Hàng nghìn sinh viên bị một số trường đại học đuổi học cho thấy một thực trạng báo động chuyện không chú tâm vào học tập, sinh viên vẫn còn tâm lý vào đại học để chơi và để yêu đương.Chỉ trong thời gian ngắn, khi mà năm học mới 2015-2016 mới chỉ bắt đầu được ít tháng thì nhiều trường đại học đã bất đắc dĩ phải ra hàng loạt quyết định đuổi học sinh viên vì nhiều lý do khác nhau.
ĐH Tây Nguyên cho biết, hơn 1.000 sinh viên của trường thuộc diện cảnh báo vì kết quả học tập kém. Sau đó, hơn 400 sinh viên đã bị thôi học, số còn lại đang “cầm đèn đỏ”.
Còn tại ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, trung bình mỗi năm, nhà trường có hơn 1.000 sinh viên bị buộc thôi học, trong đó đa phần là sinh viên hệ cao đẳng và các hệ không chính quy.
Tương tự, ĐH Ngân hàng TP.HCM cũng buộc thôi học 201 sinh viên, cảnh cáo học vụ gần 100 người. ĐH Nông Lâm TP.HCM buộc thôi học 280 sinh viên.
Trước đó, ĐH Văn Hiến (TP.HCM) công bố quyết định buộc thôi học 129 sinh viên do kết quả học tập không đạt yêu cầu năm 2014 - 2015.
Theo lý giải của lãnh đạo một số trường ĐH, mỗi năm có hàng trăm thậm chí hàng nghìn sinh viên bị đuổi học cũng là lẽ “bình thường” bởi những sinh viên không đáp ứng được nhu cầu của chương trình học, do không đủ năng lực, ý thức học tập. Đồng thời, những em thuộc diện “cảnh báo” cũng cần phải nghiêm túc hơn trong học tập.
|
Một bộ phận sinh viên mải mê yêu đương, sống thử ảnh hưởng tới học tập. Ảnh minh họa: internet |
Lãnh đạo một trường chia sẻ: “Việc làm có phần kiên quyết đuổi học hàng nghìn sinh viên có kết quả học tập yếu kém phần nào cho thấy nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo. Từ đó góp phần loại bỏ tư tưởng trong tầng lớp sinh viên cứ “vào” được là “ra” được đại học. Các em thiếu nghiêm túc, học lực yếu thì tốt nhất là nên dừng lại để khỏi lãng phí thêm tiền bạc, công sức của gia đình”.
Trên thực tế, chuyện sinh viên bị đuổi học là chuyện không có gì lạ, tuy nhiên hàng nghìn sinh viên đảm bảo “đầu vào” qua kỳ thi ngặt nghèo lại bỗng dưng “đuối sức” khi theo học giảng đường đại học ắt hẳn ngoài chuyện năng lực còn có yếu tố thiếu quyết tâm, ngó lơ việc học của một bộ phận sinh viên.
Ngoài chuyện điểm số qua các bài thu hoạch, kỳ kiểm tra qua môn, còn vô số sinh viên bị cấm thi, đuổi học vì không chịu đến giảng đường.
Câu chuyện sinh viên bị đuổi học nhiều đã trở thành một chủ đề “nóng” trên các diễn đàn của một số trường đại học, trang mạng xã hội. Đa phần sinh viên, cựu sinh viên đều cho rằng lý do chủ yếu vẫn thuộc về chính sinh viên.
Chương trình dù có nặng đến mức nào cũng không đến mức rất nhiều sinh viên không theo kịp. Những sinh viên học tập chăm chỉ luôn có kết quả tốt, còn sinh viên ham chơi sẽ có kết quả thi kém, bị đuổi học là lẽ đương nhiên.
Gần đây đã có nhiều bài báo, công trình điều tra xã hội cho thấy một bộ phận không nhỏ sinh viên có tư tưởng “vào đại học để chơi”, không màng chuyện học, thậm chí vướng vào tệ nạn xã hội như: nghiện game, cờ bạc, rượu chè, ma túy...
Bên cạnh đó, nhiều sinh viên mải chuyện yêu đương, vô tư diễn “cảnh nóng” ở sân trường, công viên, không ít sinh viên “sống thử” như những cặp vợ chồng.
Nói về lối sống của sinh viên hiện nay, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý Khoa học - Giáo dục Hà Nội cho rằng: “Hiện nay, có một bộ phận sinh viên chưa xác định được lý tưởng học tập, con đường phấn đấu cho riêng mình. Dễ chạy theo các trào lưu, mải chơi, sa đà vào chơi bời, yêu đương… một bộ phận sinh viên còn có tư tưởng hưởng thụ, sống gấp.
Một số em còn buông thả, mắc vào tệ nạn xã hội. Bên cạnh các nội quy, quy định, công tác sinh viên cần phải đẩy mạnh hơn nữa, làm sao để sinh viên nhận thức được lý tưởng học tập của mình để cố gắng trong học tập, rèn luyện, sống có ích cho xã hội”.
>> Tâm sự xót xa của cô gái bị người yêu đánh 13 lần trong hơn 1 năm
>> Hoảng vì những vụ "đánh ghen" nữ sinh
>> 40 nữ sinh bị đuổi khỏi lớp vì mặc quần legging
Theo Quang Anh (Giadinh.net.vn)