Giáo dục Hàn Quốc thường được thế giới ngưỡng mộ bởi chất lượng học sinh xếp hạng rất cao, có vị trí tương đồng với các nước Tây Âu phát triển. Thế nhưng trên thực tế, những thành tích xuất sắc về giáo dục của nước này lại như con dao 2 lưỡi đang ngày ngày "kề lên cổ" học sinh, sinh viên, bởi giờ đây, người ta không chỉ học cho bản thân mình, mà còn đang học cho thanh danh của bố mẹ và đất nước.
Khi đại học là tấm vé "vàng" duy nhất để vào đời
Từ lâu, Hàn Quốc đã nổi tiếng là 1 trong những quốc gia châu Á có nền giáo dục cùng những kỳ thi áp lực nhất trên thế giới. Cũng như Trung Quốc và nhiều quốc gia khác của châu Á, tại Hàn Quốc, đại học chính là chìa khóa của sự thành công, của tương lai sáng lạn và rộng mở. Kết quả thi không chỉ xác định ngôi trường một người có thể theo học, mà còn là nghề nghiệp họ sẽ theo đuổi, thậm chí cả người họ sẽ kết hôn. Chính vì vậy, để có thể chắc suất trong những trường đại học danh giá, các học sinh tại quốc gia này phải cố gắng ôn luyện ngày đêm, thậm chí có những học sinh còn phải chuẩn bị kiến thức cũng như tinh thần từ khi mới lên... lớp 4, lớp 5.
Kỳ thi “Suneung” hay còn có tên gọi College Scholastic Aptitude Test (viết tắt là CSAT) là kỳ thi Đại học ở Hàn Quốc. Đây là kỳ thi cấp quốc gia kéo dài 8 giờ đồng hồ bao gồm các môn ngôn ngữ, toán học, khoa học, khoa học xã hội và tiếng Anh mà bất cứ học sinh Hàn Quốc nào cũng phải trải qua để có thể được lựa chọn vào trường đại học danh tiếng. “Suneung” quan trọng ở Hàn đến mức, vào ngày này, máy bay sẽ ngừng bay, quân đội sẽ ngưng tập trận để các thí sinh tập trung làm bài.
Hầu hết học sinh trung học ở Hàn hay các bậc phụ huynh đều mơ đến 3 chữ cái quyền lực mỗi khi đi ngủ, đó chính là S.K.Y. Các chữ cái này đại diện cho 3 trường đại học hàng đầu gồm Đại học Quốc gia Seoul (Seoul National University - SNU), Đại học Hàn Quốc (Korea University - KU) và Đại học Yonsei (Yonsei University - YU).
Sự khắc nghiệt đến đáng sợ của việc vào đại học tại xứ sở kim chi có thể tạm tóm gọn qua 1 câu nói đã ăn sâu vào tâm trí người Hàn: "Nếu ngủ 3 tiếng mỗi đêm, bạn có thể mơ tới việc trở thành một phần của S.K.Y. Nếu ngủ 4 tiếng, bạn có thể thi đỗ vào trường đại học khác. Còn ngủ 5 tiếng hoặc hơn, nhất là trong năm cuối cấp, thì hãy quên ngay ý định bước chân vào cổng đại học đi".
Câu chuyện về những lớp học xuyên đêm, về những đứa học trò không biết ngủ
Tại xứ sở kim chi, giờ ra về của học sinh THPT bình thường là 4 giờ chiều. Nhưng để thi đỗ đại học, đạt điểm cao ở lớp và khiến cha mẹ hài lòng, học sinh buộc phải tự học ở một khu riêng trong trường hoặc tham gia những lớp học thêm ngoài giờ tại trung tâm.
Các trung tâm dạy thêm được gọi là "hagwon" có vị thế rất quan trọng đối với hệ thống giáo dục Hàn Quốc. Theo thống kê, có gần 100.000 "hagwon" ở Hàn và tận ¾ học sinh cả nước theo học tại các trung tâm này. Phần lớn học sinh trung học ở đây coi việc học thêm hai hay ba ca mỗi ngày trong tuần là chuyện bình thường. Các bậc phụ huynh ở Hàn Quốc, cho dù khá giả hay không, cũng không tiếc tay chi hàng triệu won mỗi năm để cho con em được theo học tại các trung tâm.
Đối với một học sinh trung học thông thường, thời gian trung bình dành cho việc học phải chiếm từ 13 giờ đến 15 giờ mỗi ngày. Lịch học đại khái sẽ được phân thành khoảng 3 ca: học trên lớp từ 8 giờ 30 sáng đến 4 giờ chiều, học thêm tại các trung tâm từ 6 giờ tối đến 10 giờ tối, sau đó về nhà tắm rửa ăn uống và tiếp tục tự học đến 1-2 giờ sáng. Và vòng tuần hoàn ấy sẽ cứ thế lặp lại đều đặn hàng ngày.
