Những ngày này, bộ phim Phía trước là bầu trời đang trở nên hot hơn bao giờ hết, tất cả những cảnh phim đặc sắc đều được chia sẻ lại rầm rộ trên mạng xã hội. Nhưng dường như người ta đang quá chú ý đến nhân vật Nguyệt mà quên mất có một nhân vật đóng vai Nam thư sinh trong xóm trọ chính là Á quân đường lên đỉnh Olympia năm 2000 - mùa đầu tiên.
Sau Olympia năm ấy, chàng trai chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa tự xin học bổng của chính phủ Úc và bắt đầu còn đường du học, trở thành một trong những Tiến sĩ trẻ tuổi nhất của Việt Nam ở nước ngoài.
Thành Vinh được đạo diễn Đỗ Thanh Hải mời vào vai Nam trong thời gian anh đang rảnh rỗi chờ thủ tục qua Úc du học. Anh từng nói: "Đóng phim khó hơn leo lên đỉnh Olympia".
Trong "Phía trước là bầu trời", Thành Vinh đảm nhận vai chàng sinh viên tên Nam, thông minh, học giỏi, trầm tính, hiền lành. Trong một phút mất kiểm soát vì thiếu tiền, Nam đã lấy trộm xe đạp của cô bé mới chuyển đến xóm trọ nhưng sau đó lại trả lại vì áy náy. Nhưng với bản tính hiền lành, lo sợ bị lộ tẩy nên cậu quyết định cắt tay tự tử.
Tuy không có quá nhiều đất diễn nhưng hình tượng nhân vật Nam mang lại cho khán giả trẻ ấn tượng mạnh và nhiều bài học sâu sắc. Đặc biệt, nhân vật Nam trong "Phía trước là bầu trời" còn khiến khán giả ấn tượng bởi "câu chuyện tình" với nhân vật Trà "cave".
Thành Vinh đã chia sẻ rằng: "Cảnh khóc sau khi Nam ăn cắp xe đạp và gặp chị Thương, chị cả của xóm trọ khiến tôi gặp nhiều khó khăn vì chưa từng khóc trong tình huống tương tự như thế. Giải pháp của đạo diễn Đỗ Thanh Hải là dùng... thuốc nhỏ mắt".
Năm 2015, Thành Vinh gây bão dư luận khi phát biểu, về nước là một sự lãng phí nên anh quyết định ở lại Úc: "Lãng phí thì rõ ràng rồi. Vì chúng tôi đã bỏ hết tuổi trẻ ra để học, để đeo đuổi một con đường và muốn làm những thứ chuyên môn đúng nghĩa nhưng ở Việt Nam thì chắc chắn là khó làm được.
Nhưng còn những lý do khác. Thứ nhất, cuộc sống bên này sẽ tốt hơn cho những ai đã học xong. Gia đình tôi sẽ sống thoải mái hơn và các con tôi sẽ được hưởng một nền giáo dục tốt hơn. Và, điều kiện, môi trường làm việc chắc chắn tốt hơn.
Bên này, tôi không phải lo lắng đến việc phải làm thêm một cái gì đó để sống cả. Làm đúng công việc của mình có thể sống khỏe, sống yên. Những người có chuyên môn chỉ cần sống với chuyên môn, không cần phải chạy đua chức tước hay gì cả.
Nên, tôi hoàn toàn hiểu lựa chọn của anh Đăng khi mà từ chối những thứ tưởng như là rất tốt đẹp mà nhà trường nơi anh ấy giảng dạy, muốn dành cho anh ấy."
Theo Duy Won (Helino)