Năm 2013, tại Đại hội Thể thao dành cho người khuyết tật trẻ Châu Á, cô gái khiếm thị Nguyễn Thị Minh Thư (18 tuổi, quê ở Khánh Hòa) đã được xướng tên ở hạng mục huy chương Vàng môn cờ vua quốc tế. Hạnh phúc vỡ òa trên đất khách. Đó là kết quả mỹ mãn cho nỗ lực không ngừng nghỉ suốt nhiều năm ròng của cô.
Năm tháng tuổi thơ ngập chìm trong bóng tối
Lên 6 tuổi, vừa vào lớp 1, chưa quen hết mặt bảng chữ cái, Thư đã phải nhập viện vì chứng teo gai thị giác bẩm sinh. Gia đình thuần nông, vốn nghèo khó, anh Nguyễn Văn Hoàng (ba Minh Thư) lúc ấy phải vay mượn tiền để chạy chữa cho con gái. Nhưng rồi cuộc phẫu thuật thất bại, Minh Thư bị mất hoàn toàn ánh sáng mắt trái, mắt phải rơi vào tình trạng lờ mờ ở khoảng không gian hẹp.
"Lúc ấy, mình phải nghỉ học giữa chừng. Có buổi nằm viện, thấy mấy đứa bạn chơi cờ, mình thấy thích nên cũng tập tành chơi. Vì đâu thể chạy nhảy bình thương được đâu nên cứ xem cờ vua là nơi giải tỏa nỗi buồn vậy" - Thư kể.
Năm 2010, Thư quyết định vào tận Sài Gòn theo học tại trường THPT Đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Đó là bước ngoạt lớn nhất thay đổi cuộc đời của cô, Thư khẳng định chắc nịch với tôi như vậy.
"Bố mẹ đã buộc mình nghỉ học rồi, vì gia đình không trang trải đủ tiền học phí. Nhưng mình thì không chấp nhận số phận như vậy nên vẫn quyết tâm vào tận TP.HCM. Một mình ở nơi lạ lại không thấy đường nên thời gian đầu khó khăn lắm. Đi đường là cứ đâm cột điện, rồi đầu xe hoài,… riết rồi cũng quen, mình chưa bao giờ bỏ cuộc."
Tại ngôi trường đặc biệt ấy, thầy cô đã cầm tay chỉ dạy cho Thư từng bài học đầu tiên về bộ môn cờ vua. Đầu năm 2013, Minh Thư đăng ký thi giải Thể thao Toàn quốc, và xuất sắc giành được huy chương vàng. Và cũng trong năm đó, cô gái trẻ lại tiếp tục khắc tên mình trên bảng vàng quốc tế với 2 huy chương vàng khác tại Đại hội Thể thao trẻ cho người khuyết tật Châu Á.
Thư bảo với tôi, đó là do may mắn. Nhưng tôi nghĩ, đó là kết quả mỹ mãn xứng đáng cho năm tháng Thư nỗ lực hết mình vì đam mê cờ vua.
Con đường chạm vào giải vô địch cờ vua Đông Nam Á
Câu chuyện của Thư là một kỳ tích. Nhưng cô chỉ bảo: "Mình không nghĩ nhiều đâu. Chỉ là lúc nhỏ thấy mấy anh chị Việt Nam thắng giải lại khoác quốc kỳ lên vai, tự hào hát quốc ca mà mình cứ lấy đó làm động lực, mong muốn một ngày được như thế."
Và cuối cùng, ước mơ của cô gái trẻ cũng trở thành hiện thực. Năm 2014, Thư lại tranh được một huy chương Bạc, một huy chương Đồng tại Para Games 7; 3 huy chương vàng và 1 huy chương bạc tại giải đấu Para Games 8 vào năm 2015. Và mới đây, 2017, Minh Thư lại tiếp tục ghi tên mình trên đấu trường quốc tế với huy chương vàng 1 huy chương bạc Paragame 9 tổ chức tại Malaysia. Tháng 7 vừa rồi, nhà nước chính thức phong tặng Huân chương lao động hạng 7 cho Thư.
"Đó là những món quà mà mình nghĩ mãi không bao giờ có được." – Thư cười.
Hiện tại, Minh Thư đang theo học ngành Giáo dục tiểu học tại trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Ngoài đam mê cờ vua, cô gái trẻ còn nuôi một ước mơ to lớn hơn. "Ở quê Thư không có ngôi trường phổ thông đặc biệt nào cho những bạn bị khiếm khuyết. Vì vậy, mình cũng muốn sau khi học xong, sẽ trở về quê, xây dựng một ngôi trường cho những bạn có hoàn cảnh như mình. Các bạn sẽ có cơ hội được đi học, và thực hiện đam mê." - Thư chia sẻ.
Tại sự kiến OI (Orange Initiative – Sáng kiến màu cam 2018) được tổ chức vào ngày 13.1, Minh Thư đã tham gia giải đấu cờ vua giao hữu với nhiều bạn trẻ khiếm khuyết. Buổi thi đấu hôm ấy, không phải là một đấu như thường lệ. Giữa 2 nước cờ trắng đen, Minh Thư đang tạo ra một sân chơi vui vẻ cho những bạn khiếm khuyết, để họ thêm tự tin hơn trong cuộc sống.
Theo Huy Hậu (Trí Thức Trẻ)