Alvin Toffler, một trong những nhà khoa học tương lai nổi tiếng nhất thế giới, đã bày tỏ quan điểm về vấn nạn này tại Hàn Quốc: "Điều làm tôi cảm thấy khó hiểu nổi nhất về Hàn Quốc là việc giáo dục của họ đang đi lùi. Học sinh Hàn Quốc dành 15 giờ mỗi ngày ở trường và hagwon để học khối kiến thức khổng lồ mà đa phần sẽ không cần thiết trong tương lai hoặc cho công việc thậm chí không tồn tại. Họ đang lãng phí quãng thời gian quý báu và chôn vùi tuổi thanh xuân của chính mình".
Thiếu ngủ, không có thời gian nghỉ ngơi giải trí, đầu óc lúc nào cũng căng thẳng; nỗi lo sợ điểm số, thua thiệt bạn bè cứ bám lấy mỗi bước đi đến trường. Ấy vậy mà đến khi về nhà, nhiều bạn trẻ Hàn Quốc vẫn tiếp tục bị bố mẹ gây áp lực và dày vò về chuyện học hành và thi đại học.
Tất cả khiến một bộ phận người trẻ Hàn muốn tìm đến cái chết để tự giải thoát chính mình.
Cái giá phải đánh đổi liệu có đáng?
Kể từ sau năm 1953, đầu tư vào giáo dục đã đem lại cho Hàn Quốc một nền kinh tế phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc. Chỉ qua hai thế hệ, Hàn Quốc đã chuyển mình từ một nước phải đối mặt với nạn mù chữ trên diện rộng thành một cường quốc kinh tế. Các thương hiệu như Samsung, Hyundai, Daewoo hay LG là niềm tự hào được cả thế giới biết đến.
Tuy nhiên, ẩn sau sự hào nhoáng của thành tích này là câu chuyện đánh đổi của cả một thế hệ trẻ. Hàn Quốc giờ đây lại trở thành nước có tỉ lệ học sinh tự tử cao nhất trong số những quốc gia phát triển trên thế giới. Mới đây, con số 5% người dân Hàn Quốc có ý định tự sát theo "Báo cáo điều tra xã hội năm 2018" của Cục Thống kê nước này khiến truyền thông các nước trong khu vực và quốc tế kinh ngạc.
Cũng theo tổng kết của Cục Thống kê, tự tử là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở học sinh. Lý do chính dẫn đến tự tử là áp lực nặng nề từ các bài kiểm tra và điểm số, lượng bài tập quá nhiều, thiếu thời gian nghỉ ngơi. Căng thẳng quá mức cũng dẫn đến nạn bắt nạt và bạo lực học đường ngày càng phổ biến và nghiêm trọng tại đất nước này. Với tất cả cảm xúc tiêu cực dồn nén, ngày thông báo kết quả thi đại học giống như thời điểm kích hoạt nút cò, khiến nhiều người nảy sinh ý nghĩ tự tử.
Để giải quyết vấn nạn tự tử, chính phủ Hàn Quốc gần đây đã đưa ra một kế hoạch hành động liên bộ trong tháng 1/2019 để cố gắng giảm tỷ lệ tự sát xuống 17/100.000 vào năm 2022.
Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại, áp lực cuộc sống dường như cũng là một loại văn hoá đã bén rễ quá sâu vào quốc gia này. Người Hàn áp lực từ khi bắt đầu đi học, cho đến tận khi đi làm, lập gia đình và sinh con đẻ cái. Thế nhưng họ chấp nhận điều đó như một phần tất yếu của cuộc đời. Ngày ngày người ta vẫn tiếp tục đi học, đi làm, chăm con, hiếu kính bố mẹ. Họ để những nỗi áp lực không tên len lỏi vào từng tế bào cơ thể mình, biến thành một hoạt chất thúc đẩy bản thân phấn đấu và vươn lên không ngừng. Không thể phủ nhận, đây là nét tính cách quật cường mà cả thế giới vẫn luôn ngưỡng mộ ở người Hàn Quốc.
Cuối cùng, có lẽ đối với áp lực học hành và nỗi khổ mang tên "đại học" mà các bạn học sinh Hàn Quốc đang phải gánh chịu, chỉ có thay đổi từ trong suy nghĩ của cả xã hội nói chung và các bậc phụ huynh nói riêng thì tình hình mới có thể dần dần khởi sắc.
Theo Mây (Helino)