt cha mẹ ư? Vô lý quá đi! Bao nhiêu cha mẹ đã và đang đặt con cái xuống sau sĩ diện bản thân? Nói một cách khác, vì cái sĩ diện bản thân, bao nhiêu cha mẹ đã chửi mắng, sỉ nhục, đánh đập hay doạ từ mặt con mình?
Cha mẹ gì cái kiểu đó? Nếu cha mẹ coi trọng sĩ diện bản thân hơn tình yêu dành cho con cái thì đứa con đó thật bất hạnh. Vì nó sẽ mãi mãi chỉ là thứ huân huy chương cho cha mẹ chúng thôi. Vậy nên nếu tôi giận vì con mình đang làm xấu mặt mình thì tôi thật tệ.
Thế không giận con tức là đồng thuận với việc con đang làm ư? Khoan đã, nếu không phải màu trắng thì không có nghĩa nó sẽ là màu đen. Cuộc đời này là nguyên cả một hộp màu kia mà? Tôi không giận con không có nghĩa là tôi đồng thuận với việc con đang làm.
Nhưng, lại một chữ "nhưng" nữa, con bạn có hiểu những hành động, hành vi đó bị coi là phản cảm không? Bao nhiêu bậc cha mẹ đã dạy con mình rằng hôn nhau hay có những hành động thiếu đứng đắn nơi công cộng là không nên, không được?
Nếu bạn đã dạy con điều đó mà con vẫn cứ làm thì có nghĩa là bạn thất bại trong việc dạy con, vậy thôi. Việc của bạn là hãy tìm ra cách dạy mới. Tôi vẫn luôn cho rằng cha mẹ nào mà coi việc mình đã dạy con mà con không làm theo có nghĩa là con sai thì nên xem lại bản thân mình.
Chúng ta trước nhất đều đã từng là một đứa trẻ. Bao nhiêu thứ ông bà nội, ông bà ngoại bọn trẻ đã dạy ta hồi ta bé mà ta tuân thủ? Chúng ta hồi bé có phải là một đứa trẻ luôn tuân thủ mọi lời dạy của cha mẹ ta không?
Nếu chúng ta cũng đã từng không vâng lời cha mẹ ta thì hãy nhớ lại cho lý do là vì sao để hiểu lại con chúng ta bây giờ. Thật tiếc rằng nhiều cha mẹ chóng quên, đãng trí quá.
Lại thêm một từ "nhưng" nữa dành cho việc hôn nhau nơi công cộng là hành vi phản cảm. Khi mà nhiều người lớn cho rằng hôn nhau nơi công cộng là hành vi phản cảm còn tè bậy nơi công cộng chỉ là hành vi… mất vệ sinh.
Nếu lũ trẻ chỉ hôn nhau, tất nhiên, một cách đắm đuối nhưng lịch sự, tất nhiên, ở cái độ tuổi đã dậy thì, đã bắt đầu có những rung cảm thì sao người lớn cứ phải gào thét lên như thế?
Khi trẻ đến tuổi dậy thì rồi làm sao ngăn chặn được những rung cảm (và cả những hưng cảm) trong cơ thể và suy nghĩ của chúng? Tại sao chúng ta bắt chúng phải "tiệt dục"? Mà có muốn bắt cũng làm sao bắt được kia chứ!
Ta vẫn nghe câu "hãy vẽ đường cho hươu chạy đúng" đấy thôi. Chỉ là nhiều cha mẹ không biết vẽ, ngại vẽ và dùng quyền làm cha, làm mẹ để bắt hươu phải rọ mõm, nhốt trong lồng.
Tại sao cha mẹ lại lười biếng như thế? Cứ không quản được là cấm. Y hệt mấy nhà quản lý mà các cha mẹ hàng ngày vẫn ra rả lên án mạnh mẽ trên mạng xã hội vậy. Thật nực cười! Vậy nên hãy dạy con hôn thế nào cho đứng đắn, lịch sự hơn là nhăn mặt, dậm chân tức tối.
Trách mắng làm gì khi mọi thứ đã xảy ra rồi không thể quay lại được nữa
Thế nếu như trong clip ấy không chỉ hôn, lũ trẻ còn có những hành vi "nghịch mắt" hơn thì sao? Tôi tin rằng lũ trẻ vốn không biết thế nào là nghịch mắt người khác đâu vì một khi đã yêu nhau rồi thì lúc đó cảm xúc có thể dẫn lỗi làm đủ thứ chứ đừng nói là tay chân búa xua.
Một khi đang cơn yêu rồi thì dù ở quán trà sữa hay giữa nơi đông người, lũ trẻ cũng chẳng còn biết trời đất gì nữa đâu. Và chúng, thật đáng thương, không hề biết rằng có những kẻ ác độc luôn cảm thấy ham thích việc tung clip lên mạng xã hội.
Clip càng phản cảm, càng dữ dội chúng càng thích thú. Và có những loại người chỉ thích xem các clip ấy rồi buông lời đạo đức trong khi việc họ bình phẩm như vậy cũng chính là một hành vi vô đạo đức rồi. Nhất là họ đang thoá mạ những đứa trẻ đáng tuổi con em họ.
Tôi nghĩ điều đó mới thật thô bỉ và tàn ác. Lũ trẻ vốn không biết điều đó và đến khi chúng biết, chúng đọc được. Vậy lỗi này là tại ai? Sao có thể trách lũ trẻ?
Cha mẹ thì giận run người lên mà chửi mắng, đánh đập. Thầy cô thì giận run người lên mà hạ điểm hạnh kiểm, bêu riếu trước toàn trường.
Thậm chí, hẳn sẽ có những vị hiệu trưởng quan tâm đến danh tiếng của trường (thông qua bộ đồng phục) mà có khi còn đuổi học lũ trẻ. Trời ạ, người lớn đang nổi cơn thịnh nộ một cách vô lý, vô tình và vô cảm đến thế ư?
Trở lại việc nếu trong clip đó là những đứa con thân yêu của tôi thì tôi sẽ làm gì với chúng? Còn làm gì nữa ngoài việc hãy bảo vệ chúng, hãy giúp chúng vượt qua scandal này. Như cái cách bố mẹ của Hoàng Thuỳ Linh đã làm vậy.
Trách mắng làm gì khi mọi thứ đã xảy ra rồi không thể quay lại được nữa. Tôi sẽ khởi kiện quán trà sữa, quán cà phê đã tung clip của con tôi lên. Tôi sẽ tìm cho ra kẻ tung clip để pháp luật trừng trị bớt đi một kẻ bẩn thỉu ấy.
Tôi sẽ nói cho con mình biết rằng các con đã không sai. Chỉ là các con đã không biết việc mình làm có thể gây ra những hệ luỵ thế nào. Mà lý do con không biết đương nhiên vì bố mẹ chưa dạy con, thầy cô chưa dạy con. Tôi sẽ cùng con sửa chữa những điều đó lại cho đúng. Tôi sẽ không để con mình đơn độc.
Và nếu như hôm nay, trong clip đó không phải là con của bạn thì điều đó không có nghĩa là sau này cũng vậy. Thế nên thay vì bình luận những lời dạy dỗ, thoá mạ hay này nọ, làm ơn, hãy quay về nhà, thoát khỏi mạng xã hội đi và bắt đầu trò chuyện với con mình.
Tôi nghĩ điều đó mới là điều cần phải bàn. Tôi tin, nếu ai cũng vậy thì những clip thế kia sẽ không còn trên mạng xã hội nữa vì nó đâu được chào đón nữa?
Theo Hoàng Anh Tú (Soha/Trí Thức Trẻ)