Đang là kỹ sư xây dựng với mức lương ổn định, Đinh Võ Hoài Phương bỏ việc vì không tìm được niềm yêu thích thực sự. Anh bắt đầu hành trình trải nghiệm chia sẻ văn hóa, ẩm thực tại các vùng miền trên khắp Việt Nam. Chỉ sau hai năm, kênh Youtube Khoai Lang Thang đã cán mốc hơn 1.000.000 lượt đăng ký.
Khước từ danh kỹ sư để làm anh Khoai Lang Thang
"Hi! Xin chào tất cả mọi người! Mình là Khoai! Chào mừng tất cả mọi người đến với kênh Khoai Lang Thang!".
Đó là câu nói "bất hủ" với chất giọng miền Tây mà Đinh Võ Hoài Phương dùng để giao tiếp với người xem kênh Youtube Khoai Lang Thang của mình. Người ta biết đến Khoai Lang Thang với hình ảnh một anh chàng điển trai, thân thiện. Nhưng ít ai biết rằng để có được những thành quả đó Hoài Phương đã phải vượt qua rất nhiều những thử thách khó khăn.
Phương sinh ra ở Bến Tre, như cái cách mà anh từng nói trong một video của mình "xứ miền Tây nghèo tiền bạc nhưng đầy ắp nghĩa tình". Dù đam mê việc thiết kế nhưng không có điều kiện để xuống thành phố học vẽ nên Phương đành phải đăng ký học ngành kỹ sư xây dựng với ý nghĩ giản dị "Hồi đó, mình nghĩ học kỹ sư xây dựng thì sau này cũng sẽ được vẽ vời, thiết kế như kiến trúc sư".
Tốt nghiệp Á khoa trường Tôn Đức Thắng, anh đã có 3 năm làm các công việc liên quan đến những gì mình đã học với một mức lương ổn định. Nhưng điều khiến Hoài Phương trăn trở nhất là anh không tìm thấy niềm vui trong chính công việc mình theo đuổi. Nhớ về những ngày đó Phương tâm sự: "Lúc học năm 3 mình đã biết mình không hợp với ngành kỹ sư xây dựng nhưng vẫn tự nhủ lòng là nên cho mình cơ hội trải nghiệm với nghề. Sau 3 năm đi làm ở các vị trí khác của ngành, Phương nhận ra đây không phải là công việc mình có thể theo đuổi cả đời, không phải là đam mê mà mình tìm kiếm".
Trăn trở với hiện tại, Hoài Phương tự đặt câu hỏi cho chính mình:"Đam mê lớn nhất của mình là gì?". Hoài Phương đã có câu trả lời đó là chủ nghĩa xê dịch. Ngay từ những ngày còn học cấp ba, anh đã tiết kiệm tiền làm thêm để có thể khám phá những điểm du lịch gần nhà. Có lẽ trong tất cả những suy nghĩ điên rồ nhất trước đây anh cũng đã không nghĩ mình sẽ trở thành một blogger.
Lý do để anh lựa chọn theo đuổi con đường này khá giản dị, "mình vừa được đi, được làm việc và được sẻ chia". Đam mê và lựa chọn là một chuyện nhưng thực hiện lại là một chuyện hoàn toàn khác.
Sau một năm suy nghĩ, đắn đo, Phương quyết định bỏ việc và bắt đầu xây giấc mơ trở thành một "người kể chuyện" từ những con số 0. Kênh youtube "Khoai Lang Thang" ra đời và từ đó Đinh Võ Hoài Phương gắn luôn mình với biệt danh "Mình là Khoai đây!". Cái lý do để Phương đặt tên kênh Youtube của mình dung dị như cái chất người miền Tây vốn đầy đặn trong anh: "Ở quê mình, bạn bè hay nói lái Hoài Phương tiếng miền Tây là "vườn khoai". Mình làm kênh du lịch, ẩm thực, văn hóa, trải nghiệm nên mình nghĩ cái tên "Khoai Lang Thang" phù hợp".
Tháng 2/2017, video đầu tiên đánh dấu sự hoạt động của Khoai Lang Thang với chuyến trải nghiệm Thảo Cầm Viên - Sài Gòn được đưa lên Youtube. Một video mà cả hình ảnh lẫn âm thanh đều chưa được trau chuốt, người dẫn chuyện còn rụt rè, e thẹn. Phương kể: "Ngày đó, mình gửi cho hầu hết bạn bè, người khen, người chê nhưng đa phần mọi người đều ủng hộ mình làm tiếp. Đó là nguồn động viên rất lớn".
1.000 ngày đi khắp Việt Nam để lan tỏa hơn 100 thắng cảnh đẹp
Sau video đầu tiên đăng tải, Hoài Phương không ngừng nỗ lực học những kỹ năng để có thể sản xuất video. Cũng từ khoảnh khắc đó, đến nay Khoai Lang Thang đã có hơn 1.000 ngày rong ruổi khắp Việt Nam để ghi lại hơn 100 thắng cảnh đẹp.
Với hơn 200 video đã được đăng tải nhưng trong suốt hành trình của mình nơi Hoài Phương dành tình cảm đặc biệt nhất vẫn là miền Tây. Đây là nơi Phương sinh ra cũng là nơi gắn bó nhiều nhất trong suốt hành trình vừa qua. Lý do với Phương đơn giản lắm: "Bởi nơi này luôn cho mình cảm giác thân thuộc".
Đinh Võ Hoài Phương có duyên nợ đặc biệt với miền Tây và anh tự hào về nơi mình đã sinh ra. Mọi người thường nghĩ miền Tây nhiều cây trái nhưng với mình cảnh sắc quê hương đẹp vô cùng. Hơn nữa, tình người ở đây "dữ thần" (khi đã có tình với nhau thì vô cùng gắn kết) lắm chứ bộ!".
Trong những video của mình, Khoai thường kể về những con người bình dị ở miền Tây. Trong video đánh dấu hành trình hơn 2 năm ra mắt kênh của mình, Khoai tâm sự: "Ở xứ sở miền Tây, tinh mơ 3 giờ sáng mọi người đã phải thức dậy, chạy 30km để đến nơi làm việc. 4 giờ sáng, mọi người cùng nhau ngồi trên một chiếc ghe, góp nhau tiếng cười rạo rực ngày mới".
Qua những thước phim đẹp về cuộc sống của người dân ai cũng nhận thấy sự hòa mình, trải nghiệm hết sức tự nhiên với những vùng đất mà anh đi qua. Hoài Phương không khác gì một gã nông dân miền Tây thứ thiệt, lúc dầm mình nhổ hẹ nước khi lại đổ bánh xèo, bánh khọt, lội ruộng bắt ốc… Khoai sẵn sàng ăn cơm cùng gia đình người dân nếu được mời. Chẳng có bất cứ khoảng cách nào, cứ thế, cái tình, cái nghĩa được lan tỏa một cách tự nhiên nhất.
Không chỉ đến miền Tây, Hoài Phương còn có nhiều video nói về cuộc sống của người dân miền Tây Bắc, sự thích nghi của những đứa trẻ nghèo khó Hà Giang. Khoai đến Huế, tìm gặp nghệ nhân làm bánh. Không chỉ đi khắp Việt Nam, Khoai cũng đã đặt chân đến nhiều nước trên thế giới nhưng "chẳng nơi nào đẹp như đất nước mình".
Cũng với cái chất giọng ấm áp Phương tâm sự: "Những người hái hẹ nước miền Tây đầm mình trong nước 10 tiếng mà chỉ được vài chục ngàn. Người lành nghề hơn thì được hơn một trăm ngàn nhưng nụ cười thì luôn không dứt trên môi. Như một cái duyên với nơi mình sinh ra, Khoai gặp được nhiều người với nhiều công việc khác nhau trong xã hội, hiểu được nhưng điều mà có lẽ cả đời mình chưa kịp hiểu".
Những video đầy ắp tiếng cười trẻ thơ
Đi nhiều, gặp nhiều người nhưng Khoai có cảm tình đặc biệt với những đứa trẻ nơi mình đi qua.
"Các em chơi với đất, với cỏ cây, với sông nước. Từ những thứ đó, các em sáng tạo ra vô vàn những trò chơi. Đó là ký ức tuổi thơ, là thứ mỗi người mang theo trong hành trình sống của mỗi mình. Các em đã nghe thấy bóng rổ, bóng bàn, cầu lông nhưng chưa một lần được chơi. Tôi mong muốn các em có những sân an toàn để vun đắp những kỷ niệm đó", Hoài Phương trăn trở.
Mỗi lần nhìn những đứa trẻ vùng cao vô tư lớn lên Khoai lại nhớ về những kỷ niệm nhiều màu sắc của tuổi thơ. Những trẻ em vùng cao còn thiếu lắm những trò chơi an toàn, phát triển tư duy của mình.
Ngày 02/08/2019, clip "Việt Nam chuyện chưa kể" nói về khát vọng có một sân chơi an toàn của những đứa trẻ vùng cao được đăng tải. Hàng triệu lượt xem và hàng chục nghìn lượt chia sẻ, "Việt Nam chuyện chưa kể" tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Nhiều nhãn hàng, nhà hảo tâm đã quan tâm đến vấn đề này. Đặc biệt, sau clip này, một thương hiệu bột giặt đã trở thành người đồng hành cùng Khoai Lang Thang làm những sân chơi cho những đứa trẻ vùng khó khăn.
Cụ thể, ngày 20/09/2019, sân chơi đầu tiên tại trường tiểu học K’Nai, Lâm Đồng được hoàn thiện. Theo chương trình này thì 30 sân chơi tiếp theo cho trẻ em nông thôn trên khắp cả nước cũng sẽ được Khoai Lang Thang hoàn thiện và dự kiến sẽ đưa vào sử dụng đầu năm 2020.
Cùng với việc đồng hành cùng nhãn hàng xây dựng sân chơi, Khoai gọi đó là hành trình "Gom góp chân thành". Gom góp bởi chỉ mình Hoài Phương thì không thể làm được và chân thành bởi thứ anh nhận lại chỉ có những niềm vui của trẻ em nghèo.
Đủ chân thành ai cũng có thể trở thành người truyền cảm hứng
Dù đi đâu, kể câu chuyện gì thì dung dị và tự nhiên là thứ luôn song hành trong những video của Khoai. Điều chúng tôi băn khoăn lớn nhất là tại sao gần như tất cả những nhân vật trong video đều thân thiện, cởi mở và gần như không có khoảng cách với Khoai Lang Thang. Với anh, bí quyết lớn nhất là nụ cười và sự chân thành thật sự.
Anh bộc bạch: "Với những người xa lạ thì món quà tốt nhất để bạn làm quen là nụ cười và sự chân thành. Nếu bạn đủ chân thành bạn sẽ truyền được cảm hứng cho những người xung quanh. Ít nhất, bạn sẽ làm cho họ quên đi những mệt mỏi sau những giờ lao động vất vả".
Với Đinh Võ Hoài Phương, mỗi nhân vật trong hành trình anh đi đều có thể là một nhân vật truyền cảm hứng cho mọi người. Họ không phải là người nổi tiếng nhưng ẩn chứa trong mình những bài học giản dị, tình nghĩa từ anh Năm, cô Bảy đến chế (chị) chèo ghe biết lắng nghe sẽ có được bài học cho riêng mình.
Điểm chung của những người có thành công ở những công việc họ theo đuổi đó là không thấy áp lực khi làm công việc đó. Anh chỉ coi hành trình mình đang đi là hành trình trải nghiệm, tìm hiểu cuộc sống. Còn bất kể một video nào được đăng tải đơn giản cũng chỉ là sự ghi lại những khoảnh khắc trong hành trình của mình mà thôi. Anh nói: "Mình nghĩ sau này 40- 50 tuổi, mình sẽ ngồi nói với con cháu về những ngày "dữ thần" trong quá khứ của mình. Đó là hạnh phúc lớn nhất!".
Nhiều người trẻ khi xem clip của Khoai Lang Thang có thêm những động lực tích cực trong cuộc sống. Group "Gia đình Khoai Lang Thang" có hơn 50.000 thành viên là một minh chứng cho điều đó. Phương Nhi, một thành viên tích cực trong nhóm vừa viết chia sẻ: "Em biết đến anh Khoai vào khoảng thời gian vừa stress, vừa như tự kỷ, cứ lọ mọ ở nhà. Vô tình thấy clip của anh Khoai về món "chè heo quay" ở Huế, em bấm vào xem. Thực sự ấn tượng với giọng của anh, ấm mà dễ thương vô cùng. Khi xem những clip của kênh Khoai Lang Thang em thấy cuộc sống còn có nhiều điều thật thú vị, bổ ích, mọi mệt mỏi cũng từ đó tan biến".
Bằng những cố gắng không ngừng nghỉ của mình, vừa qua, Khoai Lang Thang đã giành được nút vàng Youtube và đạt mốc 1.000.000 lượt đăng ký. Những giá trị về văn hóa, lịch sử, truyền thống nhiều vùng miền trong cả nước được lan tỏa mạnh mẽ. Theo đó, nhiều người trẻ được tiếp thêm năng lượng tích cực.
Theo Huy Hoàng (Giadinh.net.vn)