Những ngày gần đây, câu chuyện về những lỗ hổng, hạt sạn trong sách giáo khoa mới được Bộ GD&ĐT đồng ý đưa vào sử dụng trở nên nóng hơn bao giờ hết. Trong đó, nổi lên là bộ sách Cánh Diều với hàng loạt bài học Tiếng Việt cho trẻ lớp 1 bị phản ứng là nội dung chưa phù hợp, sử dụng phương ngữ quá nhiều.
Mới đây, cư dân mạng lại tỏ ra xôn xao vì một bức ảnh được cho là từ 1 trang sách giáo khoa. Theo đó, trang sách này có nội dung yêu cầu học sinh tìm ra bức ảnh có "lối sống giản dị" trong 4 bức ảnh được cho. Các ảnh này ghi lại khoảnh khắc những cô gái với nhiều kiểu tạo dáng khác nhau và hơn lứa tuổi học sinh, điều đặc biệt là tất cả đều có điểm chung là ăn mặc sành điệu, tạo dáng khá chất và không tấm hình nào thể hiện rõ đâu là "lối sống giản dị" mà bài tập nói đến.
Trong số này, công chúng còn bất ngờ hơn vì hình ảnh Midu, một nữ nghệ sĩ đang được đông đảo khán giả hâm mộ cũng xuất hiện để minh họa cho bài tập. Cô diện chiếc áo sơ mi trắng với cách tạo dáng khá chuyên nghiệp và gương mặt cũng được trang điểm kỹ càng. Các tấm hình còn lại, người thì chụp ảnh với quần short ngắn bên cạnh xe máy, người dùng mắt kính hàng hiệu, người lại tạo dáng bên hồ bơi với trang phục sặc sỡ. Được biết, nội dung này nằm trong môn học Giáo dục công dân lớp 7 ở bài học đầu tiên của chương trình mang tên "Sống giản dị".
Theo nội dung mà bài học đưa ra, khái niệm sống giản dị được định nghĩa là sống phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của bản thân, gia đình và xã hội với các biểu hiện là không xa hoa, lãng phí; không cầu kì, kiểu cách. Nếu so với kiến thức được truyền đạt thì ở bài tập trên, không bức ảnh này đáp ứng đủ yêu cầu mà bài học nói đến và tất nhiên học sinh cũng sẽ gặp khó khi thực hiện bài tập này.
Tuy nhiên, trong nội dung sách giáo khoa Giáo dục công dân 7 của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam xuất bản lần đầu tiên năm 2006 và trải qua 14 lần tái bản thì chưa từng xuất hiện bài tập nào có nội dung như trên. Bài 1 Sống giản dị của môn học này nằm vỏn vẹn trong 3 trang từ trang thứ 3 đến trang thứ 6 và không có sự xuất hiện của những hình ảnh mà cư dân mạng đang thắc mắc.
Ngay cả ở bộ sách giáo khoa mới của các nhà xuất bản được Bộ GD&ĐT đồng ý cho sử dụng trong các trường cũng không hề có nội dung nào tương tự như nội dung mà công chúng phản ánh. Thực chất, trang sách này từng khiến cộng đồng mạng hoang mang từ năm 2016 và xuất phát từ 1 quyển sách tham khảo, sách bài tập của 1 nhà xuất bản nào đó ngoài NXBGDVN.
Trước luồng thông tin dư luận về bộ sách giáo khoa mới, không ít những trang sách khác khi chưa được kiểm chứng về nguồn gốc ngay lập tức bị quy chụp là xuất phát từ sách giáo khoa. Sự hiểu lầm đáng tiếc này có thể khiến quá trình thẩm định hay sửa đổi nội dung sách gặp nhiều khó khăn. Mới đây, sau khi nhận nhiều ý kiến phản hồi, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu nhà xuất bản và nhóm tác giả của sách giáo khoa lớp 1 xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính và gửi hội đồng thẩm định để thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét nội dung chỉnh sửa trước ngày 15/11.
Theo Vũ Trịnh (Pháp Luật và Bạn Đọc)