Tinder là một trong số các ứng dụng hẹn hò quen thuộc và được ưa chuộng của người trẻ ở Việt Nam. Khi cuộc sống của người trẻ gắn liền và phụ thuộc nhiều vào các thiết bị công nghệ thì việc tìm cho mình một mối quan hệ tình cảm qua “app” hẹn hò cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng chính vì sự kết nối giữa những người xa lạ này mà nhiều kẻ xấu đã lợi dụng, khiến Tinder hay các ứng dụng hẹn hò khác không còn là nơi tìm kiếm bạn bè, người yêu như mục đích ban đầu. Tuy nhiên, cũng hiếm hoi có những cuộc tình đẹp đi đến hôn nhân, khiến người trẻ có thêm niềm tin vào thế giới ảo, thêm niềm tin vào con người.
Vay tiền rồi ‘lặn’ mất hút
Nhiều bạn trẻ đùa với nhau rằng “đừng mong tìm real love (tình yêu đích thực) trên Tinder”. Người thì nói “trên đó như một thế giới thu nhỏ, có đủ các kiểu người”.
Những câu chuyện lừa tình, lừa tiền không còn xa lạ với người dùng “app”. Người cả tin thì mắc bẫy, người tỉnh táo thì chia sẻ nhau các bí kíp để phát hiện kẻ lừa đảo.
Trương Tấn (30 tuổi, Hà Nội) - một người có “thâm niên” dùng Tinder 3 năm đã chia sẻ câu chuyện “nhẹ dạ cả tin” của mình.
“Thời điểm tôi bị lừa là đã dùng Tinder được hơn 2 năm chứ không phải ‘tấm chiếu mới’. Nhưng vì nhẹ dạ nên vẫn bị lừa mất gần 3 triệu đồng từ một cô gái tự giới thiệu là con nhà gia giáo - bố là công an, mẹ là giáo viên - ở Hà Đông”, Tấn kể.
Sau một thời gian trò chuyện, gặp gỡ, cô gái này kể nghèo kể khổ, tiết lộ cuộc sống bất hạnh của bản thân như bị người yêu cũ đối xử thậm tệ, gia đình khắt khe, kìm kẹp - những điều mà sau này anh mới biết đều là bịa đặt.
Khi thân thiết hơn, cô này nhờ Tấn trả tiền giúp các món hàng và vay tiền lặt vặt nhiều lần. “Cô ta hứa hẹn sẽ trả nhưng đến ngày hẹn thì lấy đủ lý do để thất hẹn. Về sau, cô ta có trả cho tôi được hơn 2 triệu, số tiền còn lại là hơn 3 triệu nữa thì tôi xác định là không đòi được và cô ta cũng biến mất”.
Tấn nói, số tiền trả lại kia có lẽ cũng là một cách “dụ” để lấy lại lòng tin của anh để sau đó vay tiếp. Nhưng may mắn là Tấn dừng lại ở đây vì biết mình đã dính vào lừa đảo.
“Sau này, khi tôi đăng bài cảnh báo lên các hội nhóm thì rất nhiều người khác cũng vào xác nhận là cô này dùng app hẹn hò để lừa đảo là chính. Trước đó, cô ta cũng từng lừa tiền nhiều người, nói là đầu tư làm ăn, tiền cọc mua quần áo, mở thẻ tín dụng nhưng sử dụng tiền của khách… Một điểm lưu ý nữa là sau đó tôi mới biết thời điểm mình bị lừa thì cô ta đang có bầu, vẫn còn đang ở trạng thái kết hôn".
Đó là lần đầu và cũng là lần duy nhất Tấn bị lừa qua app hẹn hò. Tuy nhiên, anh kể đã từng trải qua các trường hợp lừa đảo kiểu khác, như là “thông đồng với quán ăn từ trước để dụ khách tới ‘chặt chém’”, hoặc “vì bữa ăn mà tạo một tài khoản giả, nói dối quanh co…”.
“Cô ấy hẹn tôi ở một nơi mà có vẻ cô ấy rất quen thuộc và thông thạo menu, sau đó gọi nhiều rượu, gợi ý gọi món đắt tiền. Tôi có hỏi dò thêm dựa theo thông tin cô ấy khai trước đó thì lại không trả lời được. Tôi nghi ngờ nên sau lượt gọi đồ đầu tiên là dừng luôn. Lần ấy, ngồi ăn ở quán bình dân mà tổng hoá đơn hết 1 triệu, giá rượu thì cao gấp 3 lần giá trong siêu thị”.
Cũng giống như Tấn, Đỗ Sơn (Hà Nội) từng bị lừa trắng trợn bởi một cô gái mà mình chưa hề gặp mặt. Tự giới thiệu sinh năm 2002, lúc Sơn nhắn tin làm quen thì cô gái nói đang đi quay quảng cáo ở Hà Giang. “Cô ấy nói trên đấy thời tiết khắc nghiệt nên đang quay thì bị sốt virus, cần vay tiền mình mua thuốc. Mấy hôm sau, cô ấy lại vay tiền mua đồ. Cả hai lần tôi đều cho vay”.
Nhưng đến lần thứ 3 khi cô gái hỏi vay 1 triệu đồng, Sơn không có để cho vay. Đến khi cô gái về Hà Nội, Sơn hẹn gặp thì cô này lại tiếp tục đòi vay 1 triệu mới cho gặp.
“Khi tôi nói không có tiền cho vay thì cô ta trách móc. Tôi đòi lại số tiền 2 lần trước thì cô ta nói đàn ông tính toán, rồi bảo ‘em không thiếu đại gia’, sau đó huỷ kết bạn. Sau vài lần bị tôi đòi tiền, cô ấy hứa lèo rồi ngắt kết nối, coi như mình bị lừa” - Sơn ngậm ngùi kể lại.
Dụ dỗ đầu tư tiền ảo
Không chỉ lừa vay tiền, còn vô số những mánh lừa khác mà người dùng app hẹn hò thường xuyên gặp phải.
Nhã Văn (TP.HCM) từng gặp một kẻ lừa đảo với thủ đoạn rất tinh vi mà cô không ngờ tới.
“Anh này nhìn ngoại hình điển trai, ăn nói lịch sự, thông thái am hiểu về đầu tư tài chính, chín chắn trong tư duy, tự giới thiệu bản thân có một công ty nội thất ở Hồng Kông (Trung Quốc). Anh ta còn lấy lòng tin của tôi bằng cách kể về tuổi thơ bất hạnh - cha mẹ ly dị, phải sống với bà nội. Nghe chuyện mà tôi còn rớt nước mắt luôn”.
Theo lời Nhã Văn, tên này rất chủ động tán tỉnh, gọi video. Sau một tuần theo đuổi một cách kiên nhẫn, anh ta liên tục đề cập đến việc đã kiếm được nhiều tiền như thế nào từ tiền ảo, còn cho xem cả tài khoản, khoe 1 ngày kiếm được 60-70 triệu. Sau đó, anh ta bày tỏ mong muốn được hướng dẫn tôi cùng theo để có tài chính thịnh vượng như vậy. Anh ta bảo tôi không cần tìm hiểu gì hết vì mới làm thì có giải thích cũng không hiểu, cứ theo chân anh ta rồi sẽ hiểu từ từ. Và mức đầu tư khởi điểm là 500 USD”.
Khi Nhã Văn từ chối đầu tư, anh ta bắt đầu “hờn dỗi”, rồi dụ dỗ rằng học những kiến thức này để sau này tiếp quản công việc cho anh ta. Tuy nhiên, cô kiên quyết từ chối. Anh chàng này cũng từ đó biến mất, không còn tán tỉnh cô nữa.
Sau đó, vì tò mò, cô đã đi tìm hiểu thì biết rằng rất nhiều cô gái cũng từng bị anh này dụ dỗ với các chiêu bài tương tự. “Có một bạn đã đồng ý tham gia với mức đầu tư 100 USD. Sau hơn 2 tháng, bạn này phát hiện ra mình bị lừa thì anh ta lập một nick ảo khác khủng bố, đe doạ mang tất cả những chuyện bạn ấy tâm sự với anh ta kể lại cho bạn bè, gia đình bạn ấy. Bạn gái này cũng chia sẻ với tôi hàng chục kẻ lừa đảo, chuyên rủ rê các cô gái đầu tư tiền ảo mà bạn đã vô tình gặp phải”.
Nhã Văn cho biết, những đối tượng này sẽ tán tỉnh cho đến khi đối phương xiêu lòng rồi mới đề cập tới chuyện đầu tư, tiền bạc. “Vì khi đã có cảm xúc và lòng tin rồi thi không phải ai cũng đủ tỉnh táo”.
Còn với Trương Tấn, anh rút ra kinh nghiệm: “Bây giờ các hình thức lừa đảo mới luôn được sinh ra mỗi ngày nên tốt nhất để không bị lừa thì tiền bạc phải phân minh, không nên để mối quan hệ liên quan tới chuyện tiền nong quá sớm. Người nào có ý đồ lợi dụng mình thì họ sẽ nhanh nản chí và bỏ đi”.
Theo khảo sát của Decision Lab, 65% trong số 1012 người Việt Nam tham gia khảo sát đang sử dụng ít nhất một ứng dụng hẹn hò. Trong đó, Tinder ứng dụng hẹn hò phổ biến nhất, chiếm khoảng 22%. Theo sau là các ứng dụng nhắn tin như Zalo, Telegram…, chiếm khoảng 21%; Facebook Dating chiếm khoảng 17%.
Người Việt sử dụng các ứng dụng hẹn hò như Tinder phần lớn để làm quen bạn mới, chiếm tỷ lệ 48%. Trong khi đó, mục đích hẹn hò hay tìm kiếm những mối quan hệ lâu dài chỉ chiếm lần lượt 39% và 35%. Ngoài ra, có một số mục đích khác như mở rộng mối quan hệ (34%), và tình một đêm (15%).
Cũng theo báo cáo đánh giá này, người Việt sử dụng ứng dụng hẹn hò khá thường xuyên, với gần 30% số người tham gia khảo sát sử dụng mỗi ngày, 19% sử dụng với tần suất 2-3 lần/ tuần, 15% sử dụng với tần suất 6-7 lần/ tuần….
Theo Nguyễn Thảo (VietNamNet)