11% thừa nhận họ từng yêu cầu người khác gửi những tin nhắn, hình ảnh gợi cảm cho mình. Và tỷ lệ tương tự thừa nhận từng nhận được yêu cầu gửi ảnh gợi cảm cho người khác. Trong các nghiên cứu tâm lý học, hành vi gửi tin nhắn, hình ảnh, phim gợi tình cho người khác được gọi chung là hành vi sexting (được ghép từ từ "sex" và "texting").
TS Trần Thành Nam, ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), một trong 2 tác giả nghiên cứu cho biết, mặc dù trong quá trình nghiên cứu đã có gắng giải thích với các em học sinh tham gia rằng đây là một nghiên cứu khoa học, tuy nhiên, con số mà nghiên cứu công bố có thể chưa phản ánh đầy đủ hành vi gửi các tin nhắn gợi tình trong thực tế của các em.
15% học sinh sinh viên thừa nhận từng gửi "ảnh nóng" cho người khác. Ảnh minh họa. |
"Thực tế, trong nghiên cứu có nhiều học sinh khi trả lời câu hỏi về nhận thức thì vẫn coi đây là hành vi không đúng nhưng khi trả lời về hành vi thì vẫn cho thấy là thích thú, vẫn nhận và xem những hình ảnh, tin nhắn loại này" - TS Nam cho biết thêm.
Do vậy, TS Nam cho rằng, nếu điều tra một cách thực sự khách quan (không theo hình thức trả lời bảng hỏi của nghiên cứu một cách tình nguyện) thì con số về tỷ lệ học sinh, sinh viên có hành vi sexting có khả năng cao hơn nhiều.
Tuy nhiên, TS Nam cho biết, mặc dù con số 15% chưa phản ánh đầy đủ về thực trạng hành vi sexting trong học sinh, song nó có thể sẽ là một bất ngờ đối với các bậc phụ huynh, đặc biệt là đối với các bậc cha mẹ con con em trong độ tuổi là học sinh ở bậc học THCS.
TS Nam cho hay, theo kết quả nghiên cứu thì tỷ lệ học sinh THCS có hành vi sexting thấp hơn so với tỷ lệ này ở đối tượng là sinh viên, song dù là thấp hơn, nó vẫn cho thấy rằng, ngay từ giai đoạn này, các em đã có hành vi gửi các tin nhắn, hình ảnh hay phim gợi tình cho người khác.
"Hầu hết các bậc cha mẹ đều nghĩ giai đoạn này các con đều mới bước vào giai đoạn dậy thì sẽ chưa thể có những hành vi như vậy. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy, hành vi này đã xuất hiện ở các em học sinh lớp 6-7-8" - TS Nam nhận định.
Từ đó, TS Nam cho rằng, nghiên cứu của mình là một nghiên cứu khởi đầu để "khơi ra vấn đề" và mang tính cảnh báo đối với các bậc phụ huynh. "Tuổi dậy thì của các em ngày càng sớm, do đó, các bậc cha mẹ cần phải quan tâm hơn tới vấn đề sức khỏe giới tính của con sớm hơn" - TS Nam khẳng định.
Nghiên cứu cũng cho thấy, những học sinh, sinh viên sở hữu điện thoại thông minh (smartphone) thường có xu hướng thực hiện hành vi sexting nhiều hơn. Do đó, TS Nam cũng khuyến cáo, các bậc cha mẹ nên có chiến lược quản lý con cái trong việc tiếp cận và sử dụng các thiết bị điện thoại thông minh và tham gia các mạng xã hội trên Internet.
Hành vi sexting tiềm ẩn nhiều nguy cơ Cho tới nay, cả lý thuyết và thực tiễn đều chứng minh rằng hành vi sexting có thể gây ra nhiều hậu quả tiêu cực bao gồm: Nguy cơ bị phát tán những hình ảnh bất nhã này đến những người khác một cách mất kiểm soát. 2. Nguy cơ vướng vào lao lý nếu phát tán hình ảnh đồi trụy hoặc hình ảnh của trẻ nhỏ dưới ngưỡng mà pháp luật cho phép. 3. Nguy cơ tổn thương sức khỏe tâm thần. 4. Nguy cơ xuất hiện các hành vi lệch chuẩn. Các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng cá nhân có xu hướng sexting thì càng thoải mái và chủ động trong quan hệ tình dục. Tần suất hành vi sexting có tương quan thuận với ham muốn tình dục, khoái cảm trong quan hệ. Tần suất sexting càng cao thì cá nhân càng có nhiều bạn tình (đặc biệt là đối với nữ giới). Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người sexting có xu hướng quan hệ tình dục không an toàn, khó kiểm soát được xung động tình dục, thích tìm kiếm cảm giác mạnh và mới và thường là những người lạm dụng bia rượu, thuốc kích thích khi quan hệ. Nhóm những người sexting có nhiều dấu hiệu của lo âu và trầm cảm hơn nhóm chưa từng sexting. Những người sexting dưới áp lực của người khác cũng thường có trải nghiệm bị xử tệ trong quan hệ với bạn tình trước đây. Một số nghiên cứu cũng cho thấy những người đã từng sexting thường có nhiều suy nghĩ về sự tự sát và toan tự sát, có các cảm xúc buồn bã, tuyệt vọng khoảng 3-4 tuần trong năm trước đó. |