Hiệu trưởng ĐH Harvard nói gì với sinh viên Việt Nam?

23/03/2017 20:08:00

Giáo sư Drew Gilpin Faust, Hiệu trưởng ĐH Harvard, Mỹ đã có buổi thuyết trình với sinh viên và giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM, vào sáng nay 23/3.

Giáo sư Drew Gilpin Faust, Hiệu trưởng ĐH Harvard, Mỹ đã có buổi thuyết trình với sinh viên và giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM, vào sáng nay 23/3.

Với chủ đề Nội chiến Mỹ, mở đầu bài thuyết trình, Hiệu trưởng ĐH Harvard nhấn mạnh “Việc có mặt tại đây, ở đất nước các bạn, đối với tôi mang rất nhiều ý nghĩa, bởi vì nhiều giai đoạn lịch sử quan trọng của hai quốc gia đã quyện chặt vào nhau và ảnh hưởng tới tất cả chúng ta".

Hiệu trưởng ĐH Harvard, ĐH Harvard, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM
"Và không hiểu sao, dường như đối với tôi, tìm hiểu đất nước của các bạn trở thành điều cần thiết để hiểu chính đất nước của tôi..."

GS Drew Faust đã gửi thông điệp hoà bình tới hai dân tộc, và cho rằng cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước theo cách gọi của Việt Nam và chiến tranh Việt Nam theo cách gọi của Mỹ đã luôn in đậm trong tâm trí bà. Tìm hiểu về Việt Nam là điều cần thiết để hiểu về nước Mỹ.

“Các bạn có một khẩu hiệu nhắn gửi khách du lịch rằng “Việt Nam là một đất nước chứ không phải một cuộc chiến tranh”. Giống như rất nhiều người Mỹ khác từng đến đây, tôi vẫn hằng mong đến một ngày nào đó, Việt Nam trong tâm trí tôi không phải tên gọi của một cuộc xung đột bất ngờ ập đến với thế hệ chúng tôi, mà là một quốc gia và xã hội với tất cả sự phức hợp, vẻ đẹp, lịch sử, sự sống động và triển vọng của nó”.

Bà tiếp lời, “Và không hiểu sao, dường như đối với tôi, tìm hiểu đất nước của các bạn trở thành điều cần thiết để hiểu chính đất nước của tôi. Thanh niên trai tráng trong thế hệ chúng tôi đã phải đối diện với giấy gọi nghĩa vụ quân sự, khiến nhiều người phải đấu tranh nội tâm xem họ có nên tuân thủ pháp luật, phụng sự cuộc chiến mà họ cho rằng vừa không khôn ngoan vừa bất chính”.

“Đối với lớp phụ nữ trẻ như tôi thời bấy giờ, tình thế tiến thoái lưỡng nan đỡ mang tính trực diện cá nhân hơn. Nhưng nó thôi thúc chúng tôi đặt câu hỏi nghi ngờ về quốc gia của mình, về nên dân chủ và về tính nhân văn của chúng tôi.

Michael Herr, một nhà báo Mỹ chuyên viết về cuộc chiến này đã từng viết rằng “Việt Nam là những gì tất cả chúng tôi đã có thay vì một tuổi thơ hạnh phúc”” - Hiệu trưởng ĐH Harvard cho biết.

Hiệu trưởng ĐH Harvard, ĐH Harvard, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM
"Tôi đã bị định hình bởi chiến tranh Việt Nam theo những cách mà đến tận bây giờ tôi vẫn chưa hoàn toàn thấu hiểu, nhưng một ảnh hưởng mà tôi có thể xác định rõ ràng là về công việc của tôi với tư cách một sử gia..."

Ở Harvard, hằng năm cứ đến tháng 5 là hàng trăm cựu sinh viên sẽ về lại trường để kỷ niệm ngày ra trường của họ. Đây là một nghi lễ quan trọng,và vào mùa xuân này, một sự kiện đặc biệt sẽ diễn ra trong khuôn khổ các buổi lễ. 

Các thành viên của khóa 1967 – cả nam và nữ – sẽ dành một phần thời gian để cùng nhau tưởng nhớ lại cách thức Cuộc chiến đã định hình những tháng năm đại học của họ, và thảo luận xem “Chiến tranh Việt Nam” đã ảnh hưởng đến họ hơn nửa thế kỷ ra sao.

Một thành viên khóa này từng là lính thủy đánh bộ đã viết “rất nhiều người thế hệ tôi… đã phải có những lựa chọn về Việt Nam, khiến chúng tôi bị ám ảnh suốt quãng đời còn lại của mình, cả lúc tỉnh cũng như khi mơ”.

“Tôi không phải là thành viên của khóa sinh viên Harvard sẽ hội ngộ vào mùa xuân này, nhưng tôi cùng trang lứa với họ, và cũng như họ, tôi đã bị định hình bởi chiến tranh Việt Nam theo những cách mà đến tận bây giờ tôi vẫn chưa hoàn toàn thấu hiểu, nhưng một ảnh hưởng mà tôi có thể xác định rõ ràng là về công việc của tôi với tư cách một sử gia” – GS Drew Faust chia sẻ.

Hiệu trưởng ĐH Harvard, ĐH Harvard, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM
"Lịch sử giúp chúng ta đối diện với những vong hồn và ma quỷ, mà bi kịch quá khứ để lại như một di sản cho hiện tại"

Theo GS Drew Faust, việc trưởng thành trong thập niên 1960 đã tạo ra trong con người bà sự cuốn hút dai dẳng với chiến tranh, “với cách mà những đòi hỏi khủng khiếp của nó có thể nhào nặn các cá nhân và xã hội, với sự khúc xạ không tránh khỏi của quan điểm và lý tưởng chiến tranh, với những áp lực tột cùng của nó. Chiến tranh có thể ví như  “lửa thử vàng” thuần chất, đối với mỗi cá nhân cũng như cho toàn xã hội”.

Trong bài thuyết trình sáng nay, bà Faust đã nhắc tới tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh.

“Tại sao lựa chọn chiến tranh? Tại sao anh phải viết về cuộc chiến?, nhân vật Kiên trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh tự vấn như vậy. Ngay cả khi anh ta cố gắng hết sức để tìm một chủ đề khác, anh cũng “không thể thôi viết về chiến tranh”. 

Hiệu trưởng ĐH Harvard, ĐH Harvard, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM

Cũng như anh, chúng ta viết, chúng ta trò chuyện và chúng ta ghi nhớ bởi chúng ta đều cố gắng để hiểu chiến tranh đã nhào nhặn chúng ta ra sao. Việt Nam và Hoa Kỳ đã đối đầu nhau trong một cuộc chiến kéo dài và tàn phá nặng nề. Giờ đây, riêng cũng như chung, chúng ta đang đối diện với hậu quả của nó”.

Theo Hiệu trưởng ĐH Harvard, trong nỗ lực này, lịch sử là điều không thể thiếu. 

“Lịch sử soi rọi sự mù quáng, giúp chúng đấu tranh cho hòa bình”.

“Lịch sử giúp chúng ta đối diện với những vong hồn và ma quỷ, mà bi kịch quá khứ để lại như một di sản cho hiện tại. Nó soi rọi sự mù quáng và tàn bạo đã làm nên chiến tranh. Nó giúp chúng ta hình dung và đấu tranh cho hòa bình” - GS Drew Faust nhấn mạnh.

Sẽ hợp tác với ĐH Fulright Việt Nam

Sau phần thuyết trình với sinh viên và giảng viên, tại cuộc gặp gỡ báo chí, GS Drew Faust cho biết hiện có 16 sinh viên Việt Nam đang theo học tại ĐH Harvard và các trường thành viên của ĐH Harvard.

Hiệu trưởng ĐH Harvard, ĐH Harvard, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM
Trao đổi với VietNamNet sau chuyến thăm của Hiệu trưởng ĐH Harvard, PGS.TS Võ Văn Sen (người ngồi cạnh GS Drew Faust), Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, cho biết ông đã đề xuất với Hiệu trưởng ĐH Harvard hai vấn đề, đó là Nghiên cứu Đồng bằng sông Cửa Long và phát triển bên vững dưới góc độ Khoa học xã hội và nhân văn; Nghiên cứu về Việt Nam trong công cuộc đổi mới hiện nay, đồng thời tiếp tục duy trì chương trình học bổng hiện nay giữa hai trường.

GS Drew Faust bày tỏ bà mong sinh Việt Nam sẽ nghĩ đến Harvard khi đi du học kể cả cấp đại học hoặc sau đại học.

“Sinh viên Việt Nam nhập học ở Harvard sẽ được xét bình đẳng với sinh viên Mỹ về nhu cầu, tài chính. Chúng tôi không phân biệt sinh viên nước ngoài hay sinh viên Mỹ” – Hiệu trưởng ĐH Harvard khẳng định.

GS Drew Faust đã có cuộc gặp gỡ với giảng viên và cựu sinh viên của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP), một chương trình đạo tạo chính sách công hợp tác giữa trường Kennedy của ĐH Harvard và Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. 

GS Drew Faust cũng thảo luận với ban lãnh đạo Trường ĐH Fulbright Việt Nam (FUV) về việc xây dựng và phát triển FUV từ di sản của FETP, với tư cách trường đại học Việt Nam độc lập, phi lợi nhuận đầu tiên đi theo mô hình giáo dục khai phóng của đại học Mỹ. 

Tôi là người mạnh mẽ 
 
"Tôi xuất thân trong gia đình truyền thống nên bắt đầu từ năm 2 tuổi, tôi đã làm cho ba mẹ tôi hơi đau đầu. Lúc là học sinh, tôi đã tham gia 2 phong trào lớn là phong trào phản chiến và phong trào giành quyền lợi cho người Mỹ gốc Phi. Mẹ tôi từng nói rằng đó là thế giới của đàn ông, con cần biết điều đó để cuộc sống thoải mái hơn. Nhưng tôi đã dành cả cuộc đời để muốn nói với mẹ rằng bà đã nghĩ không đúng” - GS Drew Faust chia sẻ.. 
 
Theo Lê Huyền (VietNamNet